Nhà thơ Anh Ngọc: Về hưu như một lần chuyển công tác

Tháng 9/1979, đang làm phóng viên Báo Quân đội nhân dân, nhà thơ Anh Ngọc được điều về Tạp chí Văn nghệ Quân đội và công tác ở đó cho đến khi nghỉ hưu. Ông xem về hưu như một lần chuyển đơn vị vì thực chất thì cho đến nay, tuy về hưu đã gần mười năm và đã bước sang tuổi bảy mươi, ông vẫn là người lính làm thơ và tôi tin một điều rằng, đến khi một trăm tuổi, hay một trăm linh ba tuổi như "Vị tướng già" (tên một bài thơ của Anh Ngọc) - người Anh Cả của QĐND Việt Nam vừa về cõi thì ông vẫn thanh thản nhẹ nhàng như một lần chuyển đơn vị.

Tôi và nhà thơ Anh Ngọc không có nhiều kỷ niệm chung, phần vì khác thế hệ, phần nữa ông chủ yếu sáng tác thơ, còn tôi theo mảng văn xuôi. Ngày tôi còn học ở Trường Viết văn Nguyễn Du, thỉnh thoảng sang "Nhà số 4" (trụ sở Tạp chí Văn nghệ Quân đội) chủ yếu tìm chơi với mấy anh văn xuôi, gặp ông có khi tôi... lỉnh, còn nếu không lỉnh thì chào nhanh rồi đi. Khổ thế đấy, làm anh lính dưới đơn vị lâu năm, gặp được ông Thượng tá Trung đoàn trưởng đã là khó, giờ đây ra Hà Nội, về Văn nghệ Quân đội chơi thấy toàn Đại tá vượt trần, hưởng lương tướng, nào Chu Lai, Vương Trọng, Anh Ngọc, Hồng Diệu, Lê Thành Nghị, Nguyễn Đức Mậu...

Không những là Đại tá kịch trần, họ còn là những nhà văn, nhà thơ mà ngày tôi còn ở đơn vị hay làm học viên ở trường Lục quân, mỗi khi họ đến giao lưu nói chuyện thì cả nghìn quân lặng phăng phắc, há hốc mồm ngồi nghe như nuốt từng lời. Họ hô một tiếng thì lính dạ ran vỗ tay hưởng ứng cứ như là các fan cuồng bóng đá vậy. Họ chính là thần tượng của bao thế hệ người lính.

Số phận đưa đẩy, ra trường tôi được điều động về Văn nghệ Quân đội, quân số thì thuộc Ban Lý luận phê bình nhưng kiêm thêm cái chức Trợ lý chính trị và việc làm đầu tiên ở Văn nghệ Quân đội của tôi là chuẩn bị thủ tục cho sáu nhà văn kể trên nghỉ hưu. Đây là một nhiệm vụ mà có lẽ là khó khăn, mất nhiều thời gian nhất trong cuộc đời gần hai mươi năm lính của tôi. Và chính thời gian này, tôi được gần gũi nhà thơ Anh Ngọc. Khác với nhiều người, nhà thơ Anh Ngọc điềm đạm và nhẹ nhàng đón nhận quyết định nghỉ hưu. Ông hỏi tôi tỉ mỉ từng chi tiết để khai vào hồ sơ, chuyển sinh hoạt Đảng, sinh hoạt đoàn thể. Chỉn chu, đầy đủ, nghiêm túc như thể những lần ông chuyển công tác trong đời của mình.

Năm 1964, vừa tốt nghiệp Khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, Anh Ngọc được điều về dạy học ở Trường trung cấp và Đại học Thương nghiệp. Đùng một cái có lệnh Tổng động viên, đang là giáo viên đứng lớp, ngày 6/9/1971, ông háo hức cùng bao sinh viên, học viên tài hoa, lãng mạn nhiều mộng mơ như Nguyễn Văn Thạc, Hoàng Nhuận Cầm... người thì bỏ bảng bỏ phấn, người thì bỏ bút bỏ nghiên lên đường ra mặt trận.

