Nhìn lại cuộc chiến Nga–Gruzia: Mỹ đã có thể tấn công Nga

- Trong cuộc chiến Nga - Gruzia, Mỹ đã cân nhắc việc sử dụng không quân ủng hộ Gruzia. Tuy nhiên, họ đã không làm như vây. Những vấn đề nổi cộm trong cuộc chiến ngắn ngày gây chấn động thế giới đã được tác giả Ronald D. Asmus giải đáp.

Cuốn sách nhìn lại cuộc chiến Nga - Gruzia Tháng 8/2008, khi xe tăng quân đội Nga tiến vào Gruzia, một bước ngoặt trong lịch sử thời kỳ sau Chiến tranh lạnh có thể đã xảy ra. Lúc đó, đội ngũ phụ trách về vấn đề an ninh quốc gia của Tổng thống Mỹ G. Bush đã xem xét một cách nghiêm túc vấn đề về việc sử dụng không quân để tấn công nhằm ngăn chặn sự tiến công của quân đội Nga. Thủ tướng Vladimir Putin lúc đó đã nói rằng, nên đặt niềm tin vào ông. Còn Tổng thống Pháp Nikolas Sarkozy bằng hành động của mình thúc giục nhà lãnh đạo Gruzia ký kết hiệp định ngừng bắn. Ở đây có ba vấn đề nổi cộm trong bức màn ngoại giao mà Ronald D. Asmus, tác giả cuốn "A Little War That Shook the World: Georgia, Russia and the Future of the West" (tạm dịch là “Cuộc chiến nhỏ gây chấn động thế giới: Gruzia, Nga và tương lai của phương Tây”). Cuốn sách này trình bày một cách chân thực những sự kiện xảy ra trong cuộc chiến kéo dài năm ngày hồi tháng 8/2008 giữa Nga và Gruzia. Ronald D. Asmus, người đã từng là trợ lý Ngoại trưởng Mỹ dưới thời Bill Clinton, và hiện là người đứng đầu Quỹ German Marshall Fund of the United States. Ông đã tường thuật lại câu chuyện về chính sách và những bế tắc trong ngoại giao căn cứ vào những tư liệu mà trước đó chưa hề được công bố, cũng như có cuộc phỏng vấn với các đại diện của phương Tây và Gruzia. Được thu thập đầy đủ, bản tư liệu này đã trở thành bằng chứng chứng minh rõ phương Tây đã không thể đương đầu với một nước Nga đang mạnh lên. Cuốn sách được viết một cách tường tận vấn đề, bao gồm cả sự hiểu biết vốn có của một nhà ngoại giao về sắc thái chính trị và cả sự am hiểu về báo chí. Cuốn sách mô tả rằng, Nga đã tận dụng mâu thuẫn giữa Mỹ và châu Âu vốn xuất phát từ cuộc chiến tại Iraq, để ngăn chặn hành động “ngang bướng” của Gruzia tiếp cận phương Tây. Cuốn sách này viết, một số quan chức cấp cao của Nhà Trắng đã nhất quyết yêu cầu xem xét các phương án sử dụng vũ lực quân sự, như ném bom vào đường hầm trên núi - con đường huyết mạch tiếp viện cho quân đội Nga. G. Bush nuốt lời "Bốn ngày sau chiến sự nổ ra ngày 7/8/2008, Bush đã chấm dứt cuộc bàn thảo này. Trong cuộc gặp tại Nhà Trắng với sự tham dự của lãnh đạo cấp cao đã có cảm giác rằng, thực tế bất kỳ một hành động quân sự nào cũng có thể dẫn đến xung đột với Moscow", Asmus viết. Kết quả là, chính quyền Mỹ lúc đó và NATO không thể làm được gì để cứu Gruzia, khi nước này đang nằm giữa cuộc chiến. Đụng độ quân sự có thể đã đánh thức những tham vọng của Nga về một đại cường quốc sau hai thập kỷ suy sụp. Trong cuốn sách này, quan điểm của Nga về cơ bản là không có. Theo tác giả Asmus, giới lãnh đạo Điện Kremlin đã từ chối trả lời phỏng vấn. Do vậy, cuốn sách thể hiện sự đồng cảm với Gruzia còn lớn hơn cả trong báo cáo về kết quả điều tra của Liên minh châu Âu về thực trạng cuộc chiến. Báo