Những người Việt trẻ xuất khẩu công nghệ giáo dục

Xuất khẩu công nghệ giáo dục tưởng là chuyện xa vời khi nền giáo dục Việt Nam vẫn bị cho là lạc hậu so với thế giới. Tuy nhiên, đây là điều mà đơn vị đào tạo trực tuyến mang tên Topica đã làm được.

Tổ hợp công nghệ giáo dục Topica được biết đến như một đơn vị đào tạo trực tuyến hàng đầu Đông Nam Á, với hơn 1.000 nhân viên toàn thời gian, hơn 1.400 giảng viên bán thời gian ở các văn phòng tại Thái Lan, Singapore, Philippines và 4 tỉnh, thành Việt Nam. Topica nổi tiếng về đào tạo cử nhân trực tuyến chất lượng cao với hơn 1.000 doanh nhân giảng dạy, hợp tác với các đại học hàng đầu Việt Nam và Philippines. Bên cạnh đó, Topica Founder Institute là chương trình huấn luyện khởi nghiệp duy nhất ở Việt Nam có tổng vốn đầu tư mà học viên tốt nghiệp nhận được sau 3 năm là gần 10 triệu USD.

Trước khi vươn ra toàn cầu thành công, Topica cũng trải qua những khó khăn, thất bại như bất cứ startups nào khác. Dám mơ lớn, dám làm và không ngừng chiến thắng chính mình, đó là điều giúp doanh nghiệp này vượt qua và thành công.

Ông Nguyễn Khôi - PGĐ Topica Pedia Việt Nam: Cứ mơ lớn, sẽ làm được

Ông Nguyễn Khôi - PGĐ Topica Pedia Việt Nam. Ảnh: Thái Cơ

Khi vào Thái Lan, thách thức lớn nhất của chúng tôi là nhân sự. Tuyển người địa phương thì rất mất thời gian đào tạo, tuyển người Việt Nam thì phải tìm được người biết tiếng Thái. Chiến thuật của chúng tôi là tuyển người biết cả tiếng Việt và tiếng Thái (thường là người Việt), đào tạo nghiệp vụ và văn hóa bằng tiếng Việt để sau đó họ tuyển người Thái vào, tiếp tục phát triển.

Có một điều tương đối chung giữa Thái Lan, Indonesia và Việt Nam là tắc đường. Nếu làm được một sản phẩm giáo dục online học trên ôtô trong lúc tắc đường thì có khi rất thành công. Khó khăn về mặt di chuyển khiến lợi thế của mô hình online được phát huy tối đa.

Với ngành giáo dục trực tuyến, Việt Nam đang đi trước nhiều nước trong khu vực. Tôi nghĩ với các startups Việt Nam, việc ra được thị trường khu vực không phải bất khả thi. Bằng chứng là nhiều công ty đã ra rồi, như Appota, Peacesoft, CleverAds, Nova… Các startups Việt Nam nghe đến “go global” thường có cảm giác “cóng”; nhưng tôi nghĩ nên đặt cho mình những mục tiêu xa, có thể ngay lúc này có vẻ bất khả thi nhưng cứ phải nghĩ xa thì mới đi xa được. Ở Topica có một nét văn hóa là mỗi năm nói ra một câu mà mình nghĩ là không thể làm được, ví dụ nếu bảo Topica không thể “go global” được đâu thì điều đó được coi là mục tiêu, và chúng tôi sẽ bắt tay làm.

Ông Dương Hữu Quang - CEO Topica Native: Chủ động tấn công thị trường khu vực

Ông Dương Hữu Quang - CEO Topica Native. Ảnh: Thái Cơ

Tôi cảm nhận được nhiều sắc thái tình cảm khi khách hàng ở nước ngoài đánh giá dịch vụ của Topica Native (luyện nói tiếng Anh trực tuyến), trong đó có chút gì đó ngạc nhiên, có chút gì đó không tin. Đặc biệt, người Việt ở Thái Lan chưa bao giờ tin một công ty Việt Nam lại có thể mang công nghệ gì đó sang bán được ở đây. Những khách hàng Thái Lan đầu tiên cũng nửa ngờ nửa tin, nhưng sau khi sử dụng họ thấy chất lượng tốt và mình rất nhớ cảm giác đó.

Chúng tôi đã tiếp xúc với nhiều startups Việt, có nhóm quyết tâm “go global”, có nhóm xem đó là viển vông, có nhóm đã chiến rồi nhưng thất bại và chùn bước. Startups với nền tảng Internet thì cơ hội “go global” cao hơn rất nhiều. Quan trọng nhất vẫn là con người, sau đó là sản phẩm phải được thử nghiệm và kiểm chứng. Nhiều người hay lo ngại về vốn nhưng tôi nghĩ startups dựa trên nền tảng Internet không cần vốn quá lớn, mình cứ đi từng bước nhỏ rồi lấy cái này nuôi cái kia.

Chúng ta bây giờ đã mở cửa, không thể cứ ngồi đợi các công ty nước ngoài mang “quân” đến đánh mà mình cũng phải chủ động tiến công ra thị trường khu vực và quốc tế. Và một điều tôi rất muốn là các startups và công ty Việt Nam khi ra nước ngoài cần liên kết với nhau chặt hơn nữa, như vậy sẽ tạo ra sức mạnh lớn hơn rất nhiều.

Thái Cơ

Nguồn KH&PT: http://khoahocphattrien.vn/khoa-hoc/nhung-nguoi-viet-tre-xuat-khau-cong-nghe-giao-duc/2016020304389687p1c160.htm