Nhu quyền tướng võ

Trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, có lẽ hiếm có danh nhân nào lại được sùng kính một cách đặc biệt như Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn. Một nhà chính trị, một võ tướng, một nhà văn, cả ba phẩm chất này đã hòa quyện rất chặt chẽ trong con người ông để tạo nên một Đức Thánh Trần vô tiền khoáng hậu, niềm tự hào vĩnh cửu của mọi con dân nước Việt.

Trần Quốc Tuấn đã có một hoàn cảnh gia đình rất đặc biệt. Cha ông, Trần Liễu, là con trưởng của Thái Tổ Trần Thừa, anh trai của vị vua đầu tiên trong triều Trần là Trần Thái Tông (Trần Cảnh). Những biến thiên lịch sử đã đưa Trần Cảnh từ vị thế là chồng của Lý Chiêu Hoàng, lên ngôi vua. Nhưng oái oăm thay, sự sinh nở của Lý Chiêu Hoàng đã bị trục trặc (bà hoàn toàn không vô sinh) nên Trần Thủ Độ, chú ruột nhà vua, lúc đó nắm thực quyền trong triều đình, đã ép Trần Thái Tông phải rời bỏ Lý Chiêu Hoàng và lấy chị ruột của Lý Chiêu Hoàng là Thuận Thiên Công chúa làm vợ, mặc dù lúc đó Thuận Thiên Công chúa đã có mang ba tháng với người chồng chính thức là Trần Liễu… Uất ức tột độ, Trần Liễu đã dấy binh làm loạn nhưng thế yếu nên rốt cuộc cũng phải chịu bề ngoài quy thuận triều đình… Tuy nhiên, trong lòng Trần Liễu vẫn nóng bỏng nguyên những cuồng nộ cá nhân. Và vì thế, ông rất muốn các con cháu sau này rửa hộ cho ông cái mà ông coi là nỗi đau nhục rất lớn của mình. Và Trần Liễu đã tìm kiếm nhiều người thầy giỏi võ nghệ và văn chương về dạy dỗ người con trai thứ ba khôi ngô dĩnh ngộ Trần Quốc Tuấn ngay từ khi còn nhỏ… Và kèm theo đó là những căn dặn quyết liệt cho tương lai… Trước khi tạ thế, Trần Liễu đã dặn Trần Quốc Tuấn rằng, "nếu con không vì cha mà lấy lại thiên hạ thì dưới suối vàng cha không thể nào nhắm mắt được…”

Có thể nói, Trần Quốc Tuấn được thừa hưởng từ cha mình một trái tim yêu rất nóng bỏng. Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép rằng, năm 19 tuổi, Trần Quốc Tuấn đã phải lòng con gái của chú ruột (vua Trần Thái Tông với Lý Chiêu hoàng) là Thiên Thành công chúa. Hiềm một nỗi, Trần Thái Tông lại định gả Thiên Thành công chúa cho Trung Thành Vương và thậm chí đã đưa công chúa tới ở trong dinh thự của Trung Thành Vương. Thế là Trần Quốc Tuấn giữa đêm khuya đã vượt rào vào nhà Trung Thành Vương để tình tự với người mình yêu quý… Chuyện bại lộ và suýt nữa một thảm cảnh xảy ra. May nhờ người cô ruột là Thụy Bà công chúa, em của Trần Liễu và Trần Cảnh, vốn coi người cháu trai đa tình này như con nuôi, nhanh trí gỡ rối mà Trần Quốc Tuấn mới thoát hiểm… Trần Thái Tông cực chẳng đã phải nghe theo lời cầu xin của Thụy Bà công chúa và gả Thiên Thành công chúa cho Trần Quốc Tuấn…

