Nhiều hoạt động văn hóa ý nghĩa cho trẻ em trong Tết Trung thu

(HNMO) - Vào mỗi ngày Rằm trung thu, các em nhỏ lại được dịp quây quần bên gia đình vui phá cỗ hay đi rước đèn trung thu cùng chúng bạn. Năm nay, đã có khá nhiều hoạt động vui trung thu được tổ chức, trong đó không ít hoạt động từ thiện đã khiến mâm cỗ đêm Rằm của các em nhỏ càng thêm ý nghĩa.

* Trung thu này trẻ em Thủ đô chơi ở đâu? Phố cổ Hà Nội những ngày này luôn là sự lựa chọn của không chỉ các bậc phụ huynh đưa con em đi mua sắm đồ chơi Trung thu mà còn là nơi để lớp thanh niên đi tản bộ chơi và thưởng thức không khí nhôn nhịp, rực rỡ sắc màu của ngày Rằm. Năm nay, Lễ hội phố cổ tổ chức kéo dài suốt 2 tuần (từ 19/9 đến 3/10) khiến cho tuyến phố đi bộ này đông đúc hơn hẳn dù không phải vào ngày cuối tuần. Phố cổ Hà Nội những ngày diễn ra Lễ hội Trung thu (ảnh D.T) Bên cạnh việc tổ chức Hội chợ Trung thu từ phố Hàng Ngang – Hàng Đào – Hàng Mã – Đồng Xuân với nhiều món đồ chơi phong phú, Lễ hội năm nay còn tổ chức nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật để trở thành điểm đến của mọi tầng lớp nhân dân. Nào là sân khấu hát truyền thống có cả chèo, ca trù; nào là tổ chức các trò chơi dân gian; rồi những phần chơi dạy các em nhỏ làm bánh truyền thống... Chả thế mà tình trạng tắc nghẽn ở khu phố cổ mấy ngày nay liên tục xảy ra. Chỉ tính tuyến phố Hàng Mã, những ngày qua luôn trong tình trạng “báo động đỏ” vì chật ních người xe. Ai cũng muốn tìm một không gian để vui chơi Trung thu được thỏa thích. Trẻ em thì đòi cha mẹ mua những món đồ chơi, thanh niên thì coi đây là điểm dạo phố để tự “hóa trang” cho mình bằng những mặt nạ lóng lánh khác lạ. Tiếng trống múa sư tử, tiếng cót két đến là vui tai của những chiếc còi tay làm bằng gỗ với giá chỉ 2000 đ, tiếng cười đùa, tiếng người mặc cả… cứ náo nhiệt khắp dãy phố. Năm nay, dù các trò chơi dân gian truyền thống được bày bán nhiều hơn mọi năm nhưng vẫn chưa “đánh bại” được các trò chơi Trung Quốc. Rằm Trung thu không chỉ còn là Tết dành cho thiếu nhi Tối nay (2/10), tại địa điểm cổng chợ Đồng Xuân, Liên hoan múa sư tử sẽ diễn ra với sự tham gia nhiều đội múa lân. Ngày mai, đúng ngày Rằm Trung thu (3/10), cũng tại cổng chợ Đồng Xuân, Đêm hội rằm Trung thu phố cổ sẽ diễn ra, với các hoạt động thi rước đèn, bầy mâm cỗ, vui phá cỗ trông trăng của thiếu nhi, các trò chơi dân gian, hoạt động văn hóa văn nghệ, xiếc, võ thuật thiếu nhi. Bên cạnh địa điểm truyền thống là phố cổ Hà Nội, các em thiếu nhi có thể lựa chọn một số địa điểm vui chơi khác bớt đông đúc hơn. Tại công viên Thống nhất, chương trình “Tết trung thu trong em” diễn ra đến hết ngày 4/10. Các em sẽ được tham gia những trò chơi dân gian như nặn tò he, làm đèn kéo quân, làm diều… và những trò chơi hiện đại như vẽ tranh, tô màu, lắp ghép đồ chơi… Ngày mai (3/10), tại địa điểm công viên nước Hồ Tây cũng tổ chức một chương trình “Vầng trăng em mơ”, kéo dài từ 9h sáng đến 21h45. Chương trình gồm 2 phần: từ 9h – 11h và 15 – 17h là chương trình sân chơi dân gian, cũng đủ các trò như làm tò he, chuồn chuồn tre, cào cào lá dừa, mặt nạ, diều giấy, đèn