Những loại thuốc không thể thiếu trong gia đình dịp Tết

Thuốc cảm cúm, tiêu hóa, say tàu xe và các dung dịch sát trùng vết thương … là những loại thuốc dự phòng rất cần thiết đối với các gia đình trong dịp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016 sắp tới.

Mới đây, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) vừa phát đi công văn đề nghị các cơ sở y tế (trực thuộc Bộ Y tế), Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc đảm bảo đầy đủ số thuốc cung ứng cho các cơ sở khám, chữa bệnh. Đồng thời, Cục này cũng đã công bố đường dây nóng (trực 24/24) nhận phản ánh của người dân về việc các cơ sở không đủ thuốc phục vụ nhu cầu của người dân.

Tuy nhiên, trong những ngày nghỉ Tết, không phải lúc nào và bất cứ triệu chứng nào người dân cũng có thể đến các cơ sở y tế, bởi vậy việc chuẩn bị sẵn tủ thuốc dự phòng trong nhà với các loại thuốc thông dụng là điều vô cùng cần thiết.

Theo dược sĩ Nguyễn Thị Dung (nhà thuốc Khương Trung – Hà Nội), việc chuẩn bị thuốc dự phòng trong gia đình không chỉ trong ngày Tết mà lúc nào cũng luôn cần thiết. Tuy nhiên, khi có biểu hiện cần phải dùng thuốc thì cần phải có sự tư vấn của bác sĩ và dược sĩ. Đặc biệt, là những loại thuốc bán theo đơn.

“Hiện nay, rất nhiều người tự ý sử dụng kháng sinh để điều trị bệnh, đây là điều hết sức nguy hiểm, dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh ở cả người lớn và trẻ nhỏ. Bởi vậy, trước khi sử dụng kháng sinh phải có sự tư vấn, chỉ định và kê đơn của bác sĩ”, dược sĩ Dung cho biết.

Theo dược sĩ Dung, ngày Tết cũng là thời điểm thời tiết giao mùa, nên cả người lớn và trẻ nhỏ rất hay bị cảm cúm và các bệnh hô hấp ở trẻ nhỏ. Do vậy, việc chuẩn bị sẵn thuốc cảm cúm trong nhà trong những ngày này là rất cần thiết.

Chuẩn bị sẵn một số loại thuốc trong gia đình ngày Tết là vô cùng quan trọng.

Theo đó, mọi người nên chuẩn bị một số thuốc thường dùng để giảm ho như terpin, codein… Ngoài ra, bạn cũng nên chuẩn bị thuốc nhỏ mũi như nước muối sinh lý 0,9% và thuốc nhỏ mũi loại co mạch như sulfarin (chống ngạt mũi). Tuy nhiên, đối với loại thuốc nhỏ mũi co mạch, không nên dùng kéo dài quá 1 tuần.

Ngoài ra, cũng nên chuẩn bị sẵn thuốc hạ sốt an toàn cho trẻ là Acetaminophen (hay còn có tên là Paracetamol). Thuốc có nhiều dạng dùng như: Dạng gói bột, dạng viên hoặc dạng viên tọa dược. Liều dùng có thể được tính như sau: 10 – 15 mg thuốc cho mỗi kí lô cân nặng. Ví dụ: Trẻ nặng 10 kg có thể dùng lượng thuốc từ 100 – 150 mg. Nếu trẻ còn sốt hoặc đau có thể lặp lại liều tương tự sau 4 giờ, ngày dùng không quá 4 lần.

Ngay sau những loại thuốc về cảm cúm, một trong số triệu chứng hay gặp phải trong dịp Tết nhất đó chính là rối loạn tiêu hóa. Do vậy, các gia đình nên chuẩn bị các loại một số dung dịch bù nước ở dạng gói bột như Hydrite và Oresol giảm thấm thấu. Mỗi gói này pha với 200ml nước chín, cho trẻ uống bù từ 30 – 50ml dung dịch đã pha sau mỗi lần đi tiêu lỏng hay ói. Bạn cũng có thể lựa chọn loại dung dịch bù nước và muối dạng pha sẵn có bán trên thị trường.

Ngoài ra, cũng nên chuẩn bị sẵn các loại thuốc trị táo bón (thuốc nhuận tràng), thuốc trị khó tiêu, đầy bụng… là những loại thuốc vô cùng quan trọng không thể thiếu trong tủ thuốc nhà bạn dịp Tết.

Ngoài những loại thuốc kể trên, dược sĩ Dung khuyến cáo, đối với những người phải di chuyển và hay say tàu xe thì nên chuẩn bị các loại thuốc chống say theo hưỡng dẫn của dược sĩ. Cùng với đó là các loại thuốc, dung dịch bôi ngoài da, thuốc sát trùng, thuốc chống nhiễm khuẩn như cồn, oxy già, dung dịch muối loãng… để đề phòng tai nạn hoặc lỡ dứt tay khi chế biến đồ ăn trong ngày Tết.

Cuối cùng, dược sĩ Dung khuyến nghị, tất cả những loại thuốc trên chỉ mang tính chất dự phòng và dùng với những triệu chứng nhẹ và phải có sự hướng dẫn của bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi sử dụng. Đối với những trường hợp nặng, có biểu hiện ngộ độc thì cần đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được bác sĩ thăm khám và tư vấn.

Lê Phương

Nguồn Khám Phá: http://khampha.vn/suc-khoe/nhung-loai-thuoc-khong-the-thieu-trong-gia-dinh-dip-tet-c11a385962.html