Giữa mùa xuân năm 1972, ông cùng đồng đội hành quân vào Quảng Trị. Đang là giáo viên bảng đen phấn trắng, quần là áo cổ cồn giữa chốn thanh bình, thoắt cái huấn luyện mấy tháng thành anh lính thông tin đóng quân giữa túi bom, hòn đạn nơi tọa độ lửa Quảng Trị năm 1972, vậy mà ông vẫn lãng mạn đứng bên bờ suối một mình say sưa hát những bản tình ca "Tây", nào là "Ngôi sao ban chiều", "Cây liễu", "Đôi bờ", "Cây thùy dương", "Xanta Luxia", "Trở về Xuriento"... Ông mê hát và hát đến mệt lả bên bờ suối một mình để đến nỗi trong một cuộc họp chi đoàn, ông bị một đồng đội "giác ngộ" hơn đã phê bình ông là hát nhạc vàng, nhạc tiểu tư sản, đồi trụy?!

Không chỉ dừng lại ở đó, đã mang tiếng là lãng mạn, tiểu tư sản thì phải xứng với cái tiếng ấy - chắc ông nghĩ vậy - nên ông đề đạt với cấp trên là muốn một mình đi giữa mùa xuân, chu du theo tuyến đường dây rải dọc theo đường 9 để xem bộ mặt chiến tranh nó như thế nào. Và ông đã gặp và nhìn tận mắt bộ mặt thật của chiến tranh, giữa một vùng lửa cháy bom rơi như thế, trên trời là máy bay OV 10 như con nhặng xanh bay vè vè, dưới đất là ngổn ngang lũ xe tăng, xe bọc thép 113, xe vận tải quân sự, các loại quân trang, quân dụng của địch nằm ngổn ngang trên bãi chiến trường.

Ở giữa chỉ mình người lính trẻ Anh Ngọc vừa đi vừa hát những bài tình ca Nga. Và bài thơ "Cây xấu hổ" ra đời trong hoàn cảnh ấy. Nếu có một cuộc bình chọn những câu thơ hay, lãng mạn và đẹp nhất trong chiến tranh, thể nào tôi cũng bỏ một phiếu cho Anh Ngọc: "Người qua rồi bóng dáng cứ theo sau/ Anh lính trẻ bỗng quay đầu tủm tỉm / Cây đã hé những mắt tròn chúm chím/ Đang thập thò nghịch ngợm nhìn theo".

Mùa xuân ở Quảng Trị năm 1972 ấy, ngoài bài thơ "Cây xấu hổ", ông còn sáng tác cả một chùm thơ để gửi dự thi và đoạt giải Nhì cuộc thi thơ Tuần Báo Văn nghệ năm 1973. Phải chăng cũng từ chùm thơ và giải thưởng đó mà tháng 9 năm 1979, đang làm phóng viên Báo Quân đội nhân dân, ông được điều về Tạp chí Văn nghệ Quân đội để cho nhà văn Nguyễn Khải phải thốt lên trong buổi ông ra mắt Tạp chí là: "Già rồi hay nói nhịu, Văn nghệ Quân đội thì lại nói thành Văn đội quân nghệ". Quả là thời đó, người xứ Nghệ ở Văn nghệ Quân đội khá đông, lại toàn những người tên tuổi như Nguyễn Minh Châu, Xuân Thiều, Nam Hà, Hải Hồ, Nguyễn Trọng Oánh, Phạm Ngọc Cảnh, Vương Trọng, Anh Ngọc, Lê. Thành Nghị...

Và Anh Ngọc công tác ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội cho đến khi nghỉ hưu. Ông xem về hưu như một lần chuyển đơn vị vì thực chất thì cho đến nay, tuy về hưu đã gần mười năm và đã bước sang tuổi bảy mươi, ông vẫn là người lính làm thơ và tôi tin một điều rằng, đến khi một trăm tuổi, hay một trăm linh ba tuổi như "Vị tướng già" (tên một bài thơ của Anh Ngọc) - người Anh Cả của QĐND Việt Nam vừa về cõi thì ông vẫn thanh thản nhẹ nhàng như một lần chuyển đơn vị.

Sở dĩ tôi có niềm tin đó vì khi còn ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội, phòng làm việc của tôi sát ngay cạnh nhà tập thể của ông. Hằng ngày từ khung cửa sổ nhỏ trên căn phòng áp mái ấy, tiếng hát Khánh Ly với những nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn cứ thả sang phòng tôi. Có lần ông đã tâm sự: "Tôi yêu nhạc Trịnh và chính Trịnh ngay từ ngày 30/4/1975, khi lần đầu trong đời âm nhạc của ông đã tới và giúp tôi mở cái nửa thứ hai của trái tim tôi mà bao năm trước đó, do hoàn cảnh, nó vẫn bị đóng kín. Và từ đó trái tim tôi mới thực sự đập một cách trọn vẹn ở trong tôi". Và còn nữa, tôi đọc thơ ông viết về Trịnh Công Sơn: "Chấp nhận cô đơn là cao hơn cô đơn/ Dám tuyệt vọng là mạnh hơn tuyệt vọng/ Nhìn cái chết như một phần sự sống / Cát bụi là anh/ Cát bụi là tôi/ Cát bụi là ta nên cát bụi tuyệt vời".

