Những người giữ đường Hạnh Phúc

Ít ai biết được con đường Hạnh Phúc (QL4C) nối TP. Hà Giang với cao nguyên đá Đồng Văn dài gần 200km chỉ được làm bằng sức người và còn nhiều câu chuyện nữa của những người giữ gìn con đường sẽ tiếp tục mang lại sự ấm no hạnh phúc cho hôm nay.

Con đường Hạnh Phúc - QL4C

Con đường của những kỳ tích

Đến với Hà Giang nhiều lần nhưng chưa có dịp lên thăm cao nguyên đá Đồng Văn. Trong cái lạnh như cắt da cắt thịt của miền Bắc những ngày cuối đông, chúng tôi đặt chân đến TP. Hà Giang lúc 7h tối. Trong bữa cơm đón tiếp đoàn công tác, chị Hà Thị Minh Hạnh - Giám đốc Sở GTVT nửa đùa nửa thật với đoàn nhà báo chúng tôi: “Nếu đến Hà Giang mà chưa đi cao nguyên đá, chưa đứng trên đỉnh đèo Mã Pí Lèng thì chưa thực sự đến với Hà Giang”.

Đi nhiều, gặp gỡ nhiều người nhưng đây là vị giám đốc Sở GTVT thứ 2 tôi gặp là nữ sau chị Châu Thị Lê của tỉnh Bình Thuận. Làm giao thông đã vất vả nhưng là nữ thì vất vả hơn rất nhiều so với nam giới. Thế nhưng ngoài chuyện làm đường, bê tông, sắt thép, máy móc, dự án… thì chị Hạnh giới thiệu với chúng tôi về Hà Giang, về con đường mang tên Hạnh Phúc như một hướng dẫn viên du lịch thực thụ.

Thuở ấy, cao nguyên đá Đồng Văn là một vùng của hơn 8 vạn dân với 16 dân tộc sống biệt lập với thế giới bên ngoài. Họ sống trong đói nghèo và lạc hậu, thứ cây trồng duy nhất ngoài một diện tích ít ỏi trồng ngô thì đa phần là cây thuốc phiện, thứ cây mà chẳng cần chăm bón, cứ có đất là vươn lên cho hoa và nhựa. Phương tiện giao thông duy nhất là ngựa, là đôi chân của con người khi giao thông chỉ là những lối mòn…

Trong thung lũng Sà Phìn, Khu di tích nhà Vương nổi lên với vẻ choáng ngợp bởi kiến trúc vừa mang dáng dấp của phương Bắc, vừa có dáng dấp của Pháp và cả người Mông. Cô Vương Thị Chờ - cháu đời thứ 4 của Vua Mèo Vương Chính Đức cho biết, ngày xưa cụ cô mỗi lần xuống thị xã Hà Giang phải mất 3 - 4 ngày đường đi bộ vì giao thông đi lại khó khăn nên phải dùng cả đoàn “phu kiệu” tráng kiện để phục vụ… Chẳng thế mà người Pháp đến Hà Giang từ năm 1900, họ đã từng khảo sát, từng muốn mở đường lên vùng đất này, vậy mà gần nửa thế kỷ chiếm đóng, họ vẫn không thay đổi được gì, việc tiếp tế cho các đội quân đồn trú của Pháp vẫn phải chuyển theo những con đường mòn cheo leo bằng sức người và ngựa.

Bác Phạm Đình Dy nguyên là Trưởng ty Giao thông, sau này là Bí thư tỉnh ủy Hà Giang - người tham gia thiết kế con đường Hạnh Phúc khi đi khảo sát tuyến cả đi cả về mất 21 ngày đường… Bác Dy cũng là người bảo vệ phương án làm đường (như hiện nay) với Tỉnh ủy trước một phương án khác do chuyên gia Trung Quốc đề ra theo hướng theo đường biên giới… Ngày 10/9/1959, tại thị xã Hà Giang, Bộ GTVT, Trung ương Đoàn Thanh niên lao động Việt Nam và tỉnh Hà Giang tổ chức lễ khởi công mở đường. Hơn 4 năm xây dựng với sự tham gia của hơn 1.300 nam, nữ TNXP từ 6 tỉnh Việt Bắc (Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang) và 2 tỉnh đồng bằng (Nam Định, Hải Dương) cùng hơn 1.000 dân công của 16 dân tộc trên cao nguyên đá phá núi mở đường với dụng cụ lao động vô cùng thô sơ, chỉ là cuốc, xẻng, búa tạ, xà beng, xe cút kít...; điều kiện làm việc vô cùng khó khăn, thiếu lương thực, thiếu muối, thiếu nước, thiếu dầu, thiếu rau xanh, vật vã với khí hậu khắc nghiệt của vùng cao, mùa hạ nóng như rang, mùa đông rét cắt da cắt thịt, có những khi nhiệt độ giảm xuống dưới 0°C, nước đóng thành băng trên đá. Chưa hết, nạn thổ phỉ nổi lên với lời nói “chỉ khi nào đá mọc ở trên đầu thì mới làm đường được”…

