Những chuyện ít biết về Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn

- Trường Võ Bị Trần Quốc Tuấn - tiền thân của trường Sĩ quan Lục quân 1 (Đại học Trần Quốc Tuấn) – là đơn vị đầu tiên vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh trao tặng lá cờ thêu 6 chữ vàng “Trung với nước hiếu với dân”. Nhân kỷ niệm 65 năm lễ khai giảng khóa 1 của ngôi trường đào tạo cán bộ chính quy đầu tiên của nước Việt Nam mới (26-5-1946 – 26-5-2011), xin giới thiệu với bạn đọc bài viết về những chuyện ít biết của đơn vị này.

Tiền thân của Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn Ngay từ năm 1924, Bác Hồ đã cử nhiều thanh niên, học sinh Việt Nam sang du học ở Quảng Châu, Trung Quốc rồi Trường đại học Phương Đông Matxcơva… Cho đến ngày chuẩn bị Tổng khởi nghĩa, Trung ương đã cho thành lập Trường Quân chính kháng Nhật. Từ sau ngày 2-9 cho tới cuối năm 1945, theo chỉ thị của Bác để phù hợp với tình hình thực tế, trường đã 2 lần đổi tên: Trường Quân chính Việt Nam và Trường Huấn luyện cán bộ Việt Nam. Trong vòng nửa năm với 7 khóa huấn luyện, nhà trường đã cung cấp 1.500 cán bộ trẻ cho lực lượng vũ trang và các địa phương. Ngày 17-4-1946, theo chỉ thị của Người, nhà trường được đổi tên thành Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn với nhiệm vụ: đào tạo cán bộ chỉ huy cấp trung, đại đội trong thời gian 6 tháng. Để đáp ứng yêu cầu huấn luyện, Người bổ nhiệm đồng chí Hoàng Đạo Thúy làm Hiệu trưởng cùng Chính trị ủy viên Trần Tử Bình. Các đồng chí Vương Thừa Vũ, Vũ Lập phụ trách huấn luyện. Trường rời từ Hà Nội (khu Việt Nam Học xá, nay là Đại học Bách khoa) lên đóng quân tại sân bay Tông, thị xã Sơn Tây. Lễ khai giảng khóa 1 và lá cờ thêu những chữ vàng Chủ nhật 26-5-1946, nhà trường làm lễ khai giảng khóa 1. Hồ Chủ tịch cùng Chủ tịch Quân ủy hội Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Quốc phòng Phan Anh và một số đại biểu đến trường từ sớm. Tránh nghi lễ đón tiếp, Bác đi thẳng vào doanh trại xem bố trí nơi ăn chốn ở. Đến nhà bếp, thấy anh em ăn thừa Người đã phê bình là lãng phí cơm gạo, nhất là khi dân ta vừa qua nạn đói khủng khiếp đầu 1945. Tiếp thu ý kiến Bác, ngay hôm sau, cơm thừa còn sạch được tận dụng ủ làm tương cho bộ đội ăn. Trong không khí trang nghiêm của buổi lễ, lá cờ đỏ sao vàng được kéo lên trên nền nhạc hùng tráng của bài “Tiến quân ca”. Từ trên lễ đài Hồ Chủ tịch bước xuống tiến về phía hàng quân, trao cho nhà trường lá cờ thêu những chữ vàng “TẶNG TRƯỜNG VÕ BỊ TRẦN QUỐC TUẤN “TRUNG VỚI NƯỚC – HIẾU VỚI DÂN” – 1946”. Học viên Bùi Minh Trân, một chiến sĩ của Nam bộ, thay mặt 288 học viên khóa 1 đón nhận lá cờ. Phát biểu với cán bộ, học viên, Người nói: “Trung với Nước, Hiếu với Dân là bổn phận thiêng liêng, một trách nhiệm nặng nề, nhưng cũng là vinh dự của người chiến sĩ trong đạo quân quốc gia đầu tiên của nước ta”. Đáp lời Người, Giám đốc Hoàng Đạo Thúy nói: “…Thế kỷ 13, Nguyên-Mông là một đế quốc lật đất, nghiêng trời, chiếm từ bể Đông đến giữa châu Âu. Họ bảo nước ta là to bằng bàn tay ếch. Ba lần họ cất quân sang xâm lược nước ta. Ba lần tướng Trần Quốc Tuấn đã dựa vào thế đất và lòng người đuổi quân giặc phải tháo chạy. Cụ Chủ tịch lấy tên Trần Quốc Tuấn đặt tên cho trường ta, ý Cụ mong cho chúng ta trở thành học trò của Trần Quốc Tuấn”. Với khẩu hiệu “Thao trường đổ mồ hôi để chiến trường không đổ máu”, mặc nắng mưa, mặc ngày đông tháng giá, học viên khóa 1 đã hăng say, miệt mài học rèn. Cuối khóa, nhà trường tổ chức diễn tập hành quân dài ngày từ Sơn Tây, qua Đồn Vàng, lên Phú Thọ, Việt Trì, có sự phối hợp giữa bộ đội và dân quân, nâng cao công tác chỉ huy, kỹ-chiến thuật, công tác chính trị, dân vận. Sau diễn tập, học viên có thêm kinh nghiệm tổ chức hành quân dã ngoại, tình