Những người tiên phong đưa công nghệ vào nông nghiệp

Đưa KHCN vào sản xuất và chế biến sản phẩm nông nghiệp là yếu tố bắt buộc để mang lại giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp. Và thực tế cho thấy đã có nhiều doanh nghiệp Việt Nam tiên phong đi vào con đường này.

Chịu chơi đầu tư vào công nghệ

Nếu như Vinamit đã quá quen thuộc với người dùng với việc áp dụng công nghệ tạo ra các sản phẩm trái cây sấy khô, và sây dẻo thì có thể công ty TNHH TMDV XNK Bé Dũng của doanh nhân Đỗ Văn Dũng với sản phẩm thanh long sấy dẻo lại là một trường hợp mới với nhiều thông tin thú vị.

Bước tay vào trồng thanh long ngay khi loại trái cây này xuất hiện tại Bình Thuận từ năm 1992, ông Dũng trải qua nhiều cung bậc thăng trầm với những vụ mùa được mất. Nhìn lại, ông thấy thị trường thanh long ngày càng khó khăn, năm sau lợi nhuận ít hơn năm trước. Điều đó buột ông phải tìm một hướng đi mới để nâng cao giá trị cho trái thanh long, đáp ứng những yêu cầu khắt khe của thị trường để tìm lối đi mới.

May mắn đến công ty Bé Dũng khi vào tháng 9 – 2014 ông Dũng tình cờ gặp một kỹ sư Việt kiều từ Đức về nước giới thiệu công nghệ sấy dẻo trái cây. Bắt gặp được điều mình tâm đắc, ông chủ thanh long quyết định dành số tiền tích lũy cộng với tiền vay từ thế chấp nhà cửa, tổng cộng 20 tỷ đồng để nhập khẩu công nghệ về sản xuất.

Cuối năm 2014, dây chuyền máy móc thiết bị về đến công ty và những khó khăn mới xuất hiện.

Ông Dũng cùng nhân viên thử hết mẻ này đến mẻ khác, các sản phẩm không đạt yêu cầu, hư rồi bỏ, hỏng rồi vứt. Và đến khi thử nghiệm gần 20 tấn thanh long, sản phẩm đầu tiên làm vừa lòng ông Dũng mới xuất hiện.

Hiện với sản lượng 200 kg thanh long sấy khô mỗi ngày, sản phẩm đã được Bé Dũng xuất đi nhiều nước.

Với 1,6 tấn thanh long tươi đầu vào, cho ra 100 kg thanh long sấy dẻo, đóng được 2.000 gói sản phẩm với khối lượng 50 gam/gói, giá bán 30.000 đồng/gói, tương ứng tổng doanh thu sẽ là 60 triệu đồng. Hay nói đơn giản, một kí thanh long sấy dẻo sẽ có mức giá là 600.000 đồng. Tuy không nói rõ tỷ lệ lợi nhuận trên doanh thu nhưng qua mức giá này ta thấy giá trị gia tăng mà công nghệ mang lại cho sản phẩm rất đáng kể.

Ông có nghĩ rằng mình quá mạo hiểm không? Một phóng viên đặt câu hỏi cho ông Dũng trong hội thảo "3C: lời giải pháp cho nông nghiệp Việt thời hội nhập" được tổ chức gần đây.

“Tôi nghĩ đây là con đường duy nhất để phát triển. Mình dám làm thì dám chịu. Tuy có mạo hiểm nhưng không thể không đi. Với tôi, làm ra sản phẩm ưng ý là đã thành công 50%.” Ông Dũng chia sẻ.

Mang giá trị mới cho sản phẩm nông nghiệp

Đến đây, có lẽ bạn đọc sẽ đặt câu hỏi với 200 kg sản phẩm mỗi ngày, sản lượng nhỏ như vậy thì làm sao phát triển?

Đây cũng chính là khó khăn mà Bé Dũng gặp phải. Tuy vậy, may mắn doanh nghiệp này đã có đối tác đi kèm. Và người này không ai khác chính là kỹ sư người Đức mà ông Đỗ Văn Dũng gặp vào tháng 9-2014.

Nặng lòng với quê hương, người kỹ sư Võ Phát Triển quyết định từ Đức về Đồng Tháp đầu tư 200 tỷ để làm trái cây sấy dẻo nhằm mở lối đi mới cho nông sản Việt Nam, đem lại giá trị gia tăng và nâng cao thu nhập người dân.

