Những người đón tết ở lề đường, hè phố

TP.HCM càng về đêm càng lạnh. Những chiếc xe hủ tíu, những quán cóc vệ đường vẫn sáng đèn,...như mời gọi. Họ vẫn cần mẫn làm việc với mong ước một năm mới an lành, no đủ, ấm êm.

TP.HCM đêm se se lạnh. Người người, nhà nhà xúng xính quần áo đẹp đi chơi tết nhưng cũng có những người miệt mài rong ruổi bên lề đường hè phố tiếp tục với công việc vì gánh nặng mưu sinh.

“Không có tiền buồn thí mồ”

Đó là chia sẻ của chị Đinh Thị Xuân Hương, làm nghề bán thuốc lá trên đường Phan Đăng Lưu (Quận Phú Nhuận, TP.HCM). Nhà chị ở đường Thích Quảng Đức, chị lên đây bán thuốc vừa trông nhà luôn cho người ta. Nhìn chị trẻ trung xinh đẹp, chẳng ai nghĩ năm nay chị đã ngoài 60 tuổi. Chồng chị mất năm chị mới 27, một mình chị vò võ nuôi con lớn khôn. Giờ con chị cũng đã ngoài 30, đã lập gia đình, chị đi làm để vui tuổi già, cũng vừa kiếm tiền nuôi sống bản thân không phụ thuộc vào con cái.

Chị Đinh Thị Xuân Hương_Ảnh: NGUYỄN TRÀ

Chị nói chuyện hài hước và duyên lắm. Hỏi lý do tại sao ngày tết vẫn đi bán hàng chị cười: “Ngày tết vắng ngắt, đi làm cho vui, kiếm tiền sướng hơn. Đi đâu giờ cũng khói thuốc, khói xe, mệt lắm. Mà người ta trẻ người ta đi chơi, mình già rồi thì mình đi làm, có tiền mới vui. Không có tiền buồn thí mồ”.

“Tết thì vẫn phải ăn, phải tiêu tiền chứ”

Ông Nguyễn Văn Mạnh, năm nay ông đã 60 tuổi. Ông sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn. Tuổi đã cao nên ông bị lãng tai, phải ghé sát nói chuyện ông mới nghe thấy, câu được câu mất.

Ông Nguyễn Văn Mạnh lái xe ôm trên đường Phan Đăng Lưu (Phú Nhuận)_ Ảnh: NGUYỄN TRÀ

Chỉ tay vào cái cây lá vàng có ông thần tài lủng lẳng trước giỏ xe, ông Mạnh bảo đó là người ta làm rơi ông nhặt được: “Ông chẳng biết cây gì nhưng nhìn nó đẹp có ông thần tài là ông nhặt, treo lên cho cả năm may mắn. Mà chưa thấy may đâu, cả ngày nay mới chạy được có mấy chục ngàn à, họ đi taxi hết”, ông lắc đầu cười trừ.

Với ông, tết cũng giống như bao ngày bình thường khác, vẫn chạy xe ôm như 15 năm qua, vẫn làm việc. “Ông chạy từ 10 sáng đến 12h đêm thì nghỉ. Không có tiền thì phải đi làm chứ sao con? Mình vẫn làm việc, kiếm được đồng tiền bằng bàn tay lao động của mình là còn sướng chán”, ông cười hồn hậu.

“Bán một lát rồi tôi cũng dọn hàng về với con”

Đó là tâm sự của chị Trần Thị Ngọc Thu (51 tuổi, Gò Vấp). Chị Thu bán hàng trên xe đẩy với đầy đủ mặt hàng: từ bao lì xì, găng tay, thuốc lá, đến nón bảo hiểm, sách báo…Chị còn kiêm luôn cả thợ sửa nón bảo hiểm khi khách có yêu cầu.

Chị Trần Thị Ngọc Thu (Gò Vấp_Ảnh: NGUYỄN TRÀ

Hai hôm nay, mặt hàng chị bán chạy nhất là bao lì xì: “Từ loại 500 đồng đến 10.000 có hết. Những ngày Tết mình cũng tăng giá, tăng 1-2.000 đồng để bõ công người ta đi chơi, mình đi làm bán hàng chứ: như bao thuốc ngày thường 20.000 đồng thì nay 22.000, bao lì xì 5.000 thì giờ 6-7.000. Thế thôi!” Chỉ tay về hai đứa trẻ cách đó không xa chị bảo, ngày tết mẹ đi bán hàng nên hai đứa cũng đi làm phụ mẹ chứ không đi chơi với bạn bè. “Làm lúc nữa rồi mình cũng dọn hàng về với con. Mình không về con cũng chẳng chịu về”, chị kể.

NGUYỄN TRÀ

Nguồn PLO: http://phapluattp.vn/thoi-su/xa-hoi/nhung-nguoi-don-tet-o-le-duong-he-pho-611314.html