Những ngôi làng mang 'sứ giả mùa xuân': Ông 'đầu trần chân đất' đảo Long Sơn

Nằm cách TP Vũng Tàu chỉ vài cây số đường chim bay, đảo Long Sơn với hình dáng của một con rồng xanh đang vươn mình giữa trập trùng sóng biển.

Đảo Long Sơn nhìn từ xa như một con rồng uốn lượn

Dù đã được nối với đất liền bằng một cây cầu, nhưng Long Sơn không bị cuốn vào nhịp sống hối hả, vẫn giữ được những nét văn hóa, tập tục riêng độc đáo mà tiền nhân đã gầy dựng từ 115 năm trước.

Khai lập xã đảo

Sau 2 giờ rong ruổi trên QL51, khi còn cách TP Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) gần chục cây số, nhìn sang bên phải, thấy hình dáng “con rồng” Long Sơn nhấp nhô, uốn lượn như đang vẫy vùng trên sóng. Rẽ phải, đi chừng 3 cây số nữa là đến Long Sơn, hòn đảo dù không còn ngăn cách với đất liền, nhưng vẫn còn nguyên những nét hoang sơ và yên bình.

Đảo Long Sơn rộng 92km 2 , trong đó có 57km 2 đất nông nghiệp, còn lại là đất ngập mặn. Dân số gần 17 ngàn người (số liệu năm 2013), sinh sống bằng nghề nông, đi biển, làm muối truyền thống… Hơn 2/3 số dân trên đảo theo đạo Ông Trần.

Trên đường đi, thỉnh thoảng tôi lại bắt gặp những cụ ông, cụ bà mặc đồng phục giống nhau: Áo bà ba màu đen, tóc búi củ hành, đầu trần, chân đất. Họ là những “hậu duệ” của đạo Ông Trần, tiền nhân khai lập xã đảo Long Sơn.

Đến khu di tích quần thể Nhà Lớn, niềm tự hào của người dân Long Sơn, nơi vẫn đang gìn giữ những lễ nghi, phong tục độc đáo của tiền nhân, trò chuyện với các vị trưởng lão ở đây mới thấy, Ông Trần được người dân hết lòng tôn kính, gọi là Ông.

Họ tôn kính cũng phải, vì Ông (Ông viết hoa - tỏ lòng tôn kính) không chỉ là người khai mở vùng đất này, mà còn là thủ lĩnh tài đức vẹn toàn, giúp hòn đảo này luôn bình yên, chan chứa tình người suốt hơn trăm năm qua.

Bên ngoài quần thể Nhà Lớn Long Sơn

Ông Lê Văn Mai, năm nay 82 tuổi, một trong những bô lão trông coi khu Nhà Lớn kể, Ông Trần tên thật là Lê Văn Mưu, sinh năm Ất Mão (1855) tại xã Thiên Khánh, tổng Hà Thanh, quận Giang Thành (nay là xã Tân Khánh Hòa, TX Hà Tiên, Kiên Giang). Thời trai trẻ, ông từng về vùng Thất Sơn, An Giang, theo làm đệ tử đạo “Tứ Ân Hiếu Nghĩa” (ân tổ tiên, ân đất nước, ân tam bảo, ân đồng bào và nhân loại), do Đức Bổn sư Ngô Lợi làm giáo chủ và tham gia cuộc khởi nghĩa Bảy Thưa - Láng Linh (1867 - 1873) chống thực dân Pháp do Chánh quản cơ Trần Văn Thành lãnh đạo.

Năm 1891, khi cuộc khởi nghĩa thất bại, nhằm tránh sự truy lùng của thực dân Pháp, ông Mưu cùng 20 người trong gia quyến lên một chiếc ghe lớn, giong buồm lưu lạc rồi dừng lại vùng đất thuộc TP Bà Rịa ngày nay, sinh sống bằng nghề bốc thuốc chữa bệnh, làm muối. Việc làm ăn phát đạt, ông nổi tiếng, cũng là lúc thực dân Pháp bắt ông nộp thuế và truy thu thuế từ mấy năm trước. Năm 1900, ông lại cùng gia quyến giong thuyền đến vùng đất mới, tách biệt với đất liền. Đó là đảo Long Sơn ngày nay.

Vào năm Giáp Thìn (1904), một trận cuồng phong quét qua dải đất ven biển Tây Nam bộ khiến hàng chục ngàn dân lâm cảnh lụt lội, đói khổ. Ông Mưu liền xuất 7.000 giạ lúa (một giạ bằng 2 táo, 1 táo tương đương 20 ký), cho người thân chất lên ghe mang về các vùng gặp nạn để cứu trợ. Cũng từ đó, dân gian đồn rằng, ông Mưu là người được Trời Phật phái xuống "cứu nhân độ khổ", nên tìm về Long Sơn sinh sống.

Tại Nhà Lớn, có 3 dãy nhà, mỗi dãy 20 căn. Đây là nơi dành cho những người mới đến, được Ông Trần đón nhận, không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, họ được Nhà Lớn cấp cho không, nếu ai có nhà riêng, không ở nữa, báo cho Nhà Lớn để nhường lại cho người khác. Sau khi ổn định nơi ở, họ được cấp đất, dụng cụ, vốn làm ăn, đến khi đủ sống mới ra ở riêng.

