Những điều cần biết và cách phòng tránh virus Zika

Vào ngày thứ Sáu vừa qua, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra cảnh báo rằng dịch bệnh Zika có thể lây lan ra toàn cầu. Vậy, loại bệnh này có triệu chứng là gì? Lây qua con đường nào? Phòng tránh như thế nào?

Theo trang tin Vox, vào tháng 1 vừa qua Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) đã đưa ra một khuyến cáo gần như chưa từng có trong lịch sử: phụ nữ quốc tịch Mỹ trong tuổi sinh con, bất kể là đang có thai hay không, đều được khuyên nên tránh đi tới những nước đang có dịch virus Zika. Đáng lo ngại hơn, phụ nữ tại các nước đang có dịch bệnh này bùng phát đã được các cơ quan y tế địa phương khuyến cáo tránh mang thai trong thời điểm này.

Đến ngày 26/1 vừa qua, Tổ chức Y tế Thế giới đã đưa ra cảnh báo rằng dịch bệnh Zika có thể lây lan ra toàn cầu. Văn phòng của Tổ chức này tại châu Mỹ, PAHO khuyến cáo các thai phụ nên "đặc biệt cẩn thận" và cần tới gặp bác sĩ trước và sau khi di chuyển tới những khu vực bị ảnh hưởng bởi dịch Zika.

Không phải vô cớ mà các cơ quan y tế toàn cầu đang tỏ ra thận trọng tối đa với loại virus khủng khiếp này: Zika, một loại virus lây lan qua đường muỗi, hiện đang được cho là gây ra hiện tượng trẻ sơ sinh khiếm khuyết hoặc thậm chí tử vong, đặc biệt là tại Brazil.

Đất nước Nam Mỹ này hiện đang phải đối phó với dịch Zika lớn nhất trong lịch sử với số người nhiễm bệnh lên tới 1 triệu người. Bên cạnh Brazil, 20 quốc gia và vùng lãnh thổ khác tại Trung và Nam Mỹ cũng phải đối mặt với đại dịch này, bao gồm Colombia, El Salvador, Haiti, Honduras, Mexico, Venezuela và Puerto Rico.

Điều đáng sợ nhất về Zika là virus này đã được phát hiện từ lâu nhưng lại được rất ít người biết đến. Tính đến năm 2013, virus này thậm chí còn chưa từng xuất hiện tại Tây Bán Cầu theo lịch sử con người. Đến năm 2014, virus Zika bắt đầu xuất hiện tại châu Mỹ, đầu tiên là tại đảo Easter, sau đó dần dần tiến tới Brazil.

Đến đầu tuần này, Tổ chức Y tế Thế giới đã ban bố tình trạng khẩn cấp về virus Zika. Trong khi virus này vẫn không được coi là mối quan tâm chính, mỗi liên hệ giữa Zika và các dị tật bẩm sinh hiện đang là mục tiêu nghiên cứu khẩn cấp của ngành y toàn cầu.

Hãy cùng điểm qua những điểm căn bản về Zika.

Triệu chứng và cách lây truyền của Zika

Cho đến tận gần đây thì Zika vẫn được coi là một loại virus tương đối vô hại. Có tới 80% người bệnh không hề biểu hiện triệu chứng gì sau khi bị nhiễm loại virus này. Với những người khác, các biểu tượng thường không có gì trầm trọng: phát ban, đau đầu, đau xương khớp, sốt nhẹ. Những biểu hiện này sẽ xuất hiện khoảng 3 đến 12 ngày sau khi bị nhiễm virus và thường sẽ biến mất trong vòng 1 tuần. Ít người phải nhập viện vì Zika, và các trường hợp tử vong vì Zika là rất hiếm.

Quan niệm khoa học hiện tại cho rằng Zika chỉ bị lây nhiễm qua đường muỗi (loài muỗi Aedes). Cũng giống như các loại bệnh khác lây truyền qua con đường này, muỗi sẽ bị nhiễm virus từ người đã bị nhiễm bệnh và truyền sang người khác.

