Nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định bảo vệ nền độc lập non trẻ

Dân tộc Việt Nam yêu hòa bình, nhưng lại là nạn nhân của nhiều cuộc chiến tranh. Và dân tộc Việt Nam chấp nhận đương đầu với bất kỳ thế lực thù địch nào âm mưu cướp nước ta, sẵn sàng cầm súng để bảo vệ độc lập và chủ quyền Tổ quốc. Tinh thần ấy tỏa sáng khi nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định đứng lên kháng chiến bảo vệ nền độc lập non trẻ...

PGS, TS Phan Xuân Biên, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh chia sẻ rằng, khi còn hoạt động ở Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã khẳng định: Nước Việt Nam là một khối thống nhất, có chung một dân tộc, chung một dòng máu, chung một phong tục, chung một lịch sử, chung một tiếng nói. Cho nên trong những ngày Cách mạng Tháng Tám năm 1945, dù ở xa Trung ương nhưng với sự lãnh đạo của Xứ ủy Nam Kỳ, hàng triệu người dân Sài Gòn đã vùng lên giành chính quyền, góp phần vào thắng lợi toàn vẹn trên phạm vi cả nước. Với thắng lợi vĩ đại đó, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, khắc ghi sự mở đầu kỷ nguyên độc lập. Trải qua những ngày máu lửa của cuộc kháng chiến bảo vệ nền độc lập non trẻ, 38 cán bộ đã hy sinh trong ngày bảo vệ bầu cử tại Sài Gòn nhưng đã có 40 nghìn người dân Sài Gòn cùng cả nước đã đi bỏ phiếu bầu Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam mới, biểu thị ý chí thống nhất - PGS, TS Phan Xuân Biên nói.

Nhưng chỉ mới được vỏn vẹn 28 ngày đêm sống trong độc lập, ngày 23-9-1945, được sự ủng hộ của quân Anh, thực dân Pháp trở lại tái xâm lược nước ta. Chúng lập ra “Nam Kỳ tự trị quốc” với một chính phủ bù nhìn hòng tấn công vào ý chí thống nhất non sông của dân tộc ta. Nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định nổ phát súng đầu tiên vào quân xâm lược, thề giữ vững độc lập dân tộc, thống nhất non sông mà nhân dân ta trải qua gần thế kỷ mới giành lại được trong cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại. Ba ngày sau, 26-9-1945, Bác Hồ đã gửi thư tới đồng bào Nam Bộ, biểu dương ý chí quật cường và phát động cả nước hướng về Nam Bộ kháng chiến.

Theo Thiếu tướng Võ Minh Lương, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu 7, ngay sau ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, từ những chiến sĩ vệ quốc đoàn đến sự hình thành các chi đội, trung đoàn, liên trung đoàn và các trung đoàn chủ lực; từ những nhóm công nhân, nông dân với vũ khí tự tạo đến việc hình thành lực lượng vũ trang ba thứ quân, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang đều có sự phối hợp nhịp nhàng với quần chúng nhân dân bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền cách mạng, trấn áp lực lượng phản cách mạng, diệt ác, trừ gian, hỗ trợ phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân... Rồi khi thực dân Pháp nổ súng tái đánh chiếm Sài Gòn, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang Quân khu 7 cùng với công an và toàn thể nhân dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định đã nhất tề đứng lên kháng chiến với tinh thần và ý chí “độc lập hay là chết”. Chỉ trong vòng một tuần lễ, sau khi lời kêu gọi của Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ phát ra, quân và dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định đã nhanh chóng bước vào cuộc chiến đấu đầy tự tin và quyết liệt. Hành động nêu trên đã giáng một đòn phủ đầu vào dã tâm xâm lược của thực dân Pháp; làm xáo trộn Kế hoạch chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” của địch; tạo ra khoảng thời gian quý báu để nhân dân cả nước chuẩn bị lực lượng kháng chiến lâu dài.

Trung tá, TS Đỗ Văn Dũng (Viện Lịch sử Công an nhân dân) chia sẻ, đoán trước cuộc chiến tranh xâm lược của Pháp sắp lan rộng ra cả nước, ngày 5-11-1946, Bác Hồ soạn thảo chỉ thị “Công việc khẩn cấp bây giờ”, xác định rõ công việc cấp bách là “làm khí giới”. Khi ấy, chiến trường Nam Bộ ở xa, địch ra sức phong tỏa đường biển và đường bộ, các biện pháp cướp súng địch gặp khó khăn, khả năng mua vũ khí không thực hiện được vì thiếu tài chính… nên việc trang bị vũ khí cho lực lượng vũ trang là rất cấp thiết. Vì vậy, lực lượng công an đã dùng vỏ đạn cũ làm hạt nổ, đúc đầu đạn và nhồi thuốc nổ vào. Từ làm lại đạn cũ, với những phương tiện thô sơ gồm một máy tiện, một máy khoan tay và một lò rèn, lực lượng công an đã chế tạo được súng ngắn CA9. Những khẩu súng ngắn đầu tiên cung cấp ngay cho Công an Sài Gòn - Chợ Lớn đã khích lệ được tinh thần chiến đấu của các chiến sĩ trong công tác trừ gian, diệt địch. Khi Công an xưởng Gia Định được thành lập tại chiến khu An Phú Đông và Công an xưởng Sài Gòn - Chợ Lớn được thành lập tại Bến Kè - Thủ Thừa, thiết bị ban đầu chỉ có một máy tiện, hai đe con nhím, một số ê-tô, một bàn ép, một bàn cán đồng với 35 nhân viên. Thời gian đầu xưởng chỉ làm nhiệm vụ sửa chữa súng, nạp thuốc súng, làm lại đạn… nên mỗi tháng sản xuất được khoảng 500 đến 600 viên đạn súng trường, súng ngắn. Do thiếu nguyên liệu đồng, họ kêu gọi và được nhân dân nhiệt tình hiến các loại vật dụng bằng đồng; có gia đình ủng hộ cả bộ lư hương tạo điều kiện cho công an xưởng sản xuất vũ khí… Đến năm 1949, Công an xưởng mỗi tháng sản xuất được 10 đến 12 súng rồi sau đó, ở Nam Bộ đã thành lập được 58 xưởng (gồm công an xưởng, binh công xưởng, dân quân xưởng) cùng nhiều công trường, tổ sản xuất vũ khí, với khoảng 9.000 cán bộ và công nhân.

