Những gia đình không biết Tết tại Bệnh viện Chợ Rẫy

Trong khi cả nước háo hức đón Tết thì nhiều gia đình không may mắn có người thân ngã bệnh đột ngột, đã phải bỏ nhà, mang theo mùng mền, chiếu gối... vào túc trực tại khoa Cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM). Một người bệnh, cả nhà lo lắng, chăm nom, chẳng còn biết đâu là Tết.

Bác sĩ, y tá bệnh viện Chợ Rẫy đang tiếp nhận một ca cấp cứu từ tỉnh Đồng Tháp chuyển lên. Ảnh: Dương Cầm

Có thể bạn quan tâm

Những ngày này, các y tá, bác sĩ tại khoa Cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy vẫn hối hả với các bệnh nhân đang được cấp cứu. Chốc chốc lại có một chiếc xe cấp cứu hú còi chạy vào. Ngoài các xe biển số thành phố, còn có xe từ các tỉnh như Đồng Tháp, An Giang, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đắc Lắc, Bình Dương...

Cánh cửa xe mở ra, ngoài bệnh nhân, còn có rất nhiều người thân đi theo. Họ là những con người không còn ngày Tết nữa. Đưa bệnh nhân vào phòng cấp cứu ở cổng trước, làm thủ tục xong, người thân của các bệnh nhân vội vã xách giỏ đồ, đi ra cổng sau, ngồi chờ đợi bác sĩ gọi thông báo.

Cửa sau khoa Cấp cứu, Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: Dương Cầm

Khoảng sân rộng, nắng chói chang, gần trăm con người dán mắt vào cánh cửa phòng cấp cứu đóng im ỉm, nét mặt đầy ắp vẻ lo lắng. Trên những đôi mắt ấy có cả những giọt nước mắt lăn dài.

"Người nhà bệnh nhân Nguyễn Tấn Thảo, Lê Thị Tương, Khúc Xuân Thụy... đến cửa sau phòng cấp cứu gấp", một giọng nữ liên tục thông báo trên loa. Danh sách bệnh nhân cứ thế dài ra...

Dãy hành lang đi đến cánh cửa phòng cấp cứu dài chỉ chừng 10 mét, dường như trở nên hẹp, ngột ngạt và hun hút. Vang vọng đâu đó chỉ nghe tiếng bước chân dồn dập và những tiếng thở dài não nuột...

Ngồi thu lu trên ghế đá, mặt rầu rĩ, bà Giàu vừa đưa chồng lên đây cấp cứu vào sáng mùng 5. Bà nói trong nước mắt: "Mấy ngày Tết chồng tui than đau bụng dữ quá. Ra bệnh xá, họ nói ổng bệnh nặng đang nguy hiểm tính mạng, phải chở gấp lên đây.

Ông nhà tui bị cắt ruột, nối lại hồi 32 tuổi. Giờ nghe đâu bị bung vết mổ ra. Năm nay ổng 52 tuổi rồi, sức yếu lại bị thêm áp-xe gan, tiểu đường... tùm lum hết. Trước Tết còn nặng 75kg, mới có mấy ngày còn chỉ 60kg thôi. Thấy ổng yếu, tui sợ...".

Những ánh mắt nôn nóng, lo lắng hướng về cánh cửa phòng cấp cứu, chờ đợi bác sĩ thông báo tình hình sức khỏe của người thân. Ảnh: Dương Cầm

Nằm dài mỏi mệt trên chiếc chiếu cạnh đó là bà Trang, người bạn chơi từ thời con gái của bà Giàu. Thấy bà Giàu có hoàn cảnh đơn chiếc, bà Trang cũng bỏ nhà trong những ngày Tết, nhảy lên xe cấp cứu, đi theo đỡ đần bạn.

Người phụ nữ có nước da bánh mật lộ vẻ lam lũ này đang gọi điện thoại về quê. Trong câu chuyện, ngoài thông báo tình hình sức khỏe đang rất yếu của chồng người bạn, bà còn dặn dò con cái ra vườn hái xoài bán và cho gà, vịt, heo ăn...