cảm quân dân thêm sâu đậm. Tháng 10-1946, vừa từ Pháp về, Bác lên thăm trường. Người vui vẻ nói chuyện với anh em: “Sau khi ở Pháp về, nhớ những đồng chí trẻ của mình ở đây, đồng chí già liền lên thăm ngay và dặn anh em mấy điểm: Một là phải kỷ luật. Hai là phải quần chúng hóa. Ba là phải thực tế. Bốn là phải ham học, ham làm. Năm là phải quyết tâm, chịu khó. Sáu là không lúc nào tự cho mình là đủ, không kiêu, không nịnh.Bảy là phải đoàn kết, thân ái tự phê bình, phê bình và khuyến khích lẫn nhau”. Bác tặng nhà trường 16 chiếc huy hiệu để trao cho 15 học viên đỗ xuất sắc và học viên đỗ cuối cùng trong kỳ thi tốt nghiệp. Ngày 8-12-1946, Võ bị khóa 1 làm lễ tốt nghiệp. Toàn bộ học viên tốt nghiệp được điều động về ngay các đơn vị, bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp sẽ nổ ra vào ngày 19-12-1946. Khóa 2 : Theo thầy Nguyễn Sơn hành quân vào khu IV Ngày 16-2-1947, Võ bị khóa 2 với 340 học viên được khai giảng tại thị xã Tuyên Quang. Đồng chí Nguyễn Sơn – nguyên Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Miền Nam, người đã chiến đấu trong Bát Lộ Quân và tham gia “Vạn lý trường chinh” ở Trung Quốc - được chỉ định làm Hiệu trưởng.Sau đó, đồng chí lại được giao nhiệm vụ Khu trưởng Khu IV nên khóa 2 theo thầy hành quân vào Khu IV. Học viên được biên chế thành các đại đội chuyên sâu: C1 quân sự, C2 chính trị, C3 dân quân. Ngày 28-7-1947, nhà trường làm lễ mãn khóa 2 và ngày 8-8-1947 hành quân ra Bắc. Khóa 2+ 3 và 4 chữ vàng “Trung dũng, Quyết thắng”. Giữa tháng 4-1947, khóa 3 được khai giảng tại Bắc Cạn. Thầy Hoàng Đạo Thúy lại được chỉ định làm Hiệu trưởng. Là một nhà giáo, nhà sử học, xã hội học, có kinh nghiệm trong công tác hướng đạo sinh và đã kinh qua đào tạo khóa 1, thầy Thúy giảng về Binh pháp Tôn Tử, về lịch sử ông cha giữ nước, về chiến thuật, chiến lược quân sự, về cả thông tin “moóc-xơ”… Trong khóa học, ngày 1-5-1947, thầy Thúy được vinh dự kết nạp vào Đảng. Để thống nhất trong đào tạo và bổ sung kiến thức chiến thuật cấp trung đoàn, các khóa 2 và 3 được hợp nhất. Trong buổi lễ, Tổng bí thư Trường Chinh đến thăm. Sau đó, khóa 2 tiến hành trao cờ “Trung với nước, Hiếu với dân” cho khóa 3. Đây là lá cờ truyền thống mà khóa 1 đã trao cho khóa 2 trước khi hành quân vào Khu IV. Hai đồng chí Vũ Khổng Tước (khóa 2) và Nguyễn Đôn Tự (khóa 3) vinh dự thay mặt 2 khóa trao và nhận lá cờ. Khi chương trình huấn luyện gần kết thúc, ngày 7-10-1947, giặc Pháp nhảy dù xuống khu vực gần trường. Nhà trường biên chế thành trung đoàn E79 dưới sự chỉ huy của Trung đoàn trưởng Hoàng Đạo Thúy và Chính trị viên Lê Đình đã đánh thắng trận Đầm Hồng và trận tập kích Yên Thịnh, phá vỡ kế hoạch hợp điểm của địch ở Bản Thi. Ngày 28-10-1947, lễ bế giảng được tổ chức tại đình Nghĩa Tá. Khóa 2 và 3 của nhà trường vinh dự đón nhận 4 chữ vàng của Bác “Trung dũng, Quyết thắng”. Tô thắm thêm những chữ vàng 65 năm trôi qua, các cựu giáo viên, học viên khóa 1-2-3 Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, nhiều đồng chí đã anh dũng hy sinh, nhiều đồng chí được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT (nhà tình báo chiến lược Phạm Ngọc Thảo, thiếu tướng Kim Tuấn – Tư lệnh Quân đoàn 3, đại đội trưởng trinh sát Nguyễn Ngọc Bảo…), nhiều đồng chí được phong hàm cấp tướng… Kế thừa truyền thống vẻ vang của thế hệ cha anh là Trường Sĩ quan Lục quân 1 – Đại học Trần Quốc Tuấn, đơn vị AHLLVTND. Với những chiến công hiển hách trong sự nghiệp giải phóng chống Mỹ cứu nướ́c và bảo vệ Tổ quốc, họ đã góp phần tô đẹp thêm những chữ vàng mà Bác Hồ kính yêu đã trao tặng. Trần Kiến Quốc

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://bee.net.vn/channel/1984/201105/Nhung-chuyen-it-biet-ve-Truong-Vo-bi-Tran-Quoc-Tuan-1800013/