cáo đó cho biết, Tbilisi đã khơi mào cuộc chiến. Cuốn sách cũng chỉ rõ rằng, nhiệm kỳ tổng thống sắp hết của ông Bush lúc đó cần phải tỏ ra thực dụng hơn. Bush không muốn gây chiến với Nga và cũng không thể thuyết phục được các đồng minh của mình như Thủ tướng Đức Angela Merkel nhằm ủng hộ nỗ lực của Gruzia trở thành thành viên của Tổ chức hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Thái độ “dĩ hòa vi quý” của Bush Sự yếu thế của Bush càng gia tăng căng thẳng trong quan hệ vốn nảy sinh trong thời gian cầm quyền của ông giữa ông và Phó Tổng thống Dick Cheney. Ông Cheney luôn lo lắng rằng, Bush đã vô tình trao cho Nga tín hiệu để bắt đầu các hành động quân sự, bởi lẽ ông đã im lặng khi Putin kịch liệt đưa ra quan điểm về vấn đề Gruzia trong cuộc gặp giữa hai Tổng thống tại thành phố bên bờ Biển Đen Sochi của Nga vào tháng 4/2008. Một trong những cộng sự của bộ máy Cheney khi đọc xong báo cáo về cuộc gặp này đã phàn nàn rằng, Bush đã “dĩ hòa vi quý” đối với Nga. Và cuộc xung đột quân sự này là dẫn chứng cho cuộc nói chuyện diễn ra hồi tháng 02/2008 giữa Putin và Saakashvili. "Ngài có nghĩ rằng, Ngài có thể tin vào người Mỹ là họ sẽ nhanh chóng giúp đỡ Ngài? - Ông Putin hỏi Saakashvili (theo bản tốc ký được Gruzia ghi lại trong cuộc nói chuyện này) - Ngài không nên tin bất cứ ai, ngoại trừ tôi". ”Cái đầu nóng” của Gruzia Tổng thống Saakashvili, mà một số người cho rằng ông là nhà cải cách, còn một số khác thì nói là kẻ mị dân, trở thành nguyên nhân chính về sự bất đồng quan điểm giữa Mỹ và châu Âu về cách Gruzia tiếp cận Phương Tây. Tác giả Asmus viết, tại thủ đô các nước châu Âu người ta đã từng gọi Saakashvili là “cái đầu nóng lợi dụng sự ủng hộ của Mỹ và là người phải chuốc lấy sự bực mình vào thân". Sự bực mình này đã được “lập trình” trước, khi Tổng thống Pháp Sarkozy đôn đáo như con thoi giữa Moscow và Tbilisi, nhằm đạt được thỏa thuận ngừng bắn. Sự lựa chọn với tư cách trung gian của nhà lãnh đạo Pháp, nước lúc đó đảm nhiệm chức chủ tịch Liên minh châu Âu, đã phản ánh sự bất an của Washington trước việc tham gia tích cực của Mỹ vào tiến trình này càng làm cho Kremlin tức giận. Câu chuyện của Asmus về đường lối ngoại giao quá vội vàng của ông Sarkozy cũng có nói rằng, ít nhất có một quan chức ngoại giao cấp cao của Mỹ đã bị sửng sốt trước nội dung nước đôi của bản hiệp định ngừng bắn do nhà lãnh đạo Pháp nhanh chóng lập ra vào ngày 12/8/2008 tại Moscow. Chiều ngày hôm đó, khi 100 nghìn người Gruzia vui mừng reo hò “Sarkozy, Sarkozy” tập trung gần tòa nhà quốc hội tại Tbilisi, thì Tổng thống Pháp chuyển đến ông Saakashvili văn kiện do ông lập ra và nói rằng, sẽ chẳng có gì tốt hơn. "Ông Bush đâu rồi? Người Mỹ đâu rồi? - Tổng thống Sarkozy nói một cách tức giận, - Họ sẽ không đến cứu các ngài đâu. Và người châu Âu cũng vậy, họ sẽ không đến đâu. Các ngài chỉ là số ít. Nếu các ngài không ký thì chẳng bao lâu nữa xe tăng Nga sẽ tiến đến đây". Q.Khánh (theo Bloomberg)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://bee.net.vn/channel/1984/201001/Nhin-lai-cuoc-chien-Nga%E2%80%93Gruzia-My-da-co-the-tan-cong-Nga-1737142/