Những mùi hương không thể phai mờ trong ký ức về Tết xưa

Mùi của nồi bánh chưng đang sôi lục bục, hương trầm thắp cuối năm, nồi nước lá mùi già bốc khói.... là những hồi ức không thể phai trong ký ức về ngày Tết truyền thống.

Hương trầm mẹ thắp chiều cuối năm

Mùi nhang thoảng trong gió xuân từ làng Cao Thôn – Ảnh: baomoi

Mùi nhang thoảng trong gió xuân từ làng Cao Thôn – Ảnh: baomoi

Cứ mỗi lần ngửi thấy mùi hương trầm thoang thoảng trong gió đông là đã biết tết đang về thật gần. Chị Linh (Trung Kính, Cầu Giấy) cho biết: "Ấn tượng với mình ngay từ lúc còn nhỏ khi tết đến đó là mùi hương trầm ngày tết, lúc còn nhỏ khi được mẹ cho đi chợ tết bao giờ mình cũng thấy mẹ mua mấy vòng hương về để tết bố thắp, mình thích ngửi mùi hương trầm lắm, một mùi hương trầm ấm làm xoa tan đi cái giá lạnh của mùa đông, mùi hương lan tỏa đi khắp không gian làm cho ai ai cũng cảm thấy ấm áp hơn."

Theo chị, mùi hương ngày thường khác, hương ngày Tết khác và mùi hương những ngày cận Tết lại càng khác nữa. Trời lạnh, chỉ cần ngửi mùi hương phảng phất trong gió đủ khiến lòng người bình yên.

Truyền thống dân hương trong ngày Tết của người Việt

Đến nay, khi đã trưởng thành và có gia đình riêng, chị Linh vẫn giữ thói quen thắp hương trầm vào chiều cuối năm. Những cây hương vòng, hương que được chị lựa chọn, được mua từ làng Yên Phụ nổi tiếng của đất kinh kỳ xưa. Mỗi nén hương thắp lên, những vòng khói cuộn tròn rồi bay đi như cuốn theo hết muộn phiền của năm cũ sắp qua, hân hoan đón năm mới về. Cầu kỳ hơn, nhiều người còn đặt mua hương trầm tận Hà Tĩnh. Chiều cuối năm, sự lẩn khuất của làn khói trắng, mùi thơm nhẹ lan tỏa, làm cho ta thấy ấm cúng và gắn bó với nhau nhiều hơn.

Mùi bánh chưng tết phảng phất hương xuân

Những năm gần đây, nhiều gia đình Hà Nội đã lại gói bánh chưng tết

Đó chính là mùi hăng hắc của cành củi tỏa ra từ bếp luộc bánh chưng chiều 27, 28 Tết, mùi bánh chưng luộc chín được vớt ra. Ngày trước, mỗi ngõ xóm nhỏ chung nhau ngả lợn để cùng ăn Tết, dành một ít thịt gói bánh chưng. Khi người lớn gói bánh thì lũ trẻ chạy lăng xăng phía ngoài để xem. Những lá dong thừa, gạo nếp, thịt vụn cuối cùng sẽ được gom lại, gói những chiếc bánh chưng cua nhỏ xinh dành cho trẻ nhỏ.

Có ai đã từng ngồi bên bếp lửa đêm khuya để giúp mẹ trông nồi bánh chưng Tết đang sôi ùng ục khi tiết trời còn đang lạnh, để hưởng trọn mùi thơm nức mũi tỏa ra vào những ngày giáp Tết. Có ai đã cùng mẹ tất bật ghé làng nấu bánh chưng để chọn những chiếc bánh xanh ngon và đẹp mắt nhất vì nhà giờ đây không còn nấu bánh đêm 30 Tết như xưa.

Chỉ cần mùi bánh chưng phảng phất đâu đó trong hương xuân, thì vị Tết cổ truyền cũng vì thế mà kéo nhau ùa về chùng chình không nỡ rời đi. Chiếc bánh chưng xanh thơm mùi nếp mới hòa cùng mùi thơm của nhân cho một cái Tết được vun vén thêm tròn đầy.

Những cặp bánh chưng nóng tỏa hương khắp phố

Tết xưa, dù nhà giàu hay nghèo thì bánh chưng xanh và đĩa mứt tự tay làm là hai món không thể nào thiếu. "Thèm bánh chưng, thịt kho nhưng tôi cũng không thể nào quên nổi vị mứt dừa chị gái tự tay làm", anh Tuấn, một người con đất Việt thường xuyên phải công tác nước ngoài tâm sự.

Có dạo cách đây vài năm, do cuộc sống hối hả, không gian chật hẹp nên các hộ gia đình Hà Nội bỏ thói quen gói bánh chưng ngày tết. Bánh chưng được các bà, các cô ra chợ, mua sẵn. Nhưng vài năm gần đây, hướng về cội nguồn, nhiều gia đình đã cùng nhau gói bánh rồi luộc bánh. Nhìn ánh mắt lũ trẻ hân hoan khi vớt những cặp bánh chưng nóng hổi là đã thấy Tết về thật gần.

