Những bộ phim đem Điện ảnh Việt ra trường Quốc tế

(Petrotimes) - Nhìn lại những giải thưởng danh giá mà điện ảnh Việt đã đạt được, chúng ta có quyền hy vọng vào tương lai của nền điện ảnh đương đại.

Đó là những bộ phim sống mãi với thời gian và trở thành niền tự hào của nền Điện ảnh nước nhà. Cùng nhìn lại những bộ phim “kinh điển” này.

1. Nước về Bắc Hưng Hải

Là bộ đầu tiên đạt giải quốc tế, đánh dấu sự xuất hiện của điện ảnh Việt Nam trên đấu trường thế giới, bộ phim tài liệu"Nước về Bắc Hưng Hải" của đạo diễn Hồng Sến do xưởng phim Việt Nam sản xuất năm 1959, biên kịch và đạo diễn Bùi Đình Hạc; quay phim Hồng Sến, Ngọc Quỳnh.

Ghi lại sự kiện xây dựng đợt thủy nông đầu tiên ở Miền Bắc, sau ngày hòa bình lập lại. Thông qua hoạt động của công trường thủy lợi Bắc Hưng Hải, các tác giả muốn nêu lên sức mạnh của nhân dân khi đã được làm chủ, quyết tâm xây dựng đời sống ấm no, hạnh phúc. Bộ phim đoạt giải Huy chương Vàng tại Liên hoan phim Matxcơva 1959. Đây là bộ phim đã mang về giải thưởng đầu tiên cho phim tài liệu nói riêng và cho điện ảnh Việt Nam nói chung.

2. Con chim vành khuyên

Được biết đến như một bản anh hùng ca của đất Việt, “Con chim vành khuyên” đã ngợi ca những cuộc đời sẵn sàng chiến đấu và hy sinh cho tự do, độc lập và niềm tự hào dân tộc. Đến nay, đã hơn 50 năm trôi qua nhưng khán giả điện ảnh một thời mãi mãi không thể quên cái tên “Con chim vành khuyên” do đạo diễn Nguyễn Văn Thông, cùng với sự giúp sức của Trần Vũ đã trở thành bộ phim truyện Việt Nam đầu tiên giành được Giải thưởng đặc biệt của LHP quốc tế Karlovy Vary (Tiệp Khắc).

Chính bộ phim này cũng làm nên tên tuổi của nữ diễn viên Tố Uyên.

3. Lũy thép Vĩnh Linh

Cố đạo diễn Nguyễn Ngọc Quỳnh của phim Lũy thép Vĩnh Linh.

Phim “Lũy thép Vĩnh Linh” - đạo diễn, NSND Ngọc Quỳnh, sản xuất năm 1970 đã từng đoạt huy chương vàng LHP quốc tế Mátxcơva năm 1971;

Với thời lượng 46 phút, bộ phim nói về mảnh đất Vĩnh Linh khi đó được coi là vị trí tiền tiêu của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, hậu phương trực tiếp của miền Nam. Đế quốc Mỹ đã sử dụng đủ loại vũ khí hiện đại hòng hủy diệt Vĩnh Linh nhưng quân dân Vĩnh Linh đã xây dựng địa đạo, tổ chức cuộc chiến đấu lâu dài. Địch càng đánh phá điên cuồng bao nhiêu, người dân Vĩnh Linh càng kiên cường, anh dũng bấy nhiêu. Vĩnh Linh đã trở thành lũy thép- mảnh đất anh hùng.

Lũy thép Vĩnh Linh cùng với Đầu sóng ngọn gió cũng là hai bộ phim đưa tên tuổi của Nguyễn Ngọc Quỳnh ra thế giới với 2 HCV tại LHP quốc tế Moskva lần thứ V và VI.

4. Vĩ tuyến 17 ngày và đêm

Là một bộ phim tiêu biểu cho điện ảnh Cách mạng trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam, “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm” là một bộ phim của đạo diễn Hải Ninh năm 1972.Có dung lượng và quy mô dàn dựng thuộc loại hoành tráng bậc nhất của phim truyện Việt Nam từ trước tới nay. Bộ phim từ lâu đã trở thành biểu tượng oanh liệt về cuộc đấu tranh giành tự do, thống nhất tổ quốc mà nhân Nam đã kiên cường tiến hành trong một giai đoạn lịch sử đặc biệt.