ông sao, làm mặt nạ, đèn con công , con thỏ, diều sáo, búp bê... Từ 20h – 21h45 là chương trình ca nhạc đón trăng với các tiết mục múa lân, xiếc thú, múa rối đấu vật, thổi kèn bắt rắn, rước đèn ông sao... Bên cạnh đó còn có tiết mục Road show phỏng theo tích truyện Alibaba và bốn mươi tên cướp, với các màn trình đầy màu sắc. Chương trình miễn phí cho các bé cao dưới 1,35m. Nhà hát múa rối Việt Nam nhân dịp này cũng đã “thiết kế” hai đêm biểu diễn trước và đúng ngày rằm Trung thu (2 – 3/10) mang tên “Vầng trăng mơ ước”. Các em thiếu nhi sẽ được gặp lại những nhân vật cổ tích như ông Đầu rau, chú dã tràng, chị Hằng, chú Cuội, anh em siêu nhân và không thể thiếu được những chú Lân nhảy múa vào mỗi đêm Rằm. * Để vầng trăng ngày rằm thêm phần ấm áp Ngày mai (3/10) mới chính thức ngày Tết Trung thu, nhưng từ hơn một tuần này, đã có rất nhiều hoạt động vui chơi đón Tết Trung thu cho trẻ em rỉ rả diễn ra tại nhiều điểm trên địa bàn thành phố Hà Nội. Những tiếng hát lời ca về ngày hội trăng rằm đã ngân lên trong mấy ngày nay tại các tụ điểm sân khấu ngoài trời ở các quận, huyện. Nhiều hoạt động từ thiện, tặng quà cho các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn nhưng luôn có ý thức vươn lên trong học tập khiến ngày Rằm trung thu thêm ấm áp. Tối nay, Liên hoan múa sư tử sẽ diễn ra tại cổng chợ Đồng Xuân Tối ngày 19/9, Lễ hội trung thu phố cổ khai mạc tại sân khấu trước cổng chợ Đồng Xuân, mở đầu chuỗi hoạt động vui chơi cho các em nhỏ. Tại hoạt động này, BTC chuơng trình đã trao 12 suất học bổng cho em trong quận. Ngày 30/9 Quận Ba Đình, Hà Đông và Hoàng Mai tổ chức vui Tết Trung thu cho thiếu nhi với nhiều hoạt động thi mua lân, rước đèn ông sao. Quận Hà Đông tặng 17 suất học bổng đã được tặng cho học sinh nghèo vượt khó.Trước đó, một đêm hội “Vầng trăng cho em” do Đài THHN tổ chức tại huyện Thạch Thất và trao gần 300 món quà tình thương cho các trẻ em nghèo ở 8 xã nghèo ven sông… Ngày mai (3/10), tại Nghệ An thêm một “Đêm hội trăng rằm” giúp đỡ trẻ em khuyết tật và có hoàn cảnh khó khăn sẽ được tổ chức và được tường thuật trực tiếp trên VTV. Chương trình nhằm kêu gọi các mạnh thường quân, những nhà hảo tâm giúp đỡ các em vượt lên hoàn cảnh khó khăn để đạt thành tích cao trong học tập. Ở Nghệ An hiện có hơn 1 triệu trẻ em trong đó có khoảng gần 30 nghìn trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hơn 13 nghìn trẻ em bị khuyết tật các loại trong đó có hơn 4 nghìn em đang chờ được phẫu thuật... Chương trình do Ban Tuyên giáo Trung ương, UBND tỉnh Nghệ An, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An, Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Nghệ An, Báo điện tử Người Hà Nội, Đài Truyền hình Việt Nam và Đài PTTH tỉnh Nghệ An tổ chức. Tết Trung thu năm nay, còn cần nhiều lắm những tấm lòng nhân ái, sẻ chia cùng các em nhỏ ở vùng bão, lũ vừa đi qua. Những món quà và tấm lòng tình nghĩa ấy không chỉ là sự tri ân để các em có một đêm rằm trung thu đầm ấm mà còn giúp các em nhanh chóng trở về cuộc sống yên bình trước đây. Lệ Quyên

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/vn/43/221830/