Nhớ nhà: Nỗi khổ của người xa quê

Nhớ nhà là tâm trạng mà bất kỳ ai xa quê cũng từng trải qua với nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Thậm chí, cảm giác này còn có thể ảnh hưởng nặng nề đến cuộc sống hiện tại.

Nỗi nhớ quê thường gắn liền với cuộc sống sinh viên, những người phải xa quê hương đi làm ăn xa, chuyển đến sống ở nơi khác. Bắt đầu cuộc sống mới ở nơi không quen thuộc rất khó khăn, đặc biệt là những người không nói được ngôn ngữ ở môi trường mới. Nỗi nhớ da diết đó có các triệu chứng tương tự như trầm cảm - Tiến sĩ Caroline Schuster khẳng định. Trong trường hợp nghiêm trọng, nó có thể gây tổn thương nghiêm trọng đến tâm lý, bị hoảng loạn, gián đoạn giấc ngủ, gặp ác mộng, khả năng tập trung, nghiêm trọng hơn nữa là có thể bị tách biệt với môi trường sống mới.

Chắc hẳn có nhiều người đã trải qua cảm giác nhớ nhà chìm trong những giọt nước mắt, nhớ da diết về con đường quen thuộc vẫn đi, hình ảnh những người yêu thương trong gia đình, ngôi nhà nhiều kỷ niệm... bất chợt ùa về hoặc xuất hiện dai dẳng trong tâm trí có thể phải điều trị. Tờ Independent cho rằng: Nhiều người rơi vào tình trạng này phải dùng thuốc điều trị chống trầm cảm hoặc tư vấn.

Trong đó, tầng lớp phải gánh chịu cảm giác này nhiều nhất là sinh viên. Họ phải xa quê để học tập và lập nghiệp. Hiện chưa rõ bao nhiều người phải chịu đựng nỗi nhớ nhà, nhưng có khoảng 7-10% dân số bị ảnh hưởng. Tiến sĩ Tony Munton - nhà tâm lý học tại Trung tâm Nghiên cứu Coran Thomas ở London - ước tính có khoảng 60-70% sinh viên đại học trải qua nỗi nhớ nhà với các mức độ khác nhau trong năm đầu tiên. Các học sinh đã phản ứng lại cảm giác đó giống như khi chứng kiến người bạn thân hoặc người thân qua đời. Nó có thể dẫn đến rối loạn cảm xúc và thể chất khá nghiêm trọng ở lứa tuổi đang phát triển. Thậm chí, một số người bị ám ảnh suốt cuộc đời dẫn đến mắc các bệnh mãn tính hoặc cấp tính.

Tiến sĩ Elizabeth Eurelings - người đã điều tra về rối loạn tâm trí khi nhớ nhà - khẳng định: “Những người có tư tưởng hướng ngoại và cởi mở sẽ ít nhạy cảm hơn về nỗi nhớ nhà. Môi trường không dân chủ sẽ gây khó khăn trong việc con người thích ứng với môi trường mới, cần miễn cưỡng để tìm kiếm sự hỗ trợ”.

Independent trích dẫn tâm sự của một người 33 tuổi từng phải đi nội trú từ năm 12 tuổi: “Tôi vẫn còn nhớ y nguyên đêm đầu tiên xa nhà, cảm thấy như thể mắc bệnh thần kinh bởi tất cả mọi thứ đều kỳ lạ”. Giống như nhiều chàng trai, ông đã học cách che giấu cảm xúc: “Cha mẹ tôi gửi thư cho tôi mỗi ngày, nhưng thậm chí tôi không dám mở. Nó khiến tôi phải chịu đựng quá nhiều. Sau đó, tôi mắc bệnh dạ dày. Các bác sĩ cho biết đó là phản ứng khi thiếu cha mẹ”. Với nhiều người, nhớ nhà có thể làm tổn thương nghiêm trọng về tâm lý, lo âu, trầm cảm gây ra các bệnh liên quan đến thể chất.

Các nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng: Internet ngày càng được sử dụng như giải pháp để giải tỏa nỗi nhớ nhà. Hơn 4.000 trang web đã đưa những lời khuyên về nỗi nhớ nhà. Thậm chí, Chính phủ Malaysia và Lebanon đã cung cấp website đặc biệt giúp các du học sinh nước ngoài khỏa lấp nỗi nhớ nhà của họ. Tuy nhiên, những người bị ở cấp độ nặng hơn cần uống thuốc trầm cảm theo sự chỉ định của bác sĩ.

Ở Việt Nam, vào dịp Tết Nguyên Đán, những người xa quê hương vì điều kiện không thể trở về bên gia đình ăn Tết càng nhớ da diết hình ảnh đoàn tụ bên mâm cỗ tất niên. Khi đó, họ chỉ biết gửi gắm những lời chúc tốt đẹp nhất, cầu mong bình yên sức khỏe cho ông bà, cha mẹ qua những cuộc điện thoại trong nỗi xúc động dâng trào.

Xem thêm

Hương Nguyên

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/xa-hoi-gia-dinh/nho-nha-noi-kho-cua-nguoi-xa-que