Song, muỗi không phải là đường lây truyền duy nhất của loại virus này. Một vài nghiên cứu đã chỉ ra rằng virus Zika có thể lây truyền qua đường tình dục và qua đường máu. Mới đây, các nhà khoa học thuộc Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát Dịch bệnh Hoa Kỳ CDC đã đưa ra kết luận bệnh nhân mắc Zika đầu tiên tại Mỹ là do quan hệ tình dục với bệnh nhân Zika khác khi đi du lịch.

Cuối cùng, đường lây truyền đáng sợ nhất của Zika là từ mẹ sang con trong quá trình mang thai.

Muỗi Aedes (muỗi vằn) là một loại muỗi nguy hiểm

Muỗi vằn Aeds là loài muỗi phổ biến tại Việt Nam.

Loài muỗi Aedes đóng vai trò lây lan Zika bao gồm có 2 loài chính, Aedes aegypti (muỗi vằn nhiệt đới) và Aedes albopictus (muỗi vằn châu Á). 2 loài này thường có mặt nhiều tại các vùng nhiệt đới và cũng đã lây lan sang châu Mỹ.

Bên cạnh Zika, muỗi Aedes còn làm lây lan nhiều loại bệnh khác, bao gồm bệnh sốt chikungunya (tạm dịch: sốt gập người) và bệnh sốt xuất huyết. Các quốc gia Nam Mỹ trong những năm qua đều chứng kiến các ca nhiễm 2 căn bệnh này tăng vọt so với những năm trước, với nguyên nhân được cho là bởi loài muỗi Aedes thường có khả năng lây truyền bệnh một cách nhanh chóng sang các vùng dân cư hiện chưa có kháng thể chống lại các căn bệnh này.

Bà Heidi Brown, giáo sư môn dịch tễ học tại Đại học Arizona, Mỹ cho biết 3 yếu tố giúp cho dịch bệnh Zika lây lan bao gồm: số lượng muỗi trong môi trường, số lượng muỗi cắn những người đã mắc bệnh và số muỗi sống đủ lâu để lây bệnh sang người khác. Do loài muỗi thường phát triển mạnh tại các khu vực ẩm và nóng, hiện tượng nóng lên toàn cầu cũng như quá trình toàn cầu hóa được cho là sẽ đẩy nhanh tốc độ lây lan của dịch Zika.

Tại Việt Nam, Chủ trì cuộc họp khẩn Ban chỉ đạo phòng chống dịch chiều nay, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đưa ra nhận định: "Nếu không có biện pháp phòng tránh kịp thời, virus Zika rất dễ xâm nhập vào nước ta và bùng phát thành dịch nhất là khi nhu cầu đi lại dịp này rất lớn (khoảng 200.000 lượt khách/ngày) và trong nước vẫn đang lưu hành muỗi Aedes truyền virus Zika".

Zika có thể gây nhiều hội chứng khiếm khuyết bẩm sinh

Trong suốt hàng chục năm kể từ khi được phát hiện vào năm 1947 tại cánh rừng Zika ở Uganda, virus Zika chưa bao giờ khiến cho con người lo ngại. Nhưng đến năm nay, loại virus này đã buộc các nhà khoa học phải xem xét lại hiểu biết của mình.

Đại dịch tại Brazil là minh chứng cho thấy Zika có mối liên hệ rất rõ ràng với chứng teo não trên trẻ sơ sinh. Trong vòng 2 năm qua, Brazil đã phải gánh chịu đợt dịch Zika lớn nhất trong lịch sử khi hơn 1,5 triệu người bị mắc phải loại virus này. Trong cùng giai đoạn trên, số trẻ bị sinh ra với hội chứng teo não (một hội chứng bẩm sinh khiến cho não trẻ không phát triển đầy đủ và đầu bị nhỏ) tại nước này tăng vọt. Kể từ tháng 10/2015 tới nay, các quan chức y tế tại Brazil đã ghi nhận 3.500 ca trẻ em bị teo não tại Brazil. Thông thường, tỉ lệ trẻ bị mắc chứng toe não tại Brazil là 0,5 ca lây nhiễm/10.000 ca sinh. Trong nửa sau 2015, con số này tăng lên thành 20 ca/10,000 ca sinh.

