Những cuộc đời dữ dội bên dòng kênh

Dòng kênh thẳng tắp, nước xanh ngắt, hối hả chảy về tưới tiêu cho những cánh đồng hạ du. Hai bên dòng kênh và xa hơn nữa là những cánh đồng lúa trái vụ xanh ngắt, tít tắp. Cảnh ấm no dấy lên sự tương phản trong tâm tư tôi. Liệu điều anh Tuận nói về những đứa con rơi là có thật?

Chuyến du lịch gần đây của vợ chồng tôi là một công trình thủy lợi nằm sâu trong vùng rừng núi phía nam đèo Ngang, Quảng Bình. Vùng đất mà mỗi khi nghĩ đến, lòng dạ tôi quá bồi hồi.

Quán vắng bên đường chia ngọt sẻ bùi

Ngày ấy đã hơn 30 năm rồi, vợ chồng tôi cùng vợ chồng người bạn, thuộc khối xây lát, đặt bước chân đầu tiên lên nền móng công trình thủy lợi đó. Đường sá lúc ấy còn trắc trở lắm. Trên chiếc xe tải, từ công trường thủy lợi Nam Thạch Hãn khởi hành tờ mờ sáng, sẩm tối chúng tôi mới đến nơi. Sau bữa cơm tối vội, chúng tôi qua đêm trong cái lán bốn bề trống hoác. Đêm đầu tiên trong rừng lạ, ngoài hai đứa nhóc được hai bà mẹ ẵm, còn hai ông chồng không chợp mắt được, ngồi quanh ánh lửa bập bùng sưởi ấm, đốt thuốc cho đến khi gà rừng eo óc gáy.

Trước ngôi nhà kho vợ chồng tôi ở là con đường dẫn vào rừng. Dân trong vùng ngày ấy còn đói nghèo lắm, nắng hay mưa cũng dãi dầu vào rừng đi củi, đặt bẫy… kiếm ăn. Và họ thường ghé vào cái giàn che mưa nắng bằng lá rừng trước nhà tôi để nghỉ chân. Thấu cảnh nghèo, người nào thiếu gạo tôi cho mượn, thiếu mắm muối tôi cho; mời họ điếu thuốc, ngụm nước chè hoặc chén rượu cho ấm bụng trước khi vào rừng. Ngược lại từ rừng về, không ai quên ghé cái “quán vắng bên đường” của tôi biếu vài củ khoai mài, cho ít mật ong hoặc vài con chim, có khi cả đùi thịt rừng… Tình cảm gia đình tôi với họ cứ thế thắm thiết theo thời gian. Để rồi mấy năm sau, khi nước đã về trên những cánh đồng khô hạn của xứ nghèo này là lúc vợ chồng tôi bịn rịn chia tay họ để đến một vùng đất khô cằn khác. Lúc ấy, người làng cứ đứng trân mà nhìn chiếc xe tải chở vợ chồng tôi cho đến khi khuất dạng.

Để gặp nhiều đồng nghiệp cũ và cũng gần vùng đất mình muốn đến, vợ chồng tôi chọn điểm dừng chân là thị xã Ba Đồn. Đêm đầu tiên sau bao năm xa cách, những mái đầu xanh ngày nào nay gặp nhau đầu đã bạc, thành ông nội, ông ngoại cứ mày tao chi tớ bên nhau uống rượu thâu đêm. Không đi được ô tô, chúng tôi đi bằng xe máy. Sau nửa ngày đường cả đoàn xe gầm rú hết cỡ, cứ men theo dấu bánh xe của những người làm rừng mà đi.