Mùi hương lá mùi già tắm chiều cuối năm

Những bó mùi già được các bà, các cô bán dịp cuối năm

Với chị Hằng, ấn tượng về hương dịp tết trong chị chính là mùi của nồi nước lá mùi già. Chị Hằng kể, hồi nhỏ, cứ chiều 30 Tết, mẹ chị sẽ dùng bó lá mùi với chi chít quả tròn màu nâu nhạt cho vào nồi, đổ đầy nước rồi đun lên. Nước sôi, mùi nồng ấm, thơm thoang thoảng lan tỏa khắp gian bếp, lên thềm, ra sân. Hương thơm bay ra tận đầu ngõ, xua tan đi những ảm đạm cuối cùng của năm. Cứ chiều 30 tết hàng năm, dù ngày đó có lạnh đến mấy thì chị em chị Hằng vẫn được mẹ lôi ra tắm gội, còn gọi là tắm tẩy trần cuối năm để xua tan hết mệt mỏi, bụi bặm của năm cũ để đón tết. Vì thế, hương của bó mùi già chưa bao giờ phai mờ trong ký ức chị.

Nồi nước tắm tẩy trần trong ký ức của bao thế hệ

Rồi thời gian trôi, cuộc sống tất bật với cơm áo, công việc, rồi những thứ tiện nghi nóng lạnh, điều hóa đã làm mất dần thói quen cũ. Mệt mỏi, về nhà, bật nóng lạnh cùng với những thứ xà phòng thơm thời thượng đã khiến mùi hương mùi già lùi dần vào ký ức.

Chiều 30, dắt tay cô con gái 4 tuổi, chị Hằng thảnh thơi ra chợ, nhìn những mớ mùi già cuối cùng còn xót lại, chị tần ngần rồi chọn mua vài mớ. Chiều muộn, tự tay nấu cho con gái và cả nhà nồi nước mùi già, cũng đập nhánh gừng, cạo chút vỏ chanh… Con gái cứ tíu tít hít hà cái mùi thơm lạ lùng ấy, thích thú nhảy quanh khoe tóc con thơm này, tay con thơm này... "Ngồi tắm cho con, thấy đầu óc, tinh thần cũng được tươi tắn như thủa bé, múc gáo nước mùi thật nóng lên, hít mạnh vào mũi, thì nỗi nhớ ấu thơ, nhớ mẹ, nhớ những Tết xưa như cứ chờ thế xộc về.", chị Hằng bồi hồi.

Ngày nay, mùi già còn được chiết xuất thành tinh dầu, đóng bằng chai nhỏ để tiện dùng, nhưng vẫn không gì có thể sánh được bằng nồi nước lá mùi hanh vàng, sôi sùng sục, bốc khói trên bếp lửa.

Mùi pháo tết, hương thơm không bao giờ quên

Pháo tết gắn liền với tuổi thơ của thế hệ 7x, 8x

Mỗi lần nghe câu hát "Hòa theo tiếng pháo đì đùng, mừng xuân nay đã về rồi", là thế hệ 7x, 8x lại nhớ đến màu xác pháo đỏ tươi.

Ngày ấy khi pháo chưa bị cấm ở Việt Nam, mọi người đi quà Tết cho nhau bằng những phong pháo Tết, những cuộn pháo đỏ xếp ngay ngắn, với những viên pháo đại, pháo tống, pháo tiểu nằm gọn gàng trong hộp như mái tóc được mẹ thắt rít đều tay..., trẻ em thì thường chơi những phong pháo tét bé tí ti.

Cả nhà để dành những phong pháo trên đầu tủ để đến hôm Giao Thừa bố cầm lửa ra châm ngòi cho phong pháo đã được treo, chuẩn bị ngay từ chiều... ba mẹ con thì đứng ở cửa sổ háo hức bịt tai nhưng vẫn dòm lén lén từng trái pháo rớt xuống rồi nổ tung... Những tiếng nổ đùng đoàng báo hiệu Nàng xuân đã đến, một năm mới đã tới với nhiều may mắn và hy vọng các điều ước thành hiện thực...

Sáng mùng 1, phía trước các hiên nhà ngập tràn xác pháo. Đi nhặt những quả pháo chưa nổ là thú vui của nhiều trẻ em

"Nhớ ngày ấy nhà mình nhỏ lắm, lại nằm trong ngõ nhỏ nên sau khi pháo nổ xong, là khói um cả nhà, mùi pháo thì không thể lẫn được vào đâu", chị Hương, một đại diện của thế hệ 7x bồi hồi.

Pháo bị cấm từ lâu, nhưng thế hệ 7x, 8x chẳng thể nào quên được mùi pháo thơm khi xưa. Với họ, tiếng pháo chính là âm thanh gọi Tết về.

K.N(th)/Báo Gia đình & Xã hội

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/nhung-mui-huong-khong-the-phai-mo-trong-ky-uc-ve-tet-xua-20160122142510538.htm