Bên trong Nhà Lớn là một quần thể kiến trúc độc đáo

Dưới sự dẫn dắt của Ông Trần, những cư dân trên đảo bắt đầu công cuộc khai khẩn, đánh bắt hải sản, làm muối, nuôi trồng thủy sản. Ông Trần đối xử với dân bình đẳng và khiêm nhường. Khi nói chuyện với mọi người, tùy theo tuổi tác, ông gọi họ là "người lớn" hoặc “người nhỏ", còn ông tự xưng là "người này".

Đạo Ông Trần thực ra là đạo làm người, chứ không hẳn là một tôn giáo, đó là một tín ngưỡng, là những đúc kết, pha trộn tinh hoa từ Phật giáo, Nho giáo, đạo ông bà… và cả những đúc két từ các tiền nhân, đầy ắp tính nhân văn, yêu nước, yêu đồng loại. Dù tín ngưỡng Ông Trần ra đời từ hơn 100 năm nay, nhưng không hề lạc hậu, trái lại, những gì người sáng lập muốn truyền lại cho đời sau, nay càng thấy cần hơn.” - Ông Phạm Chí Thân, Tổng Thư ký Hội Khoa học - Lịch sử tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Buổi tối sau những giờ lao động mệt nhọc, khi việc nhà đã xong, Ông lại tập trung người dân tại nhà Thánh để nghe Ông nói chuyện, hoặc nghe kể về những gương trung hiếu, tiết nghĩa trong lịch sử Việt Nam. Mỗi khi kể xong một câu chuyện, Ông lại cắt nghĩa cặn kẽ cho người nghe. Những buổi tập trung sinh hoạt văn hóa tại nhà Thánh còn là dịp để Ông Trần đứng ra phân xử, hòa giải những mâu thuẫn, va chạm xích mích của người dân. Đồng thời khuyên bảo họ ăn hiền ở lành, làm việc thiện, tránh việc ác, khơi gợi cho họ lòng yêu nước, tự hào dân tộc. Giữ gìn những phong tục tập quán của cha ông, không hợp tác với kẻ xâm lược…

Độc đáo đạo ông trần

Bà Lê Thị Kiềm (mọi người thường gọi dì Ba), năm nay 69 tuổi, cháu 4 đời của Ông Trần, kể: Sau khi thấm nhuần tư tưởng, giáo lý của đạo giáo “Tứ Ân Hiếu Nghĩa”, đến Long Sơn, Ông kết hợp với những tín ngưỡng đạo giáo khác như Phật giáo, Nho giáo, đạo Lão, thờ cúng ông bà tổ tiên... rồi đúc kết, truyền dạy cho con cháu về nhân, lễ, nghĩa, trí, tín. Ông thường dạy con cháu rằng: “Tu để thành người. Tu để biết mà ăn ngay ở lành, việc tốt thì làm, việc sai quấy thì tránh”.

Khi đến đây khai khẩn lập đền, Ông cũng không xưng danh xưng đạo. Cho nên tín ngưỡng của Ông không hề có kinh kệ, rước sách, kiêng kỵ, không cắt tóc, ăn chay, không có chuông mõ. "Di ngôn bất di tự" (chỉ để lại lời nói, không dùng văn tự). Những “di ngôn” ấy được học thuộc lòng, rồi truyền từ đời này sang đời khác.

“Thế còn trang phục áo bà ba đen, đầu trần, chân đất, tóc búi củ hành, từ đâu mà có?”, tôi hỏi dì Ba và được giải thích: “Tất cả đều xuất phát từ lao động chân tay mà ra. Sinh thời, Ông không chỉ là người đức độ, mà còn là một lực điền. Ông thường để đầu trần, chân không để lao động không vướng víu. Vì ít có thời gian chăm chút nên tóc dài, búi lên cho gọn, cũng để che nắng. Mọi người học theo Ông, riết rồi thành nếp. Cái tên Ông Trần cũng xuất phát từ đó. Còn Ông chọn áo bà ba bởi đó là trang phục truyền thống, còn màu đen vừa giản dị vừa phù hợp với người lao động chân tay”.

Thắp hương, tưởng nhớ Ông mỗi ngày

Di sản Ông Trần để lại cho đời sau không chỉ có những bài học về cách tu thân, không chỉ có các giá trị nhân văn trong cuộc sống thường ngày, mà còn cả một công trình kiến trúc vô cùng độc đáo. Đó là khu Nhà Lớn, một quần thể kiến trúc nghệ thuật đình làng, được làm bằng gạch ngói và các loại gỗ quí. Nhà Lớn gồm lầu Cấm, nhà Thánh, lầu Giữa, lầu Tiên, lầu Phật, lầu Dài, quây quần, tạo hình chữ "khẩu" với sân lộ thiên ở giữa. Nhà Lớn đã được Bộ VH-TT&DL công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.

Ở quần thể Nhà Lớn, còn có một di sản quý khác, đó là kho tàng chữ Hán - Nôm vô cùng phong phú, được thể hiện trang trọng trong nội thất, trên khắp cột xà công trình kiến trúc cổng Nhà Lớn, nhà Hội, lầu Tiên, lầu cấm, lầu Phật, nhà Thánh... bằng 88 cặp câu đối liễn và 94 bức hoành phi sơn son thếp vàng, chạm khắc tinh xảo, nội dung phản ánh những triết lý, quan niệm sâu sắc về đạo và đời, đây là tâm huyết của các bậc tiền nhân dày công, suy ngẫm, đúc kết truyền lại cho thế hệ con cháu muôn đời.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/nhung-ngoi-lang-mang-su-gia-mua-xuan-ong-dau-tran-chan-dat-dao-long-son-post154938.html