Những món ăn may mắn trong dịp Tết của các nước Châu Á

Mỗi quốc gia đều có một loại món ăn truyền thống trong ngày Tết, nó đều mang ý nghĩa và biểu trưng cho sự tốt đẹp, giàu sang và thịnh vượng.

Không chỉ Việt Nam mà một số quốc gia khác trong khu vực Châu Á như Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore... cũng có truyền thống đón năm mới theo lịch Âm. Vào thời điểm cận Tết như hiện nay, hầu như người dân của mỗi nước đang tất bật chuẩn bị để chào đón một năm mới với hi vọng tràn ngập may mắn và bình an.

Trong những ngày lễ Tết này, mỗi nước sẽ có một món ăn truyền thống, với quan niệm sẽ giúp người thưởng thức gặp may mắn trong cả năm. Chúng ta cùng xem các nước Châu Á đón Tết Nguyên đán với các món ăn truyền thống nào nhé.

Việt Nam: Bánh chưng

Cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, phần lớn các gia đình người Việt đều quây quần bên nhau để gói những chiếc bánh chưng đẹp mắt. Với những gia đình hiện đại, không có nhiều thời gian tự gói bánh thì họ có thể đặt mua, nhưng cho dù bằng hình thức nào đi chăng nữa thì trong bất cứ ban thờ gia tiên nào ngày Tết cũng không thể thiếu chiếc bánh chưng.

Những chiếc bánh chưng vuông vắn thể hiện sự quy tụ của trời, đất và thể hiện lòng biết ơn với tổ tiên (Ảnh: Internet)

Đối với người Việt, những chiếc bánh chưng vuông vắn thể hiện sự quy tụ của trời, đất và thể hiện lòng biết ơn với tổ tiên. Từ những ý nghĩa sâu xa đó, bánh chưng đã trở thành món ăn truyền thống của người Việt từ hàng nghìn năm trước.

Ở miền Trung và miền Nam, bên cạnh bánh chưng, người dân còn gói bánh tét. Loại bánh này có nguyên liệu tương tự bánh chưng nhưng được gói hình trụ tròn.

Hàn Quốc: Canh bánh gạo

Nếu như ngày Tết, người Việt Nam ăn bánh chưng, bánh tét thì người Hàn Quốc cũng có một món ăn không thể thiếu trong buổi sáng ngày đầu năm mới, đó chính là Canh bánh gạo Tteokgu. Đây là loại canh có thành phần chính là bánh gạo (TTeok), nấu cùng nước dùng là xương thịt heo hoặc thịt bò tùy theo sở thích và khẩu vị.

Canh bánh gạo Tteokgu không thể thiếu trong dịp năm mới của Hàn Quốc

Bánh gạo được dùng để nấu canh là loại bánh gạo dạng thỏi garaetteok, được thái vát chéo. Bánh gạo được làm thành dạng thỏi dài với ý nghĩa cầu mong trường thọ. Bánh gạo được thái vát giống với hình dạng đồng tiền xu cũ của Hàn Quốc, điều đó tượng tương cho sự giàu có và dồi dào về mặt tài chính. Bên cạnh đó, màu trắng của bánh gạo tượng trưng cho một sự khởi đầu mới tốt lành.

Theo truyền thống, người Hàn Quốc sẽ ăn canh bánh gạo TTeokguk vào buổi sáng ngày mùng 1 với ý nghĩa đánh một dấu mốc sang tuổi mới. Điều này càng có ý nghĩa hơn khi được quây quần cùng gia đình trong dịp đầu năm mới.

Trung Quốc: Bánh sủi cảo

Giống như Việt Nam, Trung Quốc là một trong những quốc gia tiêu biểu đón năm mới theo dịch âm. Thông thường, dịp lễ Tết âm lịch tại Trung Quốc kéo dài trên 10 ngày cùng nhiều hoạt động lớn. Bắt đầu từ 8/12 âm lịch mọi người dân Trung Hoa trên khắp thế giới kéo nhau về quê ăn Tết để được đoàn tụ với gia đình.

