Nhai dầu mè chữa bệnh nan y?

Gần đây, chị em thường “rỉ tai” nhau về liệu pháp nhai dầu mè (LPND). Tập tài liệu 22 trang về vấn đề này được photo và chuyền tay nhau. Họ cho rằng cách này sẽ trị được bá bệnh từ da liễu, đau nhức cơ thể đến tiêu hóa, tim mạch, trĩ, thấp khớp, tim...

Dầu mè trị bá bệnh! Trong số 22 trang của tập tài liệu, chỉ có 2 trang rưỡi là giới thiệu về LPND và việc chỉ cần nhai một muỗng dầu mè trong 15 phút khi đói là chữa được bệnh. Phần còn lại là lời của những bệnh nhân đã chữa hết bệnh nhờ LPND. Theo tài liệu thì việc nhai kỹ dầu với nước bọt kích hoạt các enzyme và các enzyme này sẽ hút các độc tố ra khỏi máu. Việc nhai dầu liên tục có tác dụng kích thích tuyến giáp (trung tâm của miễn nhiễm) và tuyến nước bọt. Các bệnh chữa được rất nhiều gồm: Viêm cuống phổi, lang ben, ngứa thẹo, táo bón, thấp khớp, đau khớp, nghẽn mạch máu tim, tiểu đường, trĩ, tê liệt, nhược cơ... Thuyết phục hơn cả là thông tin từ một bác sĩ đa khoa tên là S.Chandramoudi. Ông cho toa thuốc, bệnh nhân chỉ giảm bớt tạm thời, còn sử dụng LPND thì chỉ sau hai tháng, “hai trường hợp ung thư biểu bì chảy máu tử cung thuyên giảm nhiều. Còn trường hợp bướu ác tính to hơn quả bóng tennis mọc ở xương hàm, sau một tháng dùng LPND thì mủ chảy ra ngoài qua một lỗ trên xương hàm. Sau ba tuần hết mủ, bướu nhỏ lại". Ông bác sĩ hy vọng LPND sẽ chữa lành hoàn toàn cho họ (!?). Cũng nhờ LPND mà nhiều bệnh nhân khác cũng chữa khỏi các bệnh: Huyết áp cao, mất ngủ, ngáy, chảy máu lợi, hôi miệng,….Đáng nể hơn cả là có người nhai dầu hai ngày đã hết suyễn và viêm cuống phổi, không phải dùng bình oxy! Có hiệu nghiệm đến thế? Về việc công bố kết quả điều trị ung thư của bác sĩ S.Chandramoudi, GS. Nguyễn Chấn Hùng - Chủ tịch Hội Phòng Chống Ung thư TP HCM, có ý kiến: “Khi một bác sĩ muốn công bố kết quả điều trị thì phải thực hiện nghiên cứu cụ thể trên một số lượng lớn bệnh nhân, kèm theo các xét nghiệm trước và sau điều trị. Vài ca hết bệnh không thể nói lên hiệu quả trị liệu của một phương pháp.Theo tôi, ung thư có nhiều loại, mỗi loại tiến triển mỗi khác. Trường hợp ung thư vùng hàm xì mủ rồi hết, cho thấy không phải là ung thư mà là áp xe nhiễm trùng”. Người có nhiều kinh nghiệm trong dùng dầu mè chữa bệnh phải kể đến lương y Đinh Công Bảy - Hội Dược liệu TP.HCM. Ông cho biết: “Dùng dầu để chữa bệnh trầm kha mãn tính là sự cường điệu không có căn cứ. Dùng dầu mè để trị bệnh là hết…hơi! Điều cần nhớ, dầu mè không phải là thuốc”. Trong tài liệu có đoạn: “Việc nhai dầu liên tục có tác dụng kích thích tuyến giáp (trung tâm của miễn nhiễm)” - điều này được PGS-TS Nguyễn Hoài Nam, ĐH Y Dược TP.HCM cho rằng không chính xác: “Các hormone tuyến giáp chỉ có tác dụng trong sự tăng trưởng và duy trì hoạt động bình thường của cơ thể con người. Trong y văn chưa hề thấy nói tuyến giáp làm tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể. Trong khi đó, tài liệu còn cho rằng, nhai dầu làm chuyển hóa trong cơ thể được nhân lên và gia tăng sức khỏe. Theo tôi, việc nhai dầu mè chỉ giúp vận động các cơ nhai và cơ vùng mặt không hơn gì... nhai kẹo cao su”. Về điều trị nhược cơ và liệt chân thì PGS. TS. Nguyễn Hữu Công - Phó chủ nhiệm bộ môn Thần kinh – ĐH Y Khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM khẳng định: “Dầu mè tốt cho sức khỏe khi dùng để thay thế mỡ động vật trong ăn uống chứ không chữa bệnh về cơ và thần kinh”. Về nội dung cho rằng dầu kích hoạt các enzyme và các enzyme này sẽ hút các độc tố ra khỏi máu, TS. Trần Thị Minh Hạnh - Trung tâm Dinh dưỡng TP.HCM nhấn mạnh: “Cho đến nay, chưa có bằng chứng khoa học chứng minh dầu kích hoạt enzyme, từ đó rút được độc tố ra khỏi máu. Tuy nhiên, nếu có niềm tin trong LPND thì hãy cứ thực hiện, nhất là các trường hợp thuần túy là vệ sinh như: làm trắng răng, chắc răng, thơm miệng.” Nói chung, LPND để trị bá bệnh chỉ là một trong những quan niệm chưa đúng, cũng giống như nhịn đói uống nước lạnh hay ăn gan và da cóc để chữa ung thư như dư luận gần đây xôn xao. Tất cả vừa không có cơ sở khoa học vừa nguy hiểm đến tính mạng. Nguồn: Báo Phụ nữ TP.HCM

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://bee.net.vn/channel/1992/2009/07/1712082/