Vĩ tuyến 17 ngày và đêm hấp dẫn không chỉ ở câu chuyện về những đối đầu và những lựa chọn khắc nghiệt của người dân hai bờ sông Bến Hải khi đất nước bị chia cắt, mà còn ở cách thức dàn dựng bộ phim với những cảnh được quay ngay tại vùng giới tuyến đầy nguy hiểm, nhưng đó lại chính là nơi các nghệ sĩ ở gần nhất với các "nguyên mẫu" trong phim..Bộ phim đoạt giải của Hội đồng hòa bình thế giới tại LHP Moscow. Bộ phim cũng mang lại tên tuổi cho NSND Trà Giang trong vai diễn chị Tư Hậu.

5. Cánh đồng hoang

Cánh đồng hoang đạo diễn Nguyễn Hồng Sến là một phim truyện nhựa làm về đề tài Chiến tranh Việt Nam của Việt Nam. Không gian đề cập tới trong bộ phim chỉ vỏn vẹn trong chu vi của một cánh đồng hoang, nhưng lại khai thác cả không gian từ dưới nước (phía dưới mặt nước cánh đồng) đến tận trên không (nơi máy bay Mỹ đang quần thảo).

Bộ phim mang tính cô đọng, khái quát cao, tả rõ tội ác của đế quốc Mỹ và lột tả tình cảm gia đình, tình cha con, tình vợ chồng sâu sắc và thắm thiết, nói lên việc mặc dù chiến tranh khốc liệt và sự hiểm nguy hằng ngày rình rập vẫn không thể ngăn nổi sự hồn nhiên, yêu đời trong cuộc sống của người dân thường yêu nước.

Với sự diễn xuất có hồn của Lâm Tới, Thúy An trong vai vợ chồng Ba Đô, bộ phim đã đạt giải thưởng ấn tượng nhất với giải HCV từ LHP Moskva hạng mục phim truyện 1981.

6. Sống trong sợ hãi

Cảnh phim Sống trong sợ hãi.

Bộ phim từng đoạt 5 giải Cánh diều vàng 2005 của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đã giành được danh hiệu “Phim xuất sắc” ở hạng mục "Tài năng trẻ châu Á" tại Liên hoan phim quốc tế Thượng Hải lần thứ 9.

Đó là bộ phim quay quanh câu chuyện đầy kịch tính, hồi hộp về ranh giới mong manh giữa sự sống – cái chết của Tải, một con người mang đầy mặc cảm trở về sau cuộc chiến tranh. Nhân vật chính trong phim là Tải, một người lính Việt Nam Cộng hòa. Sau một thời gian đi cải tạo, Tải trở về quê của mình và bắt đầu cuộc sống.

Không nghề nghiệp, không ruộng đất, Tải phải đối mặt với cơm áo gạo tiền để nuôi hai bà vợ cùng ba đứa con còn chập chững. Áp lực phải có tiền chu cấp cho cuộc sống của hai người vợ đã khiến Tải liều mình đi cắt trộm dây thép gai và sau đó là đào mìn bán phế liệu. Anh đã sống trong sợ hãi khi hàng ngày phải trực tiếp đối mặt với tử thần, nỗi lo sợ chính quyền mới và nhiều sợ hãi vô hình khác.

Nhưng ngay cả khi sự sống trở nên rất mong manh, cả khi thấy tim mình như ngừng đập vì chứng kiến cái chết từ cưa bom của “chiến hữu” Năm Đực, Tải vẫn đi ra bãi mìn. Bởi bãi mìn là tương lai của anh, là nơi anh có thể tạo dựng cơ nghiệp từ mảnh đất này...

7. Trăng nơi đáy giếng

Diễn viên Hồng Ánh trong Trăng nơi đáy giếng.

"Trăng nơi đáy giếng" là bộ phim có nội dung bắt nguồn từ một truyện ngắn của Trần Thùy Mai. Và nó thực sự nâng giá trị của câu chuyện lên bằng thứ ngôn ngữ giàu hình dung của điện ảnh. Dù không phải là không có những hạt sạn trong việc xử lý âm thanh, chọn và sử dụng nhạc nền hay những lỗ hổng không đáng có về đời sống tinh thần đa chiều của người xứ Huế.

Hạnh (Hồng Ánh đóng) là người phụ nữ xứ Huế, yêu thương, tận tụy với chồng đến mức tôn thờ, để rồi nhận lấy đau khổ từ chính mái ấm nhỏ của mình. Nét khổ hạnh của phụ nữ Huế qua tài diễn xuất của Hồng Ánh trong phim "Trăng nơi đáy giếng" được Ban giám khảo Liên hoan phim quốc tế Dubai đánh giá cao, mang về cho Việt Nam giải thưởng "Nữ diễn viên xuất sắc".

8. Chuyện của Pao

Đỗ Hải Yến trong Chuyện của Pao.