Tác giả bên dòng kênh gắn với nhiều kỷ niệm không quên trong đời. Ảnh: K.HẠ

Tác giả bên dòng kênh gắn với nhiều kỷ niệm không quên trong đời. Ảnh: K.HẠ

Trận lũ lịch sử kinh hoàng

Nơi đầu tiên chúng tôi tìm đến là đập tràn. Được những bàn tay không toan tính làm ra, ba mươi năm rồi hạng mục này vẫn vững chãi với thời gian. Gió rừng hiu hiu thổi qua mặt nước hồ thênh thang, lăn tăn gợn sóng mát rượi, gợi lên bao ký ức trong tôi hiện về dồn dập. Nào là tiếng kẻng vào ca đêm đâu đây vang lên nghe mồn một. Tiếng máy xúc, máy ủi, xe thi công, tiếng cuốc xẻng của hàng trăm công nhân và lực lượng lao động địa phương thi nhau vang lên trên công trường suốt ngày đêm để vượt lũ. Sau cái khoảng lặng hiếm hoi mỗi trưa trên công trường là tiếng đì đùng nổ mìn phá đá. Và tiếng nước đổ ầm ầm qua tràn của trận lũ lịch sử 1983 ám ảnh mãi trong tâm trí tôi cũng hiện về. Như những cảm tử quân, chúng tôi lao xuống mặt tràn giành giật thiết bị, vật tư trước khi con nước hung dữ tràn qua. Giữa đêm đen con đê thi công trước cửa tràn đã rung chuyển. Tiếng súng rút quân vang lên liên hồi nhưng nào đâu kịp. Nước đổ ầm ầm. Một đồng nghiệp tuổi 20 đã bị cuốn phăng ngay giây phút nước lao qua tràn đầu tiên. Số còn lại nhanh chân leo lên đứng trên bức tường bê tông đang nằm giữa dòng nước dữ, run rẩy lánh nạn. Mấy ngày sau, cả công trường không ăn ngủ đội mưa gió đi tìm xác đồng đội…

Nơi thứ hai chúng tôi tìm đến là ngôi nhà xưa của mình, nay còn trơ cái nền hoang. Nhìn cảnh hoang phế mà lòng tôi xao xuyến lạ thường. Nơi đây đã có chuỗi ngày vợ chồng, con cái tôi sống bên nhau thật êm đềm. Ở góc nền nhà này là chiếc giường đôi ọp ẹp con gái thứ hai tôi cất tiếng khóc chào đời sau những phút giây vượt cạn tưởng không qua khỏi của vợ tôi. Bên trong chiếc giường là những chiếc thùng gỗ đựng áo quần và lương thực, mỗi lần không bằng lòng cha mẹ điều gì là con bé đầu nhà tôi trốn vào đó khóc rấm rứt. Giữa nền nhà bằng đất có một khoảnh biến thành… gạch, là dấu tích những ngày đông tôi thường đốt lửa trong nhà để sưởi ấm và tiện việc nấu nướng.

Trảng đồi trước mặt nhà, bên kia đường cây cỏ vẫn lúp xúp như ngày nào, gợi cho tôi nhớ cái cảm giác hãi hùng đêm đông đi chống lũ về. Vỡ đê bơi trong nước về nhà tìm vợ con nhưng không thấy đâu cả! Đang lúc tuyệt vọng thì nghe tiếng í ới trên đồi. Hóa ra khi con nước òa về, vợ tôi đã nhanh tay bọc đứa con mới bảy ngày tuổi trong áo mưa, kéo đứa con hai tuổi đội mưa chạy lên đồi tránh nước!

Khép lại quá khứ

Vén bức tranh dĩ vãng, chúng tôi lặng lẽ đi vào làng Đất Đỏ tìm người quen. Tôi hăm hở bước vào nhà vợ chồng anh Tuận, người đàn ông ngày nào có lối sống và một quá khứ mà tôi trân trọng. Mười tám tuổi, tử thủ 81 ngày đêm ở Cổ Thành Quảng Trị. Ngày đất nước thống nhất anh trở về với một vốc huân, huy chương. Khi chiến tranh biên giới Tây Nam xảy ra, anh lại tình nguyện khoác áo lính lên đường bảo vệ Tổ quốc. Ngày trở về thành thương binh, anh sống đời nông dân bình dị, sát cánh cùng chúng tôi xây dựng công trình.

