Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp: Nhà văn phải biết chữ lễ…

Đây là phần còn lại của cuộc trò chuyện với nhà văn Nguyễn Huy Thiệp mà tôi đã thực hiện ngày 20/7/2010 ở trước cửa quán cà phê Nhân trên phố Hàng Hành, Hà Nội. Tôi đã định "để dành" cho một dịp khác mới công bố. Thế nhưng, sau khi dự phiên họp nội bộ của Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ VIII, đọc lại những ghi chép cũ, tôi bỗng cảm thấy rất cần chia sẻ với bạn đọc của Chuyên đề ANTG GT những suy tư tiếp theo của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp.

>>Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp: Còn mong gì hơn nữa?! Dù chúng tôi ngồi với nhau trước ngày họp Đại hội Nhà văn tới gần nửa tháng nhưng rõ ràng là anh Nguyễn Huy Thiệp đã hiểu được rõ những vấn đề có thể diễn ra. Thảo nào trong những ngày Đại hội, tôi chỉ thấy nhà văn Nguyễn Huy Thiệp trong hội trường lúc nào cũng ngồi rất lặng lẽ, khiêm nhường, quan sát mọi sự diễn ra… Hồng Thanh Quang: Anh cũng giao lưu với nhiều bạn bè trong văn nghệ sĩ, với nhiều kiểu người khác nhau. Trong những người bạn của anh cũng có những người quen của tôi mà tôi rất muốn hiểu rõ hơn. Ví dụ như Đồng Đức Bốn. Bây giờ chàng thi sĩ này đã qua đời rồi, anh nhìn nhận thế nào về anh ấy? Về thơ, về cá tính anh Bốn, về con người của anh Bốn? Nguyễn Huy Thiệp: Ở trong đời một người bình thường cũng vậy mà một người làm văn chương cũng vậy, phải có vài ba người bạn tri kỷ. Vì sống ở đời, anh đi làm, anh gặp rất nhiều người, gặp hàng vạn người trên đời, với các cô gái thì cũng có thể gặp người nọ, người kia nhưng gặp được người tri âm tri kỷ thì ít, cùng lắm chỉ vài ba người. Cũng may trong cuộc đời tôi cũng có được một số người bạn tri âm tri kỷ để mình chia sẻ và nếu có thể giúp nhau được gì thì làm... Gọi là giúp nhau thì cũng chỉ trong một số việc thôi chứ ở trên đời này danh tiếng của anh, lợi lộc của anh, đấy là tự anh xây dựng thôi, chẳng ai giúp được đâu… Hồng Thanh Quang: Chúng ta chỉ có thể hỗ trợ nhau phần nào thôi, còn phải tự mình là chủ yếu. Nguyễn Huy Thiệp: Nó có sự chia sẻ và một phần gì đấy là hỗ trợ nhau được một chút. Bản thân Đồng Đức Bốn cũng là một tài năng, nhưng nếu anh không gặp tôi thì anh cũng sẽ có cách thể hiện khác nhưng anh sẽ vất vả hơn… Gặp tôi thì anh xác định được một cách rõ ràng hơn… Hồng Thanh Quang: Ý anh là nhờ gặp anh nên anh Bốn xác định rõ ràng hơn về con đường thơ của anh Bốn? Anh gặp anh Bốn lần đầu vào năm nào? Nguyễn Huy Thiệp: Tôi gặp Đồng Đức Bốn lúc tôi cũng bắt đầu nổi tiếng rồi, khoảng độ năm 1989 -1990. Lúc đó ông Bốn rất là hoang mang, ông ấy vẫn còn đang đuổi theo mấy ông làm thơ tự do như Phạm Tiến Duật, Bằng Việt, Lưu Quang Vũ,... Ông ấy không nhận ra thế mạnh... Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp và nhà thơ Hồng Thanh Quang. Hồng Thanh Quang: Lục bát của anh ấy? Nguyễn Huy Thiệp: Thế mạnh của ông ấy là lục bát, nhưng ông ấy lại không chuyên tâm lắm. Nhưng đến khi gặp tôi là tôi xác định rằng ông ấy chỉ làm được thơ lục bát thôi, những thể thơ khác, thể theo tự do, nó cần phải nhiều chữ nghĩa, nó cần phải nhiều học vấn, nhiều trí tuệ hơn thì mới có thể làm được... Còn lục bát nó là thể thơ mà tôi nghĩ đấy là thế mạnh nhất của ông Bốn, vì ông Bốn ông ấy vẫn là người quê kiểng, vẫn là người ít học, vẫn là người... Hồng Thanh Quang: Bản năng thi sĩ… Nguyễn Huy Thiệp: Đúng rồi, đấy là một. Với thứ hai nữa, ông Bốn lúc đó ông ấy nghĩ, ông ấy tưởng là cái lợi danh, danh tiếng, lợi lộc mà ông ấy có thể kiếm chác được là ở thành phố, là ở Hà Nội. Nhưng tôi chỉ cho ông ấy rằng, ông khác tôi và khác với những người khác. Ví dụ, quê cha đất tổ của tôi ở Hà Nội, tôi có một miếng đất nọ kia ở đây, kiểu gì tôi vẫn có thể tồn tại được ở Hà Nội, nhưng ông ấy lang bạt kỳ hồ, ông ấy lên Hà Nội thì ông rất khó kiếm, nếu ông có thể kiếm được lợi danh ở Hà Nội thì hoặc ông rất ghê gớm, nhất là trong lúc đó nó là thời gian... Hồng Thanh Quang: Nhiều biến đổi…. Nguyễn Huy Thiệp: Xã hội của mình lúc đó chưa được ổn định và nó cũng không phải như bây giờ. Thời gian lúc đó mới mở cửa và bây giờ ngẫm lại, những người thành công ở trong giai đoạn đấy, thì một là những người có bệ đỡ rất vững chắc, ví dụ được giáo dục tốt, phải có một tài sản ổn định… Hồng Thanh Quang: Cả vật chất và tinh thần ổn định… Nguyễn Huy Thiệp: Đường tiến lên của họ tương đối mạch lạc. Còn lớp người thứ hai thành đạt trong giai đoạn đó phải là một đám cơ hội rất kinh khủng, cơ hội kinh khủng thì cũng thành công… Gần ông Bốn, hai anh em trò chuyện với nhau, tôi vẫn nói đùa: Tôi khuyên bác cũng vì thương bác/ Hãy trở về với mẹ ta thôi. Cứ nhè lục bát mà chơi/ Biết đâu rồi cũng nên đời như ai (cười). Tôi bảo, ông cũng phải quay lại với cái mạnh nhất của ông, ông đừng bỏ nó… Hồi ấy ông Bốn ông ấy còn định bỏ vợ, bỏ con. Tôi nói: Không được, ông phải về với vợ, với con chứ. Bây giờ ông là một tay có tuổi rồi, ông lên thành phố ông ấy một cô vợ khác… Hồng Thanh Quang: Thì lại cầu bơ cầu bất thôi… Nguyễn Huy Thiệp: Tôi nói, ông phải trở về với gia đình, ông phải trở về với Hải Phòng, ông trở về với thơ lục bát. Và quả nhiên 10 năm sau đấy thì... Hồng Thanh Quang: Thành công! Nguyễn Huy Thiệp: Rất thành công! Nói một cách thẳng thắn, Đồng Đức Bốn “được” dù anh ấy có lúc nghèo, bặm trợn v.v... nhưng “mâm cơm không sạch không ăn, chiếu trải không thẳng không ngồi...”. Hồng Thanh Quang: Với ai thì tôi không biết, nhưng với tôi anh Bốn lúc nào cũng đối xử rất chân tình... Nguyễn Huy Thiệp: Cũng còn nhiều trường hợp khác. Ví dụ như ông Nguyễn Bảo Sinh. Tôi quen biết Bảo Sinh khoảng 20 năm nay, lúc đó tôi cũng nổi tiếng. Khi mà tôi giới thiệu ông Bảo Sinh trên ANTG CT...

Nguồn CAND: http://antgct.cand.com.vn/vi-vn/nhanvat/2010/8/54178.cand