Đây là bộ phim đã giúp đạo diễn Ngô Quang Hải vinh dự được trao một bằng khen khi đoạt Giải thưởng Đặc biệt của Ban giám khảo cũng trong kỳ LHP diễn ra tại Đài Bắc năm 2006. Xuyên suốt bộ phim là câu chuyện về cuộc đời của Pao và những người trong gia đình qua lời độc thoại của cô.

Chuyện của Pao (do Đỗ hải Yến đóng) đã tạo nên màu sắc của một bài ca về cuộc sống của những con người trên vùng núi cao- những người tưởng như đã chấp nhận những gì mà số phận đã an bài nhưng rồi tình yêu lại đánh thức họ dậy vào lúc cuộc đời đã xế bóng và họ đã dám đi theo tiếng gọi của tình yêu. Bao trùm lên tất cả là lòng bao dung, vị tha trong quan hệ giữa người với người và đây là điều in dấu đậm nét của phim.

9. Bi! Đừng sợ

Cảnh trong Phim Bi! Đừng sợ

Bi, đừng sợ!, bộ phim truyện đầu tay của đạo diễn VN Phan Đăng Di đã nhận được hai giải ACID/CCAS của Hiệp hội Các nhà phát hành phim độc lập và SACD cho biên kịch xuất sắc nhất trong hạng mục Tuần lễ các nhà phê bình của LHP Cannes lần thứ 63.

Bi, đừng sợ! kể câu chuyện về một gia đình ở Hà Nội, nơi có chú bé 6 tuổi tên Bi (DV Phan Thành Minh) sống cùng bố (DV Hà Phong) mẹ (DV Kiều Trinh), người cô ruột chưa chồng (DV Hoa Thúy) và bà giúp việc lâu năm (NSƯT Mai Châu). Xáo trộn đáng kể của gia đình cũng là cái cớ vào phim xảy ra khi ông nội Bi (NSND Trần Tiến), một người già đau ốm ở phương xa bỗng nhiên trở về. Đó là hai thế giới hiển hiện với những người đàn ông loay hoay với những cơn say, sự đau đớn của bạo bệnh và những người phụ nữ gắng giải phóng cho mình khỏi những ám ảnh từ dục vọng cá nhân.

10. Tâm hồn mẹ

Phùng Hoa Hoài Linh trong Tâm hồn mẹ.

“Tâm hồn mẹ” đánh dấu sự trở lại của nữ đạo diễn tài hoa Nhuệ Giang sau nhiều năm vắng bóng và bộ phim này đã được bà ấp ủ suốt 20 năm.

Dựa trên truyện ngắn cùng tên của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp ra đời cuối thập niên 1980, phim xoay quanh hai mẹ con sống trong một căn nhà tồi tàn ở bãi giữa sông Hồng, Hà Nội. Bộ phim xoay quanh cuộc sống của hai mẹ con Lan và Thu. Công việc của họ là hàng ngày dậy thật sớm đi chợ đầu mối Long Biên mua hoa quả về bán ở chợ cóc. Người mẹ vướng vào chuyện tình mù quáng với một người lái xe tải đường dài. Chật vật kiếm sống để có tiền cho con ăn học nhưng Lan cũng dành cả đống tiền cho người đàn ông không hẳn của mình. Đời sống mưu sinh nhọc nhằn cùng những cám dỗ tình cảm khiến tình cảm mẹ con ngày càng xa cách. Tình yêu của mẹ cũng là thứ mà Thu luôn khao khát...

Chính lối diễn trong sáng, Phùng Hoa Hoài Linh đã xuất sắc Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất (khối Á Phi) tại Liên hoan phim quốc tế Dubai 2012. Và Tâm hồn mẹ trở thành bộ phim để lại dấu ấn trong lòng công chúng.

Ngoài ra cũng không thể không nhắc đến phim Đôi mắt người xưa của đạo diễn Đỗ Văn Liêm đã mang về giải thưởng nữ diễn viên xuất sắc nhất với vai diễn Hiền do Xuân Dung đóng; Phim Thời gian còn lại của đạo diễn Lê Hồng Chương vinh dự nhận giải thưởng phim tài liệu xuất sắc nhất tại LHP châu Á - Thái Bình Dương. Bên cạnh phim đạt các giải thưởng trong các hạng mục chính thì Việt Nam còn đạt giải thưởng phụ như Chơi vơi nhận giải ở hạng mục Orizzonti; Áo lụa Hà Đông nhận giải Khán giả bình chọn tại LHP Kim Kê.

Huyền Anh (th)

Nguồn PetroTimes: http://www.petrotimes.vn/news/vn/van-hoa-giai-tri-the-thao/nhung-bo-phim-dem-dien-anh-viet-ra-truong-quoc-te.html