Nhiều ông lớn công nghệ đối mặt với khó khăn trong năm 2016

Dù thị trường smartphone ghi nhận kỷ lục mới trong năm 2015, nhưng điều đó không có nghĩa các nhà sản xuất sẽ dễ thở hơn trong năm 2016. Bởi theo các nhà phân tích đến từ Hãng nghiên cứu thị trường Gartner, thị trường smartphone có thể chỉ tăng 2,6% trong năm 2016. Thị trường smartphone tiếp tục giảm tốc khiến các ông lớn phải đối mặt với nhiều khó khăn trong năm Bính Thân 2016.

Apple trước nguy cơ lần đầu suy giảm lượng iPhone bán ra

Theo báo cáo của Công ty Morgan Stanley, trong năm 2016, Apple chỉ bán được 224 triệu máy, giảm 2,9% so với năm 2015, thấp hơn nhiều so với con số dự báo 247-252 triệu máy được đưa ra trước đó.

Lý giải cho dự báo này, nhà phân tích Katy Huberty cho rằng: Giá bán cao hơn nhiều so với mặt bằng chung cùng sự giảm tốc của thị trường smartphone khi phân khúc cao cấp đã bão hòa, nhu cầu nâng cấp hoặc mua mới tại Trung Quốc chậm lại sẽ ảnh hướng tiêu cực đến lượng iPhone tiêu thụ trong năm 2016. Trong khi đó, iPhone được định vị ở phân khúc cao cấp và tốc độ tăng trưởng của thị trường smartphone lớn nhất thế giới Trung Quốc, nơi Apple đang giữ vị trí hàng đầu đang giảm tốc đột ngột. Đó là chưa kể đến việc dòng sản phẩm iPhone ngày càng “chậm tiến” khiến các tín đồ của iPhone không thể phân biệt sự khác nhau giữa phiên bản iPhone đầu tiên ra mắt năm 2007 với iPhone 6s.

Dự báo của Morgan Stanley càng được củng cố khi trước đó các nhà phân tích đến từ Credit Suisse cũng cho rằng: Apple đã giảm chỉ tiêu bán iPhone trong năm 2016 xuống còn 222 triệu máy thay vì 242 triệu máy. Nguyên nhân là do iPhone 6s không đắt khách như kỳ vọng vì chức năng 3D Touch không thực sự thỏa mãn người dùng như quảng cáo khiến Apple phải cắt giảm 10% đơn đặt hàng iPhone với các đối tác sản xuất. Các nhà phân tích phố Wall cũng cho rằng: Apple chỉ có thể bán được 50-52 triệu máy trong quý I/2016. Thậm chí, Apple có thể phải đối mặt với mức giảm lên đến 17% so với quý I/2015. Như vậy, nhiều khả năng Apple phải đối mặt với lần suy giảm đầu tiên kể từ khi iPhone ra đời năm 2007.

Nếu dự báo trên trở thành hiện thực, thì đó sẽ là vấn đề hết sức nghiêm trọng với Apple. Bởi iPhone là đang là sản phẩm mang lại nguồn thu chủ lực cho Apple khi chiếm chiếm 2/3 tổng doanh thu cũng như lợi nhuận của hãng. Trong bối cảnh thị trường tablet tiếp tục ảm đạm, dòng máy Mac danh tiếng có dấu hiệu suy giảm, thì iPhone đi xuống cũng đồng nghĩa với việc Apple sẽ xuống theo.

Samsung đối mặt với nhiều khó khăn

Với dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu vẫn chậm chạp trong năm 2016 cũng như thị trường smartphone tiếp tục giảm tốc, Kwon Oh-Hyun - Phó Chủ tịch kiêm CEO - cho rằng: Samsung sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn trong năm 2016. Cụ thể: Lợi nhuận trong quý I/2016 có thể thấp hơn nhiều so với dự kiến. Việc ông Kwon Oh-Hyun đưa ra dự đoán doanh thu tiếp tục sụt giảm có thể tạo áp lực lớn đến tâm lý của các nhà đầu tư vào Samsung.

Ông Kwon Oh-Hyun cho biết: Trong năm 2016, các thị trường trọng điểm của Samsung như smartphone, TV và chip xử lý sẽ gặp phải sự cạnh tranh khốc liệt. Sự phát triển và thay đổi liên tục của các xu hướng thị trường đã làm giảm giá trị phần cứng, đưa yếu tố trải nghiệm và tính tương thích của phần mềm lên hàng đầu. Trong khi đó, công nghiệp phần mềm chưa bao giờ là thế mạnh của Samsung. Vì thế, việc Samsung có thể thất bại trong giai đoạn đầu là hoàn toàn có thể. Hệ điều hành Tizen do Samsung phát triển không thành công như kỳ vọng đã minh chứng cho điều đó. Thêm nữa, hầu hết ứng dụng, phần mềm đặc trưng cài sẵn trên smartphone của Samsung đều do bên thứ ba phát triển không tạo được ấn tượng với người dùng.