Với người dân Trung Quốc, bữa tối đầu năm mới là bữa ăn quan trọng nhất trong cả năm nên trong bữa tiệc trọng đại này, mọi thành viên trong gia đình phải có mặt. Trong bữa ăn đó, họ thường bày biện ra rất nhiều món ăn với nhiều ý nghĩa tượng trưng khác nhau và trong số đó phải kể đến món sủi cảo.

Theo truyền thống, vào đêm giao thừa, các gia đình ở Trung Quốc thường quây quần gói sủi cảo và thưởng thức món ăn này trong bầu không khí đầm ấm, bình an của ngày Tết

Sủi cảo là món ăn phổ biến ngày Tết của người Trung Quốc. Theo truyền thống, vào đêm giao thừa, các gia đình ở Trung Quốc thường quây quần gói sủi cảo và thưởng thức món ăn này trong bầu không khí đầm ấm, bình an của ngày Tết.

Sủi cảo được làm khá cầu kỳ, rau trộn với thịt làm nhân bánh, được gói theo hình bán nguyệt và có đường viền ở ngoài được gọi là viền phúc. Khi kéo hai đầu của bán nguyệt lại thì nó có ý nghĩa tựa như một nén bạc để cầu mong cho cuộc sống tiền bạc dư dả, sung túc. Trong lúc nấu sủi cảo, họ thường phải cho thêm 3 lần nước lạnh vì từ này đồng âm với “phúc đi rồi lại đến”. Đặc biệt, một bát sủi cảo nhất định phải có số viên sủi cảo chẵn và cấm kị số lẻ; tượng trưng cho sự may mắn và tròn đầy, viên mãn.

Ngoài sủi cảo, Trung Quốc còn nhiều món ăn cũng mang ý nghĩa may mắn, biểu trưng cho sự may mắn tài lộc trong năm mới. Chẳng hạn như, bánh tổ (Niao Gao) mang ý nghĩa là cầu cho một năm mới thịnh vượng hơn. Hay bánh hấp (Zongzi) có ý nghĩa biểu trưng cho một vụ thu hoạch ngũ cốc bội thu trong năm tới.

Singapore: Yu Sheng – gỏi cá thịnh vượng

Người Singapore rất coi trọng việc vui đón Tết Nguyên đán cổ truyền. Diễn ra cùng thời điểm với Tết của người Việt Nam, những ngày Tết ở Singapore thường diễn ra lễ hội mùa xuân với ba sự kiện nổi bật: lễ hội hoa đăng, lễ hội Singapore River Hongbao và lễ hội đường phố Chingay cùng nhiều hoạt động khác.

Về mặt ẩm thực, khi nhắc đến món ăn mang ý nghĩa may mắn trong dịp đầu năm mới của Singapore thì chúng ta không thể nói đến món Yu Sheng – gỏi cá thịnh vượng. Người Singapore (đặc biệt là giới kinh doanh và thương nhân) rất yêu thích thưởng thức món ăn này trong mỗi dịp năm mới (đặc biệt là ngày thứ 7 của tháng Giêng), bởi đây là món ăn biểu tượng cho thành đạt, an khang và thịnh vượng.

Khi nhắc đến món ăn mang ý nghĩa may mắn trong dịp đầu năm mới của Singapore thì chúng ta không thể nói đến món Yu Sheng – gỏi cá thịnh vượng

Yu Sheng là một loại gỏi với cá hồi sống và nhiều loại rau củ thái sợi như đu đủ, khoai môn, bưởi, gừng chua... Khi món ăn được dọn ra sẽ được bỏ thêm một số bao lì xì ở bên cạnh, người ăn sẽ xới tung tất cả lên sao cho càng cao càng tốt, nhưng không được làm rơi ra ngoài và hét “lohei” (vừa có nghĩa là trộn đều, vừa có nghĩa là thịnh vượng) rồi trộn xốt vào và thưởng thức.

