Những lý giải “bất ngờ”

(HQ Online)- Người quản lý, trước những vấn đề bức xúc của dư luận, đáng lẽ cần đưa ra lời giải thích hợp lý để người dân hiểu rõ, đồng cảm và có hướng giải quyết tốt hơn thì một số người lại đưa ra cách giải thích khiến người nghe, dư luận càng thêm bức xúc.

Một hình ảnh về giao thông tại TP HCM ngày 15-9. Ảnh Vnexpress.

Thời gian qua nhiều vụ ùn tắc giao thông tại TP. HCM khiến người dân khốn đốn. Báo chí đã dùng những từ cấp độ cao để diễn tả những cảnh tượng này, như: “Sài Gòn tắc đường chưa từng thấy vì mưa to” (Vnexpress ngày 15-9), “Mưa lớn tại Sài Gòn: Đường phố kẹt xe chưa từng thấy trong lịch sử” (Đời sống và Pháp luật ngày 16-9), “Đoạn đường 1,3 km đi hết 20 phút ở Sài Gòn” (phản ánh tắc đường do lô cốt tại các tuyến đường quanh vòng xoay đại lộ Phạm Văn Đồng do lô cốt xây dựng đăng trên News.zing.vn ngày 8-9), “TP. HCM: Hàng vạn xe ‘không thể nhúc nhích’ vì dòng người đổ về thành phố’ (Dantri.com.vn ngày 4-9), “Sài Gòn tắc đường khủng khiếp trước ngày nghỉ lễ” (Kienthuc.vn ngày 27-4)...

Vậy nhưng, tại buổi họp báo thường kỳ quý 3 diễn ra chiều 29-9, Sở Giao thông vận tải TP. HCM khẳng định rằng từ đầu năm đến nay, trên địa bàn TP không xảy ra ùn tắc giao thông mà chỉ có 18 vụ ùn ứ giao thông. Theo giải thích của Sở này, các vụ việc kẹt xe kéo dài thời gian qua chỉ là ùn ứ giao thông không phải là ùn tắc, vì xe vẫn có thể... nhúc nhích được.

Nói rõ hơn về sự giải thích “có một không hai” này, trên Thesaigontimes, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông vận tải TP. HCM cho biết: “Các vụ ùn tắc trên 30 phút được tính dựa trên tiêu chí xe không di chuyển trong thời gian đó”. Do vậy, xe vẫn nhúc nhích thì không gọi là tắc đường.

Nhiều người đã choáng với cách giải thích này. Bởi người tham gia giao thông cứ nhúc nhích trong dòng người dài hàng km với vận tốc vài mét/giờ thì vẫn không phải là tắc đường! Với lý lẽ này bảo sao thành tích quản lý giao thông đô thị luôn “đẹp” cho dù thực tế có ra sao.

Cũng không kém cạnh với TP. HCM, ngày 15-9 vừa qua, Phó giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội, ông Nguyễn Xuân Tân cho hay, một trong những nguyên nhân gây ùn tắc giao thông tại Hà Nội là do một số người dân mua ô tô cho... oách. “Tôi cũng biết trong xóm nhà tôi có nhà không có nhu cầu mua ôtô nhưng mua một cái xe rất đẹp... Nhiều người mua cho oách”, ông Tân phát biểu.

Không biết cơ quan chức năng đã có thống kê nào về việc người dân “mua ô tô cho oách” chưa nhưng nếu có thì cũng không đáng kể, nhất là mua ô tô rồi để chỗ (như giải thích của vị lãnh đạo Sở) thì lại càng không góp phần ách tắc giao thông là bao.

Một câu chuyện khác, cũng tại Hà Nội, mới đây dư luận không khỏi xôn xao về chuyện “cả họ làm quan” ở huyện Mỹ Đức. Theo Báo Người lao động, bộ máy chính quyền tại huyện Mỹ Đức có 13 phòng, ban thì hơn 10 người là anh em, họ hàng với lãnh đạo huyện.

Trao đổi với báo chí ngày 29-9, ông Đào Đức Toàn, Trưởng Ban tổ chức Thành ủy Hà Nội, đã xác nhận việc huyện Mỹ Đức điều động con em, người thân về công tác tại huyện là có thật. Giải thích việc này ông Toàn cho rằng: “Ở huyện có 8 đến 9 người quan hệ họ hàng với nhau, tôi cho rằng có thể đây là quan hệ hết sức ngẫu nhiên”. Ông Toàn cũng cho biết, các trường hợp này đều thực hiện đúng quy trình. Tuy nhiên, “dù Thành ủy chưa chỉ đạo nhưng huyện đã tự giác thôi biệt phái. Huyện đã khắc phục nhưng thường vụ vẫn yêu cầu kiểm điểm rút kinh nghiệm", ông Toàn cho biết.

Vậy dù là ngẫu nhiên, đúng quy trình nhưng huyện Mỹ Đức đã phải khắc phục và vẫn bị “rút kinh nghiệm”.

Dư luận không khỏi đặt câu hỏi: vì sao “sự ngẫu nhiên” mà lại đến cả chục cán bộ, lại gây xôn xao dư luận đến vậy, lại phải khắc phục sự việc khi báo chí lên tiếng? Bởi ngẫu nhiên là khách quan, mà khách quan thì “cây ngay không sợ chết đứng”!

Người quản lý ở một lĩnh vực dĩ nhiên phải là người hiểu biết lĩnh vực đó đầy đủ, sâu sắc nhất, tuy nhiên, vẫn có những câu giải thích của “người trong cuộc” mà người dân chưa thấy thỏa mãn. Sự không thỏa mãn này chỉ có thể là người quản lý đó chưa nắm rõ vấn đề, hoặc nắm rõ nhưng cố tình nói sai, nói không hết, hoặc liệu trình độ nhận thức còn hạn chế chăng?...

Thiết nghĩ, dù lý do gì thì qua những câu trả lời, giải thích với nhân dân, người dân sẽ thấy được cái tâm, cái tầm của người quản lý đến đâu, cũng như sẽ thấy được việc cơ quan quản lý đã làm tròn trách nhiệm của mình như thế nào trước nhân dân.

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/nhung-ly-giai-bat-ngo-cua-mot-so-quan-chuc.aspx