Nhìn vào kết quả năm 2015, không khó để hiểu được tại sao ông Kwon Oh-Hyun lại đưa ra những cảnh báo thiếu lạc quan đến vậy. Bởi dù trong năm qua Samsung đã có những thay đổi tích cực, nhưng sự bão hòa của cuộc đua phần cứng khiến Samsung gặp nhiều khó khăn. Thị phần tiếp tục trượt giảm xuống còn 22,7% thay vì 24,4% của năm 2014. Lợi nhuận quý IV/2015 giảm 40% so với kỳ vọng. Nguyên nhân là do Samsung đang chịu áp lực cạnh tranh lớn đến từ các nhà sản xuất Trung Quốc khiến hãng mất đi lượng khách hàng không nhỏ ở phân khúc giá rẻ, tầm trung. Trong khi đó, Samsung vẫn chưa thể vượt qua cái bóng quá lớn của Apple ở phân khúc cao cấp.

Những khó khăn mà Samsung phải đối mặt trong năm 2015 vẫn còn nguyên, thậm chí còn có dấu hiệu gia tăng trong năm 2016. Trong khi Apple một mình một ngựa cùng hệ điều hành iOS, thì Samsung phải cạnh tranh với quá nhiều đối thủ cạnh tranh trong phân khúc Android. Thêm nữa, Apple đang chiếm phần lớn trong khoản lợi nhuận mà thị trường này tạo ra, thì Samsung lại phải “tranh giành” khoản lợi nhuận ít ỏi đang bị rất nhiều nhà sản xuất thiết bị Android xâu xé.

Sony sẽ rời sân chơi smartphone?

“Năm 2016 sẽ là thời khắc quan trọng. Sony sẽ tiếp tục lĩnh vực kinh doanh này khi mọi thứ đi đúng hướng bắt đầu từ năm 2016. Ngược lại, hãng sẽ xem xét các lựa chọn thay thế”, Đó là tuyên bố của ông Kazuo Hirai - CEO Sony.

Ý định rời bỏ cuộc chơi smartphone của Sony là hoàn toàn có thể hiểu khi nhìn vào dự báo năm tài khóa 2015. Theo đó, Sony có thể phải chấp nhận khoản lỗ lên đến 500 triệu USD thay vì 300 triệu USD như dự kiến ban đầu.Nguyên nhân khiến Sony tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn trong năm 2015 là do thiếu sự đổi mới, cho dù smartphone Xperia không xấu. Việc 3 năm liên tiếp dòng sản phẩm Xperia không có sự đổi mới trong thiết kế khiến người dùng nhàm chán.

Theo nguồn tin thân cận với Sony, trong năm 2016, nhiều khả năng hãng sẽ chỉ ra mắt tối đa hai mẫu smartphone thuộc phân khúc cao cấp để có thêm nhiều thời gian và nguồn lực để tạo ra sản phẩm tốt nhất. Trong khi đó, các sản phẩm thuộc phân khúc tầm trung hay giá rẻ của Sony sẽ bị cắt bỏ hoàn toàn hoặc dừng phát triển.

BlackBerry tiến dần về zero

Ở vào hoàn cảnh tương tự là BlackBerry. Dù đã nỗ lực xoay sở, nhưng ông vua một thời của thị trường smartphone chưa thể tìm lại hào quang đã mất. Passport và Priv đều là mẫu smartphone khác biệt và ấn tượng. Nhưng rồi Passport vẫn phải chịu thất bại về thương mại, còn Priv thì chưa mang lại sự đột phá cho BlackBerry.

Song có vẻ như BlackBerry vẫn muốn đặt cược cho hướng đi này khi tung ra các con dế Android để kết hợp thế mạnh của nền tảng đông người dùng với những tính năng và cơ chế bảo mật độc quyền từ BlackBerry. Dù vậy, với chỉ 0,2% thị phần toàn cầu cùng mục tiêu bán được 5 triệu sản phẩm mỗi năm, BlackBerry đang trở nên quá nhỏ bé và yếu thế trên thị trường smartphone năm 2016. Thực tế này đang buộc BlackBerry phải cân nhắc đến khả năng rút khỏi sân chơi smartphone, cho dù từng là hãng đi đầu trên thị trường này.

HTC: đầu không xuôi, liệu đuôi có lọt

HTC từng là nhà sản xuất tiên phong của các thiết bị Android cũng như từng trải qua thời kỳ “đỉnh cao” khi là nhà sản xuất điện thoại Anroid lớn nhất thế giới. Nhưng với nhiều toan tính và những bước đi sai lầm trong thiết kế và marketing, giờ đây, HTC đang phải đứng trước nguy cơ bị loại khỏi cuộc chơi sau nhiều năm suy giảm doanh thu và nhiều quý thua lỗ liên tiếp.

Với việc doanh thu giảm tiếp 7% và thua lỗ 157 triệu USD, HTC thực sự đã bị dồn đến chân tường. Hiện tại, HTC đang đặt kỳ vọng vào thế hệ tiếp theo. Tuy nhiên, HTC One M10 lỡ hẹn MWC 2016 sau khi các quan chức cao cấp của HTC không thể phê duyệt và quyết định gửi lại hai nguyên mẫu thiết kế của mẫu smartphone này được đề xuất cho bộ phận sản xuất cho thấy HTC đang gặp vấn đề thật sự.

Xem thêm:

Quang Huy

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/cong-nghe-doi-song-nghe-nhin/nhieu-ong-lon-cong-nghe-doi-mat-voi-kho-khan-trong-nam-2016