Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng: Bắc Ninh, quê hương tôi

(Dân Việt) - Nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, xin trân trọng giới thiệu bài viết còn ít được biết đến mang tiêu đề "Bắc Ninh, quê hương tôi" nằm trong số các di cảo của nhà văn.

LTS: Nhà văn Nguyễn Huy Tưởng sinh ngày 6.5.1912 ở làng Dục Tú, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh (sau này mới thuộc huyện Đông Anh, Hà Nội). Ông mất năm 1960, giữa lúc tài năng đang đạt đến độ chín, để lại một sự nghiệp còn nhiều dang dở.

Trong số các di cảo của ông để lại, có một tập bản thảo đánh máy, mang tiêu đề “BẮC NINH, QUÊ HƯƠNG TÔI”, và ghi thể loại là tùy bút. Thời điểm ra đời bài viết là vào tháng 5.1956, khi miền Bắc đang hàn gắn những vết thương chiến tranh và đẩy mạnh kiến thiết trên bước đường xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, xin trân trọng giới thiệu bài viết còn ít được biết đến này của ông.

Từ trái qua: Nguyễn Đình Thi, Huy Cận, Nguyễn Đỗ Cung, Xuân Diệu, Nguyễn Huy Tưởng – 5 văn nghệ sĩ là Đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa I, Việt Bắc, tháng 12.1953.

***

Đã mười năm nay, tôi mới trở lại nơi chôn rau cắt rốn. Những tên cũ âm vang trong trí nhớ. Lim, quê hương của quan họ. Làng Bưu, làng Me, làng Ngọt với tên những ông trạng lừng danh đã làm bồng bột trí tưởng tượng của tôi hồi nhỏ. Đức thánh Gióng, người anh hùng đầu tiên trong lịch sử, mà vó ngựa sắt còn in lại trên những cánh đồng khô của Phúc Yên lân cận. Tai tôi văng vẳng tiếng ngâm thơ đọc sách, tiếng trống chèo ngày hội thuở xưa, tiếp liền với những tiếng hát cất lên, lúc này, từ những ruộng lúa chiêm màu mỡ bên đường. Ôi tiếng hát Bắc Ninh nó đã thấm vào tôi từ khi còn bú mẹ, làm cho tôi say sưa trong cái tuổi lớn lên, đã theo tôi trên khắp nẻo đường, gắn bó như lời hẹn ước. Một buổi chiều kháng chiến, giữa rừng sâu Việt Bắc, tiếng hát ấy bỗng âm vang, và lòng tôi nhẹ lâng lâng, quên hết những điều gian khổ. Trên đường hành quân với pháo binh ra tiền tuyến trong chiến dịch Biên giới, tiếng hát ấy cất lên, đơn vị hát theo, và pháo băng băng lên dốc…

Ngót mười năm nay, tôi không được trông thấy Bắc Ninh. Nam phần… rồi Bắc phần lần lượt bị chiếm đóng. Vành đai trắng của giặc hòng thắt chặt Bắc Ninh như một miếng thịt bị cắt đứt khỏi toàn thân của Tổ quốc.

Ở Việt Bắc, đã bao nhiêu lần, lòng tôi thắt lại, khi nghe tin những làng Vân, làng Cuội, những chợ Chờ, chợ Núi bị đốt phá, những người họ hàng làng nước bị đâm chém, những người con gái Nội Duệ, cầu Lim hay hát, hay cười bị chúng nó làm ô nhục. Đã bao lần tôi mím môi căm giận giặc và ngẩn ngơ tiếc những chùa Dặn, những Bạch Môn, pho tượng tinh vi của chùa Phật Tích, tám cái kiệu lộng lẫy của đền Lý Bát Đế, biết bao những công trình kiến trúc, điêu khắc, phản ánh đến cao độ tâm hồn phong phú và tài trí thông minh của dân tộc Việt Nam.

Người Bắc Ninh tự hào với những công trình tuyệt mỹ ấy đã chăm sóc, bảo vệ nó, chung một mối tình gắn bó, sâu sắc như đối với ruộng nương, con cái, tính mạng mình. Những ngày Bắc phần chưa lọt vào tay giặc, bà con nông dân từ người già đến người trẻ đã chăm chút, giữ gìn một cách kính cẩn, cái bia, từng viên gạch của chùa Bạch Môn yêu quý. Những di tích quý báu ấy, quân giặc đã san bằng, tìm đâu ra dấu vết, vĩnh viễn mất rồi. Tôi không muốn tin, tôi muốn những công trình muôn thuở ấy vẫn còn. Nhưng sự thật là thế, một sự thật muôn đời kết án cái tội ác của quân giặc đối với dân tộc Việt Nam, đối với kho tàng văn hóa của nhân loại…

Miếng đất tươi đẹp này đã trải qua bao nhiêu cuộc xâm lăng, nhưng người dân đứng vững. Người vừa qua cuộc thử thách cuối cùng và đã lớn lên hơn bao giờ hết. Từ nay Bắc Ninh vĩnh viễn là của ta, để ta xây dựng, để ta làm cho đẹp sang hơn xưa. Chào quê hương yêu quý. Những vết thương chưa hàn gắn hết. Những công trình kiến trúc bị giặc phá tan tành chưa khôi phục được. Những lô cốt bẩn thỉu, những dây thép gai khiêu khích, còn chưa dỡ hết. Nhưng cuộc sống đã lên rồi. Tôi đứng bên cầu Đuống. Nắng vàng rực rỡ, lúa chiêm đã gần chín… Những đống nứa ngất ngưởng trên bờ đê. Những bè gỗ từ miền ngược chở về từ từ trôi trên dòng nước đục ngầu. Một chiếc ca nô rẽ sóng đi nhanh, phấp phới lá cờ nước đỏ rực. Bên trái tôi, làng Vân, làng Cói, kề sát con đường rải nhựa, và xa nữa, làng Dục Tú của tôi, xanh rì lũy tre. Những đoàn xe ô tô từ Thái Nguyên về, từ thị xã Bắc Ninh xuống. Tiếng còi xe lửa vang lừng, ầm ầm qua cầu, những người công nhân đường sắt đang sửa đường dựng búa đứng nhìn, khe khẽ gật đầu, chào cái vinh quang của lao động. Một đoàn nữ sinh Hà Nội, đi tham gia ngày kiến thiết tóc uốn tung bay, mắt long lanh, đạp xe vun vút, đèo trên xe những chổi, những xẻng, bên những cái nón đu đưa. Xe ô tô của Bộ Văn hóa bon bon trên đê về làng Phù Đổng để tham gia ngày Hội Gióng.

Mấy chị phụ nữ Bắc Ninh đặt gánh bên đường, gạt mồ hôi trên trán, nở nụ cười xinh, mắt đen tình tứ cùng cười. Họ chỉ một đoàn trâu từ Việt Bắc đi về…

Tôi đi trên con đường nhựa sạch. Những dây thép mới mắc bên đường kêu vo vo. Yên Viên, Từ Sơn, làng Đình Bảng trù phú khi xưa nay chỉ còn là một dãy nhà gianh lụp xụp. Không phải vài ngày làm xong ngay công việc khôi phục. Còn phải cố gắng nhiều. Nhưng niềm vui và tin tưởng tỏa ra từ mô đất, từ ngọn lúa, từ viên gạch, từ mỗi con người. Bắc Ninh đang sống lại, đang lớn lên với một sức sống dạt dào…

Tháng 5.1956

(Tùy bút; trích) Nguyễn Huy Tưởng

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/86162p1c29/nha-van-nguyen-huy-tuong-bac-ninh-que-huong-toi.htm