Những lễ hội đầu năm mới không thể bỏ qua tại Hà Nội

Hội gò Đống Đa, hội chùa Hương, hội đền Gióng, hội chùa Thầy... hàng năm vẫn thu hút một lượng lớn khách du lịch tới Hà Nội mỗi dịp đầu năm mới.

1. Hội gò Đống Đa ngày 5/1

Lễ hội truyền thống Gò Đống Đa. Ảnh: Thanh Hà - TTXVN

Hội gò Đống Đa hàng năm được diễn ra vào ngày mùng 5 Tết tại khu di tích lịch sử gò Đống Đa, phường Quang Trung, quận Đống Đa, Hà Nội.

Đây là lễ hội chiến thắng, được tổ chức để tưởng nhớ tới công tích lẫy lừng của vua Quang Trung - người anh hùng trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc.

Trong ngày hội có nhiều trò chơi vui khỏe, thể hiện rõ tinh thần thượng võ, đặc biệt có tục rước rồng lửa đã thành lễ hội truyền thống của người Hà Nội. Sau đám rước rồng lửa là lễ dâng hương, lễ đọc văn, cuộc tế diễn ra ở đình Khương Thượng, lễ cầu siêu ở chùa Đồng Quang.

2. Lễ hội chùa Hương ngày 6/1

Chùa Hương nằm ở xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Đây là lễ hội thu hút sự chú ý nhiều nhất của nhân dân cả nước mỗi dịp Tết đến xuân về và cũng là lễ hội dài nhất cả nước.

Lễ hội Chùa Hương bắt đầu từ mùng 6 tháng Giêng đến hết tháng 3 âm lịch. Tuy nhiên, không đợi đến ngày khai hội, vào ngày mùng 2 Tết Âm lịch rất nhiều người dân tứ phương đến trẩy hội từ sớm.

Suối Yến tấp nập đò đưa du khách về với lễ hội Chùa Hương. Ảnh: Thanh Tùng - TTXVN

Năm nay, lễ hội chùa Hương sẽ chính thức khai hội ngày 13/2 (tức ngày 6 tháng Giêng năm Bính Thân), với chủ đề “Lễ hội kỷ cương – Văn minh du lịch”.

Ban tổ chức lễ hội Chùa Hương 2016 đã cho dựng gần 30 biển báo thông báo rõ ràng giá vé thắng cảnh, giá vé đò… cho du khách. Trong đó, giá vé đò là 35.000 đồng/người, giá vé thắng cảnh là 50.000 đồng/người, giá vé cáp treo khứ hồi là 140.000 đồng/người.

Khu vực chùa Hương sẽ có 318 gian hàng kinh doanh dịch vụ ăn uống, giải khát, nhưng không bố trí các điểm kinh doanh ở nội tự các chùa, động, các đoạn đường hẹp, vực sâu không an toàn, khu vực sân của nhà thường trực Ban tổ chức tại Thiên Trù, sân ngoài cổng Nam Thiên Môn, sân động Hương Tích, khu vực sân cổng động Hương Tích.

3. Lễ hội đền Gióng ngày 6/1

Khai hội vào ngày 6/1 âm lịch hàng năm. Lễ hội đền Gióng được tổ chức tại xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn (Hà Nội). Theo truyền thuyết đây chính là nơi dừng chân cuối cùng của Thanh Gióng trước khi bay về trời.

Lễ hội đền Gióng năm 2016 sẽ diễn ra trong 3 ngày, từ 13-15/2 (tức từ ngày 6-8 tháng Giêng năm Bính Thân) với đầy đủ các nghi lễ truyền thống như: lễ khai quang, lễ rước, lễ dâng hương, dâng hoa tre lên đền Thượng, nơi thờ Thánh Gióng.

Lễ hội đền Gióng năm 2016 sẽ diễn ra trong 3 ngày, từ 13-15/2 (tức từ ngày 6-8 tháng Giêng năm Bính Thân). Ảnh: TTXVN

Cướp giò hoa tre là một tục truyền thống trong Lễ hội đền Gióng. Giò hoa tre được làm từ hàng trăm búi vải cắm vào một thân cây chuối làm trụ, tượng trưng sự ấm no, mùa màng bội thu. Theo quan niệm, ai cướp được hoa tre thì gia đình sẽ gặp may mắn, phát lộc trong năm mới.

Theo Ban tổ chức lễ hội đền Gióng năm 2016, để đảm bảo an toàn cho người dân và du khách tham gia lễ hội, Ban tổ chức tuyệt đối không cho các đoàn hộ giá rước kiệu giò hoa tre mang gậy. Huyện Sóc Sơn cũng đã phổ biến thông tin khuyên người dân không đem gậy vào lễ hội.

Hiện tại, khu di tích gồm: đền Trình, đền Mẫu, chùa Đại Bi, đền Thượng, tượng đài thánh Gióng, chùa Non nước và các lăng bia đá ghi lại lịch sử và lễ hội đền Sóc.

Năm 2011 Hội Gióng (gồm 2 lễ hội chính tại Sóc Sơn và tại làng Phù Đổng, huyện Gia Lâm, HN) đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

4. Hội Chùa Thầy ngày 5/3

Lễ hội chùa Thầy diễn ra từ ngày 5 đến ngày 7 tháng 3 âm lịch hàng năm. Ảnh: TTXVN

Chùa Thầy ở xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây (cách trung tâm Hà Nội khoảng 20 km về phía tây nam, đi theo đường cao tốc Láng - Hòa Lạc). Đây là nơi thờ pháp sư Từ Đạo Hạnh với 3 kiếp sống của ông. Ông là Tăng, là Phật, là Vua và được nhân dân coi là ông tổ nghệ thuật múa rối nước Việt Nam.

Diễn ra từ ngày 5 đến ngày 7 tháng 3 âm lịch hàng năm, ngày 7 tháng 3 âm lịch là chính hội. Hội mở đầu bằng lễ cúng Phật và chạy đàn - một diễn xướng có tính chất tôn giáo với sự phối hợp của các nhạc cụ dân tộc, trang nghiêm. Quần chúng bị cuốn hút theo nhịp hát kinh của các nhà sư.

Trong các ngày diễn ra lễ hội còn có nhiều trò chơi, đặc biệt là khách được xem nghệ thuật múa rối nước Việt Nam đặc sắc mà sân khấu biểu diễn ở ngay trước Thủy Đình. Có nhiều tích trò rối như Thạch Sanh, Tấm Cám hay các cảnh sinh hoạt dân dã như đi cày, chăn vịt, đấu vật.

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/nhung-le-hoi-dau-nam-moi-khong-the-bo-qua-tai-ha-noi/9064.html