Vợ chồng anh Tuận đang ngồi nghỉ trưa dưới gốc giàn bầu. Họ đã quá già nhưng đôi mắt tròn như hai viên bi của anh thì tôi không thể quên được. Để thử trí nhớ anh, tôi vờ hỏi đường: “Dạ, anh em tui là công nhân năm xưa xây dựng công trình này, về đây thăm lại ngôi nhà nằm ở ngã ba rừng mà tìm không ra…”. Nghe khách giới thiệu, vợ chồng họ mắt sáng ra hối hả mời khách ngồi và nói: “Ngôi nhà ấy chỉ còn cái nền. Các anh là ai mà thăm ngôi nhà ông Hạ?”. Tôi buột miệng thốt lên: “Em là Hạ đây!”. Anh Tuận lùi lại vài bước nhìn kỹ tôi rồi nói: “Trời đất, ông Hạ ngày xưa phong độ sao giờ lại lùn và xấu rứa, tui nhận không ra”. Ba mươi năm rồi còn gì, đá vàng còn phai huống chi hình thái con người. Tôi đứng trước mặt mà anh không nhận ra nhưng tôi của ngày xưa thì vẫn còn trong ký ức anh là được rồi. Tôi thấy sống mũi mình cay cay.

Hối vợ bắt gà làm cơm đãi khách và khi rượu ngà ngà anh thẳng thắn hỏi chúng tôi: “Thật lòng là các chú về đây tìm con rơi hả?”! Ngạc nhiên đến thú vị, tôi tò mò hỏi: “Đã có ai làm như vậy chưa mà anh hỏi bọn em?”. “Khối người! Tuy nhiên, dân làng tôi không vui”. Giọng tôi pha chút tự ái: “Anh nghĩ em là người vậy sao?”. Anh cười: “Chú vợ kè kè bên răng làm chuyện bậy được”. Chỉ bạn tôi, anh nói: “Chú này nè…”. Câu nhận định ấy đã làm cả bọn tôi cười rân!

Ra về, theo chỉ dẫn của vợ chồng anh Tuận, chúng tôi đi dọc con kênh lấy nước Cống Nam. Dòng kênh thẳng tắp, nước xanh ngắt, hối hả chảy về tưới tiêu cho những cánh đồng hạ du đang gặp hạn. Hai bên dòng kênh và xa hơn nữa là những cánh đồng lúa trái vụ xanh ngắt, tít tắp. Nổi lên trong nắng chiều là những thửa mè trong nương nhà ai trổ hoa trắng ngần. Cảnh ấm no dấy lên sự tương phản trong tâm tư tôi. Liệu điều anh Tuận nói về những đứa con rơi là có thật? Và có bao nhiêu đứa trẻ đáng thương như vậy?

Tôi ghé UBND xã sở tại để tìm lời giải đáp. Vị cán bộ xã như đã quen giải quyết vấn đề này vui vẻ, thẳng thắn nói: “Thật lòng là chúng tôi rất biết ơn những người về đây làm thủy lợi. Nhưng ngày ấy các anh ra đi đã để lại cho cả xã chúng tôi 40 cháu sống cảnh không cha! Tương ứng cũng có ngần ấy bà mẹ sống trong cảnh buồn tủi. Bị phụ tình, bị người làng rẻ rúng, sống trong cảnh túng quẫn khiến nhiều người đã tuyệt vọng…”. Tôi gấp gáp hỏi: “Tình cảnh của họ sao rồi anh?”. “Dạ… đã qua rồi cái thời các cháu sống khao khát tình cảm một người cha và cần một chút vật chất để được cắp sách đến trường”. Giọng anh bỗng chùng xuống: “Có lẽ để yên ổn phần đời còn lại mà các ông về đây tìm giọt máu rơi của mình. Nhưng các ông nào biết với người trong cuộc thì việc làm đó chỉ như người đi du lịch tìm về miền quá khứ của mình mà thôi…”.

Tôi định tỏ lòng rằng không phải thế nhưng nhận ra giọng người cán bộ trẻ này có chút gì đó chua chát như lời bài hát Chị tôi của nhạc sĩ Trần Tiến, vậy là im lặng.

Bút ký của TRẦN KIÊM HẠ

Nguồn PLO: http://phapluattp.vn/ho-so-phong-su/nhung-cuoc-doi-du-doi-ben-dong-kenh-571734.html