Cũng phải nói rằng, đoạn trên là sự cố duy nhất trong đời sống tình cảm của Trần Quốc Tuấn được sử sách chép lại. Khi trở thành mệnh quan trong triều, cách hành xử của ông đã thay đổi, đúng mực, chín chắn và điềm đạm. Lưu truyền rất nhiều câu chuyện về cách ứng xử khôn ngoan tỉnh táo của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn trong những thời điểm gay cấn nhất của lịch sử Đại Việt thời Trần. Bản tính can đảm, dũng mãnh, nhưng Trần Quốc Tuấn lại rất biết cách gỡ rối quan hệ bằng những cử chỉ mềm mỏng, chân tình. Sử sách chép rằng, giữa ông với Trần Quang Khải, con vua Trần Thái Tông, vốn không được cơm lành canh ngọt cho lắm vì những khúc mắc ở đời cha. Mặc dù cả hai đều ngồi ở vị trí cao trong triều, một là Quốc công Tiết chế, một là Thượng tướng, nhưng lại có vẻ như bằng mặt không bằng lòng. Ý thức được tầm quan trọng của sự đoàn kết anh em, Trần Quốc Tuấn đã chủ động tạo tình huống khôi phục lại niềm tin và tình huynh đệ. Một hôm, thấy Trần Hưng Đạo từ Vạn Kiếp về kinh thành, Trần Quang Khải đã xuống thuyền chơi cùng người anh họ. Trần Quang Khải vốn bản tính ngại tắm, còn Trần Quốc Tuấn lại thích tắm nước thơm. Trò chuyện với nhau một hồi rồi, thấy ngày đã muộn, Trần Quốc Tuấn nói: "Mình mẩy bẩn rồi, xin được tắm cho Thượng tướng!” Và ông chủ động tới cởi áo của Trần Quang Khải ra. Trần Quang Khải thấy thế cũng nói: ‘Hôm nay may được Quốc công tắm cho!” Và cả hai cùng cười… Chính những cử chỉ đó đã hoàn toàn khôi phục lại được tình yêu thương và tin cậy ở hai vị trọng quan đầu triều, điều có ý nghĩa rất lớn trong các cuộc chiến chống lại giặc Nguyên Mông hùng mạnh…

Trong công tác giao tiếp với ngoại bang, Trần Hưng Đạo cũng tỏ rõ bản lĩnh cao cường của ông. Việc gì chưa cần cứng thì ông vẫn cư xử mềm mỏng và tinh tế. Đầu năm 1281, Hốt Tất Liệt, ông vua của siêu cường Nguyên Mông sai Sài Xuân làm sứ giả đem cả ngàn quân hộ tống Trần Di Ái (chú ruột vua Trần Nhân Tông, sang Trung Quốc chầu thay vua và được Hốt Tất Liệt phong làm An Nam quốc vương) về nước. Cậy thế nước lớn, Sài Xuân hành xử đầy ngạo mạn và vô lễ. Y cưỡi ngựa đi thẳng vào cửa Dương Minh. Khi quân sĩ Thiên Trường ra ngăn lại, Xuân đã dùng roi ngựa quất họ bị thương ở đầu... Không muốn gây thêm căng thẳng, vua Trần Nhân Tông đã sai Thượng tướng Trần Quang Khải ra nhà trọ sứ quán để khoản tiếp. Thế nhưng, Sài Xuân vẫn nằm khểnh trong phòng, không chịu ra. Ngay cả khi Trần Quang Khải vào hẳn trong phòng rồi, y cũng vẫn không buồn ngồi dậy tiếp. Đại Việt sử ký toàn thư chép: "Hưng Đạo Vương Quốc Tuấn nghe thấy thế, tâu xin đến sứ quán xem Xuân làm gì. Lúc ấy Quốc Tuấn đã gọt tóc, mặc áo vải. Đến sứ quán, ông đi thẳng vào trong phòng. Xuân đứng dậy vái chào mời ngồi. Mọi người đều kinh ngạc, có biết đâu gọt tóc, mặc áo vải là hình dạng nhà sư phương Bắc. Ông ngồi xuống pha trà, cùng uống với hắn. Người hầu của Xuân cầm mũi tên đứng sau Quốc Tuấn, chọc vào đầu đến chảy máu, nhưng sắc mặt Quốc Tuấn vẫn không hề thay đổi. Khi trở về, Xuân ra cửa tiễn ông...”

Biết nhẫn chịu cực đỉnh khi việc nước đòi hỏi, Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn lại rất cương cường trong những tình huống nước sôi lửa bỏng. Cả trong khẩu khí lẫn hành động. Có lẽ là con dân nước Việt khó có ai có thể lạnh lòng được khi nghe đọc "Hịch tướng sĩ” của Trần Hưng Đạo:

"Ta cùng các ngươi sinh ra phải thời loạn lạc, lớn lên gặp buổi gian nan. Lén nhìn sứ ngụy đi lại nghênh ngang ngoài đường, uốn tấc lưỡi cú diều mà lăng nhục triều đình; đem tấm thân dê chó mà khinh rẻ tổ phụ. Ỷ mệnh Hốt Tất Liệt mà đòi ngọc lụa để phụng sự lòng tham khôn cùng; khoác hiệu Vân Nam Vương mà hạch bạc vàng, để vét kiệt của kho có hạn. Thật khác nào đem thịt ném cho hổ đói, tránh sao khỏi tai họa về sau.

Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa; chỉ giận chưa thể xả thịt, lột da, ăn gan, uống máu quân thù; dẫu cho trăm thân ta phơi ngoài nội cỏ, nghìn thây ta bọc trong da ngựa, cũng nguyện xin làm…”

Rồi nữa:

"Nay các ngươi ngồi nhìn chủ nhục mà không biết lo; thân chịu quốc sỉ mà không biết thẹn. Làm tướng triều đình đứng hầu quân man mà không biết tức; nghe nhạc thái thường đãi yến sứ ngụy mà không biết căm. Có kẻ lấy việc chọi gà làm vui; có kẻ lấy việc cờ bạc làm thích. Có kẻ chăm lo vườn ruộng để cung phụng gia đình; có kẻ quyến luyến vợ con để thỏa lòng vị kỷ. Có kẻ tính đường sản nghiệp mà quên việc nước; có kẻ ham trò săn bắn mà trễ việc quân. Có kẻ thích rượu ngon; có kẻ mê giọng nhảm. Nếu bất chợt có giặc Mông Thát tràn sang thì cựa gà trống không đủ đâm thủng áo giáp của giặc; mẹo cờ bạc không đủ thi hành mưu lược nhà binh. Vườn ruộng nhiều không chuộc nổi tấm thân ngàn vàng; vợ con bận không ích gì cho việc quân quốc. Tiền của dẫu lắm không mua được đầu giặc; chó săn tuy hay không đuổi được quân thù. Chén rượu ngọt ngon không làm giặc say chết; giọng hát réo rắt không làm giặc điếc tai. Lúc bấy giờ chúa tôi nhà ta đều bị bắt, đau xót biết chừng nào! Chẳng những thái ấp của ta không còn mà bổng lộc các ngươi cũng thuộc về tay kẻ khác; chẳng những gia quyến của ta bị đuổi mà vợ con các ngươi cũng bị kẻ khác bắt đi; chẳng những xã tắc tổ tông ta bị kẻ khác giày xéo mà phần mộ cha ông các ngươi cũng bị kẻ khác bới đào; chẳng những thân ta kiếp này chịu nhục đến trăm năm sau tiếng nhơ khôn rửa, tên xấu còn lưu, mà gia thanh các ngươi cũng không khỏi mang danh là tướng bại trận. Lúc bấy giờ, dẫu các ngươi muốn vui chơi thỏa thích, phỏng có được chăng?..”

Có thể nói, chính thiên hùng văn này của Trần Hưng Đạo đã góp phần rất quan trọng trong việc tạo ra ngọn lửa yêu nước ngùn ngụt cháy trong thời nhà Trần, không chỉ một lần nhấn chìm những tham vọng xâm lăng của giặc Nguyên Mông…

Giữa năm Canh Tý 1300, khi Trần Hưng Đạo lâm bệnh nặng, vua Trần Anh Tông đã ngự tới nhà thăm và hỏi: ‘Nếu có điều chẳng may, mà giặc phương Bắc lại sang xâm lược thì kế sách như thế nào?” Câu trả lời của Đức Thánh Trần là: "… Vừa rồi Toa Đô, Ô Mã Nhi bốn mặt bao vây. Vì vua tôi đồng tâm, anh em hòa mục, cả nước góp sức, giặc phải bị bắt. Đó là trời xui nên vậy. Đại khái, nó cậy trường trận, ta dựa vào đoản binh. Dùng đoản binh chế trường trận là sự thường của binh pháp. Nếu chỉ thấy quân nó kéo đến như lửa, như gió thì thế dễ chế ngự. Nếu nó tiến chậm như các tằm ăn, không cầu thắng chóng, thì phải chọn dùng tướng giỏi, xem xét quyền biến, như đánh cờ vậy, tùy thời tạo thế, có được đội quân một lòng như cha con thì mới dùng được. Vả lại, khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc, đó là thượng sách giữ nước vậy…”

Cho tới hôm nay, ý tưởng "khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc” của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn vẫn còn nguyên giá trị… Nhu quyền hóa ra luôn là cốt lõi của võ công Đại Việt…

Phan Hương

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=105006&menu=1434&style=1