Bà Giàu rơi nước mắt khi nói về sức khỏe của chồng. Ảnh: Dương Cầm

"Những ngày này ở trong nhà thương là coi như hết Tết rồi. Ngày đầu năm phải chạy đi mượn tiền anh em bạn bè, chứ đột ngột thế này tiền đâu ra để tui lo cho ổng? Cầu Trời, Phật cho ổng qua khỏi là tui mừng lắm", bà Trang lo lắng nói.

Gần đó là chàng trai trẻ tên Sơn với đôi mắt đỏ hoe. Hai cô gái ngồi bên cạnh ép Sơn ăn ổ bánh mì thịt. Sơn cứ lắc đầu nguầy nguậy, không buồn ăn. Qua trò chuyện, chúng tôi được biết người mẹ cao tuổi của cậu trai trẻ này bị đột quỵ do tai biến vào sáng mùng 5 Tết. Cả gia đình gồm anh họ, con ruột, con dâu... tức tốc đưa bệnh nhân từ Bà Rịa - Vũng Tàu lên đây cấp cứu. Trong kia, các bác sĩ đang hội chẩn và chưa biết tình hình ra sao.

Người anh họ ngồi gần Sơn liên tục an ủi: "Sống chết có số. Mẹ em không sao đâu. Ráng ăn ổ bánh mì lấy sức đi". Nghe vậy, Sơn bật khóc nức nở.

Sơn, cậu con trai có hiếu đang lo lắng cho mẹ mình bị tai biến, không còn thiết tha ăn uống. Ảnh: Dương Cầm

Trước cửa phòng cấp cứu, một tốp người lỉnh kỉnh giỏ đồ trên tay, hớt hải chạy vào. Họ mới đưa người nhà bị tai nạn giao thông từ Bình Dương lên.

Bà Ánh, cô ruột nạn nhân chia sẻ: "Thằng cháu tui tuổi Thân, năm nay là năm tuổi của nó. Tui dặn ra đường phải cẩn thận. Vậy mà... Khuya đêm qua nó chở vợ đi ăn cháo ở Bến Cát, cán phải con chó. Nó bị té đập đầu xuống đường, bất tỉnh. May mắn là vợ nó không bị gì". Bà Ánh cho biết cháu trai của mình đang mê man, có thể bị tụ máu não.

"Người nhà bệnh nhân quốc tịch Đài Loan Lee Chen Hoo, Nguyễn Văn Khương, Trần Thị Thu Cúc... đến cửa sau phòng cấp cứu bác sĩ cần gặp", loa phóng thanh lại vang lên.

Người nhà của bệnh nhân mỏi mệt, lo lắng, quên cả Tết... Ảnh: Dương Cầm

Kẻ nằm mệt mỏi trên chiếu, người ngồi thẫn thờ trên ghế đá nhốn nháo, mắt sáng lên, chờ mong loa phát tên người nhà của mình.

Một đứa bé nói với một người phụ nữ trẻ: "Chiều nay ba hết bệnh, về nhà đưa con đi chơi Tết hả mẹ?". Người mẹ chớp chớp mắt, lắc nhè nhẹ đầu, dồn nén giọt nước mắt chực rơi trên má.

Một gia đình đưa người nhà từ Đắk Lắk đến cấp cứu ở Bệnh viện Chợ Rẫy trong ngày Tết. Ảnh: Dương Cầm

Suốt gần 3 giờ đồng hồ ngồi ở khoa cấp cứu bệnh viện Chợ Rẫy vào sáng ngày mùng 5 Tết, theo ghi nhận của phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, có rất ít ca cấp cứu do tai nạn giao thông. Đa phần các bệnh nhân được cấp cứu do bị đột quỵ, tai biến, tim mạch, ruột...

Một bác sĩ (không nêu tên) hồ hởi: "Tín hiệu đáng mừng là Tết năm nay các ca cấp cứu do tai nạn giao thông tại bệnh viện Chợ Rẫy giảm đáng kể. Sáng mùng 8 Tết, tại bệnh viện, chúng tôi sẽ tổ chức một buổi họp báo ngắn, thông báo về số ca cấp cứu do tai nạn giao thông trong những ngày Tết bằng những con số cụ thể. Nói chung, con số rất khả quan".

Lê Ngọc Dương Cầm

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/xa-hoi/phong-su/nhung-gia-dinh-khong-biet-tet-tai-benh-vien-cho-ray-288124.html