Dù về lý thuyết mối quan hệ này là chưa chắc chắn nhưng phần lớn các dấu hiệu hiện nay đều cho thấy bà mẹ mang thai bị nhiễm Zika có thể sẽ sinh ra con bị teo não. Khi các bác sĩ tại Brazil nghiên cứu nước ối của các bà mẹ có con bị teo não, họ tìm thấy virus Zika. Vào tháng 1 vừa qua, các bác sĩ tại CDC đã tìm thấy virus Zika trong não bộ của 2 em trẻ sơ sinh bị teo não và tử vong trong vòng 24 giờ sau sinh. Họ cũng tìm thấy dấu hiệu tồn tại của Zika trên 2 bà mẹ bị sảy thai.

CDC vẫn tỏ ra hết sức thận trọng khi khẳng định rằng mối liên hệ giữa Zika và các khiếm khuyết bẩm sinh là chưa chắc chắn, và các nhà khoa học có thể vẫn chưa tìm ra nguyên nhân lý giải mối liên hệ này. Song, các nhà khoa học cũng vẫn cho rằng các bằng chứng hiện tại đã là đủ nhiều để khẳng định mối liên hệ giữa Zika và các khiếm khuyết bẩm sinh là có tồn tại. Các nghiên cứu nhắm vào các đợt dịch bùng nổ trước đây, ví dụ như đợt dịch xảy ra tại đảo Polynesia cho thấy các khiếm khuyết bẩm sinh sẽ gia tăng khi virus Zika xuất hiện.

Cùng lúc, các nhà nghiên cứu cũng cho rằng Zika có thể gây ra hội chứng thần kinh Guillain-Barré khiến cho trẻ gặp nguy cơ tàn tật. Theo một thông tin do báo New York Times đăng tải, các bằng chứng cho mối liên hệ này đã liên tục gia tăng.

Mối liên hệ giữa Zika và chứng teo não ở trẻ nhỏ

Bà Margaret Chan, giám đốc WHO trong buổi họp ban bố tình trạng khẩn cấp về Zika.

Không phải bất cứ bà mẹ mang thai nào bị nhiễm Zika đều sẽ sinh ra con bị teo não, và các nhà khoa học vẫn chưa thể xác định mức độ rủi ro là bao nhiêu. Tuyên bố của bà Margaret Chan, Tổng giám đốc WHO khi tổ chức này ban bố tình trạng khẩn cấp do virus Zika gây ra cho biết: "Các chuyên gia đồng ý rằng tình trạng nhiễm Zika khi mang thai và chứng teo não rất có thể mang một mối quan hệ nguyên nhân - kết quả, dù rằng mối liên hệ này chưa được chứng minh về mặt khoa học".

Nghiên cứu của tờ báo y tế STAT khẳng định virus Zika có thể truyền qua nhau thai và ảnh hưởng tới hệ thần kinh của trẻ nhỏ. Các bà mẹ nhiễm Zika sinh ra con bị teo não thường bị nhiễm loại virus này trong 3 tháng đầu mang thai, dù rằng mối đe dọa vẫn sẽ tiếp tục tồn tại cho đến các tháng tiếp theo. Phần lớn các trường hợp nhiễm trùng sơ sinh đều xảy ra giữa tháng thứ 2 và tháng thứ 4 của thai kỳ.

CDC cho rằng Zika thường chỉ tiếp tục tồn tại trong máu của người bệnh trong vòng tối đa 12 ngày, do đó sẽ không thể ảnh hưởng tới các bào thai được mang sau khi người mẹ đã khỏi bệnh. Trong khi các chuyên gia hiện nay thường cho rằng nguy cơ Zika gây teo não trong các đợt mang thai sau khi khỏi bệnh là không tồn tại, phụ nữ đã từng mắc phải loại virus này vẫn được khuyến cáo hỏi ý kiến bác sĩ trước khi quyết định mang thai.

