Những nét đẹp của Tết Việt

Với người Việt Nam, Tết Nguyên đán là một trong những lễ lớn nhất trong năm, đây cũng là dịp gia đình quây quần, đoàn tụ bên nhau sau những ngày làm việc vất vả. Trải qua bao nhiêu năm, những phong tục cổ truyền của người Việt vẫn giữ được những nét bản sắc dân tộc.

Tiễn ông công ông táo len trời

Tương truyền, ở mỗi gia đình, kể từ khi loài người biết dùng lửa để chế biến thức ăn đến nay trong nhà luôn luôn có ông Công ông Táo. Ông Công được xem là thần đất giữ nhà và biểu tượng của ông là cây nêu ngày Tết. Ngày nay, phong tục trồng cây nêu đã mai một vì có nhiều người ở nhà tầng nên không có đất. Ông Táo được dân gian gọi là “Ông vua bếp”. Vua bếp là vị thần cai quản việc bếp núc trong mỗi gia đình gắn với câu ngạn ngữ “có thực mới vực được đạo”. Cỗ bếp có ba ông vua bếp được nặn bằng đất thó (đất sét) có hình chóp cụt uốn cong cúi đầu vào nhau tạo thành thế “kiềng ba chân”.

Việc tiễn đưa ông Công ông Táo về trời là một phong tục đẹp với ý nghĩa tâm linh. Không tiễn ông Công ông Táo về trời là có gì đó khuất tất đối với trời nên sợ không dám làm lễ. Lễ cúng ông Táo về trời bao giờ cũng có việc thả cá chép làm phương tiện cho ông, đây cũng là đời sống thiêng liêng của cư dân sông nước.

Cúng giao thừa ngoài trời

Giao thừa là một khoảnh khắc vô cùng thiêng liêng, là sự chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Mọi người cũng dành thời gian này để bày mâm cúng ngoài trời. Theo quan niệm của người dân ta, mỗi năm Thiên Đình đều thay đổi toàn bộ quan quân trông nom dưới hạ giới. Vì thế, người dân thường bày mâm cỗ ra ngoài trời với mục đích tiễn đưa người nhà trời cai quản năm cũ và đón những người nhà trời mới xuống làm nhiệm vụ và hy vọng họ sẽ mang đến may mắn cho gia đình mình.

Tục xông nha

Theo phong tục, cứ đến đêm giao thừa hoặc sáng mùng một mọi người thường ở trong nhà, không đi đến nhà khác để đợi có người đến xông nhà, rồi mọi người mới được đi chúc Tết nhà khác. Người ta tin rằng, người xông nhà đầu năm sẽ ảnh hưởng đến tương lai của chủ nhà trong cả năm mới. Tuổi tác người xông nhà cũng khá quan trọng, vì thế trước Tết chủ nhà thường chọn người quen biết, hợp tuổi để đến xông nhà cho nhà mình.

Mùng một tết cha, mùng hai tết mẹ, mùng ba tết thầy”

Cả một năm dài các thành viên trong gia đình thường là mỗi người một việc, ít có thời gian để ngồi quây quần bên nhau. Chính vì vậy, Tết là dịp để mọi người cùng ôn lại chuyện xưa và cầu chúc cho nhau một năm mới bình an và hạnh phúc.

Và câu nói “Mùng một Tết cha, mùng hai Tết mẹ, mùng ba Tết thầy” chính là lịch trình để mọi người đi lại, thăm hỏi nhau trong 3 ngày Tết.

Nhà cha ở đây được hiểu là nhà bên họ nội, ngày mùng một thiêng liêng nhất nên ai cũng về từ đường bên họ nội cúng gia tiên, mừng tuổi và chúc tụng họ hàng. Theo thông lệ, người con cả, người anh cả, người cháu đích tôn vào trước, sau đó lần lượt vào sau nói lời chúc tụng ông bà, cha mẹ sức khỏe và những điều tốt lành. Ông bà, cha mẹ bên nội chúc Tết con cháu kèm theo những đồng tiền mới bọc trong giấy hồng điều gọi là cho lộc con cháu để con cháu lấy may.

Sang đến ngày mùng 2, cả gia đình sẽ sang nhà mẹ - nhà ngoại, nghi thức cũng tương tự như bên nội. Con cháu chúc tụng ông bà, cha mẹ và ông bà, cha mẹ mừng tuổi con cháu bằng những đồng tiền mới bọc trong giấy hồng điều tượng trưng.

Người thầy luôn được đề cao trong truyền thống dân tộc và ngày mùng 3 sẽ là ngày Tết thầy. Vào ngày này, học trò đến thăm thầy cô giáo, chúc mừng năm mới và chúc sức khỏe thầy cô. Đây là dịp để các học trò cũ đến thăm thầy cô, cảm ơn thầy cô đã dạy mình nên người và để ôn lại kỷ niệm xưa.

Mừng tuổi đầu năm

Mừng tuổi là một trong những phong tục lâu đời để mong muốn những điều tốt lành nhất sẽ đến với mọi người trong gia đình. Theo lệ, thường thì vào mùng một con cái chúc Tết ông bà, cha mẹ. Ông bà, cha mẹ cũng chúc lại con cháu và mừng tuổi cho con cháu bằng một phong bao lì xì có tiền bên trong với lời chúc "hay ăn, chóng lớn". Tiền lì xì thường là những tờ tiền còn mới, vì người ta quan niệm rằng, năm mới cái gì cũng phải mới mẻ thì một năm sẽ gặp được nhiều điều may mắn.

Xuất hành đầu năm

Đầu năm mới, người Việt còn có tục xuất hành. Xuất hành là đi ra khỏi nhà trong ngày đầu năm để đi tìm điều may mắn cho mình và gia đình. Trước khi xuất hành, người ta phải chọn ngày, giờ và các phương hướng tốt để mong gặp được các quý thần, tài thần…

Thường thường, người ta theo các hướng tốt, xuất hành đi lễ chùa, đền hoặc đi chúc Tết các bậc huynh trưởng, thân quyến hay bằng hữu. Đối với nhà nông ngày xưa, đầu năm mới xuất hành còn để chiêm nghiệm thời tiết. Vào những ngày đầu năm, khi mặt trời mọc người ta đi ra khỏi nhà xem chiều gió thổi, người ta có thể đoán được năm mới hên hay xui.

Nếu xuất hành ra chùa hay đền, sau khi lễ bái, người Việt còn có tục hái “cành lộc” để mang về nhà lấy may, lấy phước. Tục hái lộc ở các nơi đền, chùa ngụ ý xin hưởng chút lộc của thần, phật ban cho nhân năm mới. Cành lộc này thường đem về cắm ở bàn thờ tổ tiên.

Tục kiêng cữ

Trong 3 ngày đầu năm, người ta thường thận trọng lời ăn tiếng nói và hành động vì tin rằng có thể đem lại hên xui cho cả năm. Thí dụ như không quét rác, nhất là không quét xác pháo ra khỏi nhà vì được xem là quét tiền ra cửa; không tặng thuốc men hay dao nhọn vì bị xem là dấu hiệu của bệnh hoạn và xung khắc; không khóc lóc than thở hay đập vỡ chén đĩa vì đó là dấu hiệu của sự đổ vỡ trong gia đình; không mặc đồ trắng hay đen vì bị xem là dấu hiệu của sự tang tóc.

HẢI ĐƯỜNG (TỔNG HỢP)

Nguồn GTVT: http://www.tapchigiaothong.vn/nhung-net-dep-cua-tet-viet-d20871.html