Trong hồi ức của mình, đồng chí Ngô Thị Huệ (80 năm tuổi Đảng, phu nhân Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh) nhắc nhớ về công tác dân vận của Đảng bộ thành phố còn non trẻ: “Tháng 4-1947, tôi nhận giấy triệu tập về dự Hội nghị cán bộ Thành ủy (mở rộng) nhưng thực chất có nhiệm vụ và quyền hạn như Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố. Lúc này anh Ba Lê Duẩn là Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ chủ trì hội nghị. Anh Ba rất chăm chú lắng nghe các đồng chí trẻ phát biểu ý kiến, tâm tư tình cảm của các tầng lớp lương giáo, người Kinh cũng như người Hoa. Ấn tượng nhất với tôi là việc anh Ba nhiều lần nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải gắn bó với nhân dân, phải sâu sát với công nhân, lớp nghèo thành thị, nông dân, tiểu thương tiểu chủ, trí thức và cả đối tượng tôn giáo, người Hoa. Anh dặn phải đấu tranh cho dân chủ dân sinh, binh vực quyền lợi của dân và nâng cao giác ngộ chính trị, dẫn dắt quần chúng tham gia kháng chiến”.

Những ngày đầu kháng chiến, lực lượng tự vệ chia thành hai bộ phận: một bộ phận bảo vệ các cơ quan đoàn thể, bảo vệ cán bộ lãnh đạo của Đảng và chính quyền rút về Chợ Đệm; một bộ phận ở lại nội thành trực tiếp chiến đấu tiêu diệt địch trong thành phố, ngăn cản bước tiến của chúng, bắt trừng trị bọn Việt gian do thám, chỉ điểm nguy hiểm, nắm tình hình địch phục vụ cấp ủy chỉ đạo kịp thời. Bộ phận rút về Chợ Đệm đã tập hợp cán bộ, chiến sĩ, các lực lượng thanh niên tiền phong… xây dựng thành tổ chức vũ trang có tên gọi ban đầu là “Bộ đội Chợ Đệm”. “Bộ đội Chợ Đệm” có nhiệm vụ hoạt động vũ trang bảo vệ vùng Chợ Đệm, nơi trú đóng của Ủy ban Kháng chiến - Hành chính Sài Gòn - Chợ Lớn, bảo vệ cơ quan, cán bộ lãnh đạo của Đảng, bảo vệ căn cứ, chặn đánh các cuộc hành quân càn quét của địch. Sau lễ xuất quân ngày 10-10-1945, “Bộ đội Chợ Đệm” được tổ chức thành năm đại đội và bắt tay vào việc săn tìm vũ khí, tập luyện quân sự, bố phòng trận địa. Để tạo thuận lợi cho việc tác chiến, “Bộ đội Chợ Đệm” vận động người già, trẻ em tản cư, số ở lại được giáo dục ý thức bảo vệ căn cứ, cảnh giác với các hoạt động do thám của địch, vận động quần chúng phá đường, đào đắp công sự, xây dựng ổ chiến đấu…

Đồng chí Ngô Thị Huệ kể tiếp: “Hội nghị Thành ủy năm ấy đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố gồm 15 ủy viên (hai dự khuyết), do anh Mười Cúc (Nguyễn Văn Linh) làm Bí thư. Tôi cũng được bầu vào cấp ủy trong kỳ họp này. Anh Ba Duẩn, anh Mười Cúc đã để lại cho chúng tôi nhiều kỷ niệm sâu sắc cùng nhiều bài học về đường lối, chính sách, về tổ chức lãnh đạo cuộc kháng chiến. Từ công việc, tình yêu cũng từ đó mà phát triển mỗi lúc càng đậm đà giữa tôi và anh Mười Cúc. Sau đó, anh Lê Văn Sỹ, đại diện Xứ ủy Nam Kỳ đã làm chủ hôn cho chúng tôi. Về làm vợ anh Mười Cúc, thấy anh thường khóc khi kể về hoàn cảnh côi cút, tôi cũng không cầm được nước mắt. Tôi có hỏi anh “Nghe nói là người cộng sản thì không được khóc phải không?”. Anh nói dân tộc Việt Nam yêu hòa bình, nhưng lại là nạn nhân của nhiều cuộc chiến tranh. Và dân tộc Việt Nam chấp nhận đương đầu với bất kỳ thế lực thù địch nào âm mưu cướp nước ta, sẵn sàng cầm súng để bảo vệ độc lập và chủ quyền Tổ quốc. Thế nên người cộng sản phải biết lúc nào cần lau nước mắt và đứng lên chiến đấu!”.

DƯƠNG MINH ANH

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.org.vn/chinhtri/tin-tuc-su-kien/item/27285602-nhan-dan-sai-gon-cho-lon-gia-dinh-bao-ve-nen-doc-lap-non-tre.html