Đi nhiều hiểu nhiều, ông Triển rất hiểu giá trị của trái cây quê hương. Và theo ông chia sẻ, trái cây Việt Nam có giá trị vô cùng lớn, ví dụ như xoài Cát Chu của chúng ta được đánh giá rất cao so với xoài khu vực Nam Mỹ.

Hiện nhà máy ông có đa dạng các loại sản phẩm, từ “cầu đủ xài” (mãng cầu, đu đủ và xoài) cho đến các loại trái cây khác, thậm chí bao gồm cả ớt.

“Thị trường rộng lắm. Có doanh nghiệp đặt tôi mỗi tháng 3 container loại 40 feet xoài sấy dẻo nhưng tôi đành từ chối vì mình không cung cấp đủ sản lượng”, ông Triển chia sẻ.

Cũng tại hội thảo nêu trên, ngành nông nghiệp chế biến Việt Nam xuất hiện thêm một doanh nghiệp cũ mà mới đến từ Đồng Tháp là Cỏ May Essential.

Sở dĩ nói là cũ vì đây là một doanh nghiệp khá quen thuộc trong lĩnh vực thức ăn gia súc nhưng nói là mới vì những hướng đi thú vị của doanh nghiệp này.

Với quan niệm làm nông nghiệp, hoặc là làm mới, hoặc là làm khác đi, doanh nhân trẻ Phạm Minh Thiện – Giám đốc Điều hành Cỏ May đã mạnh dạn đưa khoa học công nghệ vào làm mới các sản phẩm nông nghiệp của quê hương.

Và một trong rất nhiều sản phẩm của Cỏ May là nấm rơm. Với gần như tất cả người dân Việt Nam, nấm rơm là một món ăn truyền thống, đầu tiên xuất hiện trong tự nhiên, rồi được người dân chủ động trồng nhưng giá trị vẫn chưa cao và thường quanh quẩn các chợ truyền thống với giá vài chục nghìn một ký. Lý do rất đơn giản: sản phẩm bảo quản không được tốt, yếu tố an toàn chưa được đảm bảo.

Vậy nếu bảo quản tốt hơn, an toàn hơn và đóng gói đẹp hơn thì bài toán nấm rơm đã được giải. Với góc nhìn như vậy, anh Thiện đã làm mới sản phẩm nấm rơm truyền thống thành một sản phẩm cao cấp định vị cho mình những khách hàng trung lưu trở lên với giá bán 160.000 đồng/kg.

“Điều thú vị là mặc dù giá đắt như vậy nhưng nhiều người sẵn lòng mua mà không quan tâm nhiều đến giá. Điều đó cho thấy nhu cầu về sản phẩm nông sản chất lượng của người Việt rất cao. Và đó là một tin vui.” Anh Thiện phát biểu.

Một tin khác, đáng chờ đợi hơn đó là câu chuyện anh Thiện đang cố gắng đưa nấm rơm cao cấp của anh vào chuỗi nhà hàng của Sài Gon Tourist và Việt Nam Airline.

Nếu việc đàm phán vụ này thành công, Cỏ May sẽ có đầu ra ổn định và dần chuyển giao công nghệ để nông dân sản xuất cho chúng tôi, ông Thiện nói về mong ước giúp cho những người nông dân quê ông có thêm thu nhập.

Chia sẻ về nền nông nghiệp quê ông, mà rộng ra là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, ông Thiện nhìn nhận “Sự trù phú của Đồng bằng sông Cửu Long hứa hẹn cho chúng ta một nền nông nghiệp sáng lạn, đặc biệt là nông nghiệp sạch và xanh kết hợp với ứng dụng những kỹ thuật tiến bộ của phương Tây.”

Hiểu rõ giá trị gia tăng mà công nghệ mang lại cho các sản phẩm nông nghiệp, hiện Cỏ May đầu tư khoảng 9 tỷ đồng để nhập khẩu công nghệ thiết bị chiết suất bằng CO2 siêu tới hạn chỉ để phục vụ nghiên cứu.

Với ông, đây là một bước đi mạo hiểm nhưng sự dấn thân là điều cần thiết.

Nguồn Tia Sáng: http://www.tiasang.com.vn/Default.aspx?CategoryID=43&News=9411&tabid=112