Khi món ăn được dọn ra sẽ được bỏ thêm một số bao lì xì ở bên cạnh, người ăn sẽ xới tung tất cả lên sao cho càng cao càng tốt, nhưng không được làm rơi ra ngoài

Bên cạnh đó, người dân Singapore thêm cà rốt vào món Yu Sheng để cầu cho phát đạt, thêm dưa leo cầu trẻ mãi không già, và thêm dầu lên trên các nguyên liệu với ngụ ý tăng may mắn, phát tài.

Triều Tiên: Bánh songpyeon, cơm thuốc

Trước kia, người Triều Tiên đón Tết Nguyên đán vào tháng 10 và tháng 11, nhưng giờ đã chuyển sang mồng 1 tháng Giêng Am lịch như một số nước Á Đông khác.

Tại Triều Tiên, ngày Tết được gọi là So-nal, là ngày các thành viên trong đại gia đình từ khắp nơi đều cố gắng trở về với mái ấm. Cùng nằm trên bán đảo Triều Tiên nhưng phong tục đầu năm mới của Hàn Quốc và Triều Tiên vẫn có một vài điểm khác biệt. Trong khi người dân Hàn Quốc thường ăn canh bánh gạo trong dịp Tết thì người dân Triều Tiên lại thích ăn bánh gạo nặn theo hình trăng lưỡi liềm (còn gọi là bánh songpyeon) thể hiện quan niệm sống "Trăng khuyết rồi trăng lại tròn" như cuộc đời vẫn đổi thay, xoay vần của họ.

Người dân Triều Tiên lại thích ăn bánh gạo nặn theo hình trăng lưỡi liềm (còn gọi là bánh songpyeon) thể hiện quan niệm sống "Trăng khuyết rồi trăng lại tròn" như cuộc đời vẫn đổi thay, xoay vần của họ

Songpyeon là một loại bánh gạo làm từ bột gạo nhào với nước ấm và có nhân đậu xanh, hạt mè, hạt dẻ và các nguyên liệu khác, được nặn thành hình bán nguyệt rồi đem hấp. Mọi người đều cố gắng nắn ra những cái bánh đẹp nhất vì người ta tin rằng nếu họ nặn bánh thật đẹp thì họ sẽ có một cô con gái xinh xắn.

Ngoài bánh songpyeon, Triều Tiên còn có một món ăn mang ý nghĩa may mắn nữa trong dịp đầu năm mới đó là cơm thuốc. Để chế biến món này, người ta đem gạo nếp hấp qua, rồi trộn với mật ong, hạt dẻ, táo, nhân hạt tùng, mỡ, tương... rồi hấp chín. Người Triều Tiên từ xa xưa đã coi mật là thuốc nên đã gọi loại cơm này là cơm thuốc. Loại cơm này dùng để đãi khách và cúng tổ tiên. Người Triều Tiên quan niệm, ăn loại cơm này vào đầu năm mới thì cả năm sẽ được sống sung túc và ngọt ngào.

Người Triều Tiên quan niệm, ăn cơm thuốc vào đầu năm mới thì cả năm sẽ được sống sung túc và ngọt ngào

Mông Cổ: Bánh buuz

Tết của người Mông Cổ gọi là Tsagaan Sar, cũng kéo dài từ ngày mồng 1 Âm lịch cho đến hết ngày mồng 3 Âm lịch giống như tại Việt Nam hay Trung Quốc.

Món ăn truyền thống trong ngày Tết của người Mông Cổ là các sản phẩm làm từ sữa, bánh buuz (giống như bánh bao), thịt cừu, thịt bò, sữa dê, cơm ăn cùng với sữa đông; hay cơm ăn chung với nho khô, thịt cừu nướng, thịt ngựa, sữa ngựa lên men hoặc rượu vodka trộn sữa. Hầu hết các món ăn ngày Tết của người Mông Cổ đều chế biến từ sữa cừu và trên mâm cỗ lúc nào cũng có thịt cừu nướng và mỳ vằn thắn.

Bánh buuz (giống như bánh bao) - một trong những món ăn ngày Tết của Mông Cổ

Theo Thanh Loan (Khám phá)

Nguồn Eva: http://eva.vn/bep-eva/nhung-mon-an-may-man-trong-dip-tet-cua-cac-nuoc-chau-a-c162a253551.html