Nhà văn Nguyễn Đình Tú và tiểu thuyết “Kín”

(PL&XH) - Điều khiến tôi ấn tượng với “Kín” chính là những nhân vật tạo nên vòng xoáy đưa độc giả đi từ phần đầu đến đoạn kết trong những tâm trạng, từ ngột ngạt đến nhẹ nhõm, từ cao thượng đến thấp hèn và từ sự trong sáng thánh thiện đến trĩu nặng.

Nguyễn Đình Tú (SN 1974), là nhà văn quân đội. Anh được biết đến nhiều qua những cuốn tiểu thuyết mang đậm thông điệp dành cho những người trẻ với những hoang hoải, lạc loài, bâng khuâng đi tìm cái tôi thời đại. "Kín" là cuốn tiểu thuyết mới của anh, "đặc quánh" những góc nhìn xã hội… Điều khiến tôi ấn tượng với “Kín” chính là những nhân vật tạo nên vòng xoáy đưa độc giả đi từ phần đầu đến đoạn kết trong những tâm trạng, từ ngột ngạt đến nhẹ nhõm, từ cao thượng đến thấp hèn và từ sự trong sáng thánh thiện đến trĩu nặng. Khoảng cách của những cảm xúc ấy rất đỗi mong manh trong cuốn tiểu thuyết này. Nguyễn Đình Tú chia sẻ: "Một lớp trẻ kế thừa những giá trị văn hóa lịch sử cả ngàn năm của ông cha đang loay hoay với hiện tại ra sao? Đó là câu hỏi đầu tiên thôi thúc tôi cầm bút viết lên “Kín”. “Kín” phải được viết như thế nào để không giống ai và không giống tôi trước đó?”. Hầu hết những nhân vật trong tiểu thuyết của Tú đều có cuộc sống không yên ổn về mặt tinh thần dù họ còn rất trẻ. Nhà phê bình Nguyễn Thị Minh Thái thở dài xót xa trước những nhân vật trong "Kín" khi họ bị đẩy ra hoặc tự mình vẫy vùng khỏi gia đình chật hẹp, hoặc mê man đi theo tiếng gọi bạn bè hay tình ái, với những ham muốn bất chợt, bất thường… Kiểu nhân vật bụi đời trở đi trở lại trong những tác phẩm của Nguyễn Đình Tú. Đến “Kín” kiểu nhân vật này được nâng lên một lớp mã hóa mới với hẳn một nhân vật có danh xưng Bụi đời chúa. Nhà văn Nguyễn Đình Tú Nguyễn Đình Tú viết về sex rất táo bạo mặc dù điều này đã khiến anh gặp không ít những phản ứng từ phía bạn đọc. Trong một phỏng vấn mới đây khi được hỏi về sex, nhà văn Nguyễn Đình Tú đã tỏ ra rất kiệm lời: “Thời gian qua, tôi đã phải trả lời rất nhiều những câu hỏi liên quan đến sex trong tác phẩm của mình. Ở đây tôi chỉ xin trả lời một cách ngắn gọn như thế này: Chỉ khi nào sex không tồn tại trong đời sống thì nó sẽ không còn được đề cập trong tiểu thuyết của tôi nữa". Một câu hỏi đặt ra: Tại sao Nguyễn Đình Tú lại "loay hoay" với một giới trẻ hoang hoải, lạc loài, hoài nghi và vỡ mộng trong tiểu thuyết của mình? Anh đã lí giải về những nhân vật trẻ tuổi như thế này: "Hoang hoải, lạc loài, hoài nghi và vỡ mộng chỉ là những trạng huống tinh thần của con người chứ không phải một khúc cắt rời của hiện trạng xã hội. Ở một phương diện nào đó, hoài nghi và vỡ mộng không phải không có ý nghĩa tích cực trong cuộc sống đối với mỗi con người. Văn học nói về cái mất mát để giữ gìn, nói về nước mắt để hạnh phúc, nói về khiếm khuyết để hoàn thiện". Bìa sách "Kín" Lại có ý kiến cho rằng đến tiểu thuyết “Kín”, Nguyễn Đình Tú đã mê mải với việc "chơi cấu trúc" và ba tuyến truyện song song chảy tràn trong tiểu thuyết của anh là một sự khéo "sắp đặt". Nhưng nhà văn Nguyễn Bình Phương thì nghĩ khác, anh nói: "Kĩ thuật viết trong “Kín” được chú trọng, đó gần như một thế trận, một sự sắp đặt, một bày vẽ công phu. Mà xét cho cùng thì nghệ thuật tiểu thuyết là sắp đặt, bày vẽ". “Kín” hấp dẫn nhưng không phải là cuốn sách dễ đọc, lại càng không phải là câu chuyện đọc xong sẽ có một cảm giác nhẹ nhõm, thơ thới. Lần đầu tiên một cây bút tiểu thuyết 7X đã đề cập đạo Mẫu như một đại diện kết tinh của văn hóa dân gian trong tác phẩm nhưng lại là một đạo Mẫu mang tính phản biện cho văn hóa sống của lớp trẻ hôm nay. Tính phiêu lưu kinh dị cũng được dụng công để người đọc không dễ dàng thoát ra khỏi những ám ảnh rợn ngợp của chi tiết. Những trang nhật ký như một ám hiện của nam phóng viên chết trẻ là những cảm xúc tinh khôi, thuần khiết, nhân văn nhưng thấm đẫm xa xót và phản tỉnh. Sẽ có nhiều người đặt câu hỏi: “Kín” là gì? Đó chính là những điều kín đáo, sâu kín không chỉ ở bản thể cá nhân mà còn ở bản thể dân tộc. “Kín” là những điều sâu kín trong tâm tư tình cảm của con người, của một cộng đồng người, thế thôi, không có gì ghê gớm cả. Nguyễn Đình Tú là một nhà văn có bạn đọc. Chính sự đón đợi của độc giả là động lực để anh không dừng sự viết của mình lại. Ba năm ba cuốn tiểu thuyết với các nhân vật nhảy múa, thét gào, đớn đau, hạnh phúc trong từ trường của đời sống đương đại, lôi kéo được cảm xúc của khá nhiều bạn đọc trong một thời gian dài, thiết nghĩ làm được như Nguyễn Đình Tú, cũng là hiếm… Thủy Anna

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/2010102908594271p1004c1031/nha-van-nguyen-dinh-tu-va-tieu-thuyet-kin.htm