Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta (*)

ND - LTS- Đêm 9-3-1945, phát-xít Nhật làm cuộc đảo chính lật đổ quân Pháp để độc chiếm Đông Dương. Vận dụng thời cơ, từ ngày 9 đến 12-3-1945, Ban Thường vụ T.Ư Đảng họp Hội nghị mở rộng tại Đình Bảng (Từ Sơn, Bắc Ninh) ra bản Chỉ thị Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta. Bản Chỉ thị quyết định: phát động một phong trào kháng Nhật, cứu nước, làm tiền đề cho cuộc Tổng khởi nghĩa và sẵn sàng chuyển qua hình thức Tổng khởi nghĩa khi có đủ điều kiện. Báo Nhân Dân xin trích đăng bản Chỉ thị có ý nghĩa lịch sử này.

Công việc cần kíp 1. Về tuyên truyền: a. Khẩu hiệu: Chống chính quyền của Nhật và của bọn Việt gian thân Nhật. Nêu khẩu hiệu "Chính quyền cách mạng của nhân dân". b. Hình thức: Chuyển qua những hình thức tuyên truyền cổ động mạnh bạo hơn, như: mít-tinh diễn thuyết có cờ, băng, áp-phích, truyền đơn, bươm bướm. Tổ chức những cuộc hát đồng thanh và thao diễn. Tổ chức những cuộc triển lãm sách báo, tranh ảnh, võ khí,... c. Thực hiện tuyên truyền xung phong: Thành lập những đội "tán phát xung phong" võ trang đi phát thật nhiều tuyên ngôn Việt Minh về tình hình Nhật, Pháp bắn nhau và các thứ truyền đơn, bươm bướm hay sách báo. Đặc biệt chú trọng dán áp-phích cho nhiều và năng giới thiệu lá cờ Việt Minh với quốc dân. Thành lập các đội "tuyên truyền xung phong" võ trang công khai diễn thuyết các nơi. 2. Về tranh đấu : a. Khẩu hiệu tranh đấu: gắn khẩu hiệu đòi cơm áo, chống thu thóc, thu thuế với khẩu hiệu "Chính quyền cách mạng của nhân dân". b. Thuật vận động tranh đấu: Bám lấy nạn đói mà cổ động quần chúng lên đường tranh đấu (tổ chức những cuộc biểu tình đòi gạo, đòi ăn hay phá những kho gạo thóc của đế quốc). c. Hình thức tranh đấu: Chuyển qua những hình thức tranh đấu cao hơn: tổng biểu tình tuần hành, bãi công chính trị; mít-tinh công khai, bãi khóa; bãi thị; bất hợp tác với Nhật về mọi phương diện; chống thu thóc không nộp thuế. Huy động đội tự vệ tước võ khí của binh lính bại trận, đào ngũ, dao động mất tinh thần. Phát động du kích ở những nơi có địa hình, địa thế. d. Đề phòng Nhật đàn áp. Hai trường hợp: 1. Nếu Nhật về đàn áp, bắt bớ ở một làng nào, thì huy động cả làng và các làng xung quanh nổi trống, mõ, ốc, tù và, bắn súng, làm sức thanh viện, xua đuổi chúng; đồng thời mai phục đánh tháo cho những người bị bắt. 2. Nếu Nhật đem quân đánh phá khu du kích thì đội quân du kích phải khéo dùng chiến thuật hóa chẵn thành lẻ, hóa lẻ thành chẵn, phối hợp với nhân dân đằng sau quân địch, đánh phá, nhiễu loạn, làm cho chúng phải rút lui. 3. Về tổ chức: a. Mở rộng cơ sở Việt Minh: - Thành lập những ban "tổ chức xung phong" đi gây cơ sở cứu quốc ở những nơi chưa có phong trào. - Dùng những hình thức tổ chức đơn sơ như bảo an, nhân dân tự vệ đội, nghĩa dũng đoàn, vũ dũng đoàn, ủy ban hàng xã, ủy ban trật tự nhà máy, v.v., rồi do những hình thức ấy gây ra cơ sở cứu quốc nhanh chóng. - Đặc biệt chú ý phát triển các đội tự vệ cứu quốc và thanh niên cứu quốc. b. Tổ chức quân sự: - Tổ chức thêm nhiều bộ đội du kích và tiểu tổ du kích. - Thành lập những căn cứ địa mới. - Thống nhất các chiến khu và thành lập "Việt Nam cứu quốc quân". - Tổ chức "Ủy ban quân sự cách mạng" (tức Ủy ban khởi nghĩa) để thống nhất chỉ huy du kích các chiến khu. c. Tổ chức chính quyền: - Thành lập Ủy ban dân tộc giải phóng ở các nhà máy, mỏ, làng, ấp, đường, phố, trại lính, trường học, công tư sở, v.v. Những ủy ban này vừa có tính chất Mặt trận dân tộc thống nhất chống Nhật rộng rãi, vừa có ý nghĩa "tiền chính phủ" của đồng bào trong các xí nghiệp, các làng, v.v. - Thành lập "Ủy ban nhân dân cách mạng" và "Ủy ban công nhân cách mạng" ở những vùng quân du kích hoạt động. - Thành lập "Ủy ban nhân dân cách mạng Việt Nam" theo hình thức một Chính phủ lâm thời cách mạng Việt Nam. 4. Về huấn luyện: Chú ý hai điều: a. Đề phòng phong trào lan rộng mà kém ăn sâu, nên tổ chức đến đâu phải thực hành huấn luyện theo "Chương trình huấn luyện Việt Minh" đến đó. b. Các cuộc tuyên truyền và tranh đấu đều có tính chất quân sự hóa, nên việc huấn luyện quân sự cho cán bộ các cấp và đội trưởng các đội tự vệ là rất cần. (*) Trích Chỉ thị của Ban Thường vụ Trung ương Đảng, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 7, NXB Chính trị Quốc gia, Tr.369 - 371. Đầu đề là của Báo Nhân Dân.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?article=180683&sub=130&top=37