Biểu hiện và nguyên nhân gây teo não

Các em nhỏ bị mắc chứng teo não bẩm sinh có thể gặp các vấn đề phát triển chậm, co giật, gặp khó khăn khi nói, ngồi, đi lại, giữ cân bằng, bị khiếm thính hoặc khiếm thị. Các triệu chứng này thường kéo dài cả đời và có thể mang các mức độ nặng nhẹ khác nhau. Trong một số trường hợp, chứng teo não có thể đe dọa tới tính mạng của thai và trẻ sơ sinh.

Triệu chứng teo não có thể được phát hiện qua siêu âm trong kỳ 3 tháng thứ 2 hoặc thứ 3. Sau khi trẻ được sinh ra, triệu chứng này có thể được phát hiện bằng cách đo kích cỡ đầu của trẻ.

Các nhà khoa học vẫn chưa thể xác định điều gì gây ra triệu chứng này, nhưng các nguyên nhân có thể bao gồm các yếu tố di truyền, nhiễm trùng, suy dinh dưỡng nặng hoặc tiếp xúc với rượu, ma túy hoặc các chất độc hại khác.

Phụ nữ mang thai và trong tuổi sinh sản được khuyến cáo không đi đến các vùng có Zika

Hiện tại, châu Mỹ Latin là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh Zika. Đất nước gần Việt Nam nhất có căn bệnh này là Thái Lan với mức độ lây truyền là "Lây lan rải rác".

Danh sách 31 nước có trường hợp lây nhiễm Zika. Ngoài 31 nước này, Úc, Ireland, Đài Loan và Mỹ cũng đã ghi nhận các ca nhiễm Zika.

Nhìn chung, vào lúc này phụ nữ trong độ tuổi sinh sản và đặc biệt là phụ nữ mang thai cần tránh đến khu vực Nam Mỹ, Trung Mỹ và quần đảo Caribe. Phụ nữ tại các nước này hiện đang được khuyến cáo tránh mang thai trong vòng 2 năm.

Các biện pháp tự bảo vệ trước Zika

Biện pháp đầu tiên và quan trọng nhất vẫn là tránh di chuyển tới các vùng đang có dịch Zika.

Do Zika hiện tại chưa có thuốc đặc trị và cũng chưa có vaccine phòng ngừa, cách tốt nhất để chống lại căn bệnh này là tránh bị muỗi cắn. Các nguyên tắc tự bảo vệ trước Zika do đó cũng là các biện pháp phòng muỗi:

- Sống trong khu vực có điều hòa hoặc được che chắn bởi cửa kín để muỗi không thể xâm nhập.

- Mặc quần áo dài và cho quần vào trong giày/tất khi đi ra ngoài.

- Mặc quần áo sáng màu, do muỗi thường bị thu hút bởi màu tối.

- Tránh dùng các sản phẩm mỹ phẩm có mùi hương.

- Mắc màn khi ngủ.

- Loại bỏ các khu vực tích nước có thể bị muỗi dùng để sinh sản.

- Ghi nhớ rằng muỗi mang Zika thường dễ cắn vào ban ngày hơn là ban đêm.

- Sử dụng thuốc xịt muỗi theo hướng dẫn.

Tại Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu đẩy mạnh các biện pháp phòng chống dịch rộng rãi trong cộng đồng, khuyến cáo người dân không nên đến vùng và quốc gia có dịch, kiểm soát chặt chẽ các trường hợp nhập cảnh ở cửa khẩu và sân bay, đồng thời nhanh chóng khám, xét nghiệm và cách ly các trường hợp nghi ngờ. Tại cộng đồng, cần khuyến cáo người dân đẩy mạnh việc diệt muỗi, loăng quăng bọ gậy ở khu dân cư bằng nhiều cách.

Lê Hoàng

Nguồn VnReview: http://vnreview.vn/tin-tuc-khoa-hoc-cong-nghe/-/view_content/content/1755593/nhung-dieu-can-biet-va-cach-phong-tranh-virus-zika