Đoạn khó khăn nhất của tuyến đường chỉ có 21km từ Đồng Văn sang Mèo Vạc lại phải mất thêm gần 2 năm lao động vất vả nữa mới hoàn thành. Đoạn đường này chính là con đèo hiểm trở Mã Pí Lèng. Chuyện kể rằng, con đèo nổi tiếng với dốc cao dựng đứng này đã khiến những con ngựa cái leo chưa đến đỉnh đã trụy thai mà chết, những con ngựa đực chưa vượt qua đèo đã phải tắt thở. Vì vậy, dân địa phương đã dùng cụm từ “Mã Pí Lèng” trong tiếng Quan Hỏa, nghĩa đen là “sống mũi con ngựa”, đặt tên cho con đèo. Cái tên “Mã Pí Lèng” của con đèo đã nói lên sự hiểm trở nơi đây với những dốc cao dựng đứng như sống mũi con ngựa. Để hoàn thành con đường qua đèo, trong 11 tháng, hàng trăm TNXP đã thay nhau treo mình trên vách đá để đục từng thớ đá, đục từng lỗ mìn để kéo dài con đường thêm từng xăng-ti-mét. Đã có 14 công nhân hi sinh, mồ hôi trộn vào máu với bao công sức của hàng vạn ngày công lao động của TNXP, dân công của 16 dân tộc vùng Tây Bắc để ngày 15/6/1965, tuyến đường được hoàn thành trong niềm hân hoan vui sướng và được lấy tên là con đường Hạnh Phúc.

Vun đắp cho Hạnh Phúc

QL4C - con đường Hạnh Phúc, con đường độc đạo nối Hà Giang với cao nguyên đá Đồng Văn - nơi được Unesco công nhận là Công viên đá toàn cầu với 185km chiều dài chạy qua 4 huyện vùng cao nguyên đá Quảng Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc đã thu hút một lượng lớn du khách. Với địa hình địa chất hiểm trở, thời tiết khắc nghiệt, đường nhỏ hẹp, nhiều khúc cua tay áo, con đường Hạnh Phúc đã xuống cấp sau thời gian khai thác, nhiều điểm đen xuất hiện khi lưu lượng phương tiện, du khách đến với Công viên địa chất.

Chị Hà Thị Minh Hạnh chia sẻ, Hà Giang còn nghèo, ngân sách địa phương thu không đủ bù cho các huyện vùng cao, đặc biệt là những địa phương giáp biên giới. Vốn duy tu bảo dưỡng thường xuyên của địa phương không đủ cho đầu tư đường. Với sự quan tâm của Bộ GTVT, Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương, trong năm qua, con đường Hạnh Phúc đã được đầu tư xây dựng rào hộ lan, bảo đảm an toàn, giao thông êm thuận với số tiền trên 100 tỷ đồng. Cái khó nhất đối với những người làm bảo trì trên này là vốn duy tu, kế đến là vật liệu xây dựng, đặc biệt là đá. Khi khu bảo tồn được hình thành, chúng tôi phải vận chuyển đá từ nơi khác đến để làm chứ không khai thác tại chỗ được.

Cầm miếng bánh nóng hổi được làm từ hạt cây tam giác mạch vừa được nướng trên bếp than hồng, chị Hạnh cho biết, đây là một trong nhiều công dụng của loại cây này, nhiều bạn lên Hà Giang đã bị những thửa hoa tam giác mạch hút hồn bởi sắc hồng, sắc trắng xen giữa mầu xám của đá. Đây là thứ cây lương thực thứ 2 sau cây ngô của đồng bào nơi đây.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, Hà Giang đã có chính sách thúc đẩy phát triển thêm 30ha trồng loại cây này. Lên cao nguyên đá, trên con đường Hạnh Phúc, hoa tam giác mạch được người dân trồng bên đường, ngoài phát triển du lịch, đây là thứ cây có thể làm được nhiều sản phẩm như bột bánh, thân lá nấu canh, đặc biệt là sự sáng tạo của người dân nơi đây khi lên men tạo ra thứ rượu tam giác mạch uống rất êm, nhưng đủ để ấm lòng trong cái rét thấu da thịt nới xứ sở vùng cao.

Đi trên con đường Hạnh Phúc, nhìn xuống dòng Nho Quế chỉ nhỏ như sợi chỉ, dấu tích của vết choòng 50 năm về trước vẫn còn in trên vách đá, ông Nguyễn Văn Huyện - Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN chia sẻ, một công trình quá hùng vĩ, chỉ với sức người mà các bác, các anh có thể làm nên một kiệt tác như thế này. Đây là một kỳ tích, một trang sử hào hùng, vẻ vang của ngành Đường bộ. Dẫu còn khó khăn nhưng chúng ta - những người đi sau luôn tâm niệm sẽ luôn vun đắp, giữ cho đường tốt, an toàn, giao thông êm thuận để mang lại ấm no, hạnh phúc.

Khánh Lê

Nguồn GTVT: http://www.tapchigiaothong.vn/nhung-nguoi-giu-duong-hanh-phuc-d20886.html