Nếu ai mới gặp nhà thơ Anh Ngọc lần đầu thì sẽ không nghĩ ông là người Nghệ, lại là dân Nghi Lộc, vì từ tiếng nói đến mọi hành xử hàng ngày của ông đều nhẹ nhàng, chuẩn mực như người Hà Nội gốc, kể cả tiếng nói là khó sửa nhất thì ông vẫn sửa được để nói chuẩn tiếng phổ thông. Có lần ông nói với tôi, đại ý: Yêu quê không có nghĩa là phải giữ tất cả những cái gì của quê hương, ta chỉ nên giữ những cái gì là tốt đẹp nhất và bỏ bớt đi những thứ là rào cản của sự phát triển, như giọng nói chẳng hạn, tại sao ta không luyện để khi đi ra, tiếp xúc nói cho mọi người đều dễ nghe, dễ hiểu.

Tôi đồng ý với ông điều đó, nhưng tôi nghĩ giọng nói và màu mắt là khó thay đổi nhất, vậy mà ông đã làm được. Thế hệ ông học Nga văn, và ông giỏi tiếng Nga, nhưng khi đất nước hội nhập, cần có tiếng Anh để giao tiếp, đọc sách và dịch thuật, Văn nghệ Quân đội đã mở lớp, mời thầy về dạy. Những buổi đầu thì lớp đông người đủ, sau cứ vơi dần, vơi dần, vơi dần như thuở còn chiến tranh vậy. Lớp vơi mãi đến khi còn có mỗi mình Anh Ngọc ngồi lại. Còn một thầy một trò, Anh Ngọc mời thầy về nhà riêng của mình để luyện và đến nay trình độ tiếng Anh của ông đã có thể đọc thông viết thạo và có được một vốn văn hóa đủ để dịch những tác phẩm từ nguyên bản tiếng Anh.

Thế mới biết ý chí, nghị lực, sự quyết tâm, đã thấy đích là phải đến cho bằng được, đến bằng mọi giá của ông. Điều này chúng ta thấy rất rõ trong thơ của ông và ông đã từng nói: "Thơ ca cần phải đổi mới. Sự đổi mới đó chỉ có ba chữ thôi: "Yêu thật, đau thật và viết thật". Chính vì thế ông sống thành thật đến tận cùng với chính mình, với người và với cả thiên nhiên. Đằng sau sự điềm tĩnh, nhẹ nhàng đó của ông là cả một khối sục sôi của chinh phục và dâng hiến. Ông sống nhẹ nhàng nhưng thẳng thắn, yêu tha thiết cuộc đời, con người và đặc biệt là thiên nhiên.

Tôi có cảm tưởng rằng, cứ mỗi sáng mai thức dậy, nếu ông không được nghe một bản nhạc Trịnh; qua nóc nhà có mái vòm cong cong của Tạp chí Văn nghệ Quân đội ông không nhìn thấy những tán lá sấu già xếp hàng dọc theo phố Lý Nam Đế và mấy con sóc bông thôi chuyền cành thánh thót trước cửa phòng ông thì không biết ngày hôm đó ông sẽ sống ra sao và liệu ông có thể sống được không nếu nhiều ngày, nhiều tháng ai đó bắt ông thiếu đi những thứ đó?!

Yêu con người, yêu thiên nhiên cây cỏ. Con người và thiên nhiên nhiên trong thơ ông đẹp thuần khiết và mạnh mẽ, thanh sạch, hồn nhiên tươi trẻ. "Mỗi bước dây lên phía trước/ lát đầy những cánh hoa rơi". Hay: "Hái một nhành lan về tặng bạn/ Báo tin năm cũ đã đi qua/ Lá dong bờ suối xanh màu Tết/ Mắt bạn trong veo nỗi nhớ nhà" (Mưa xuân trên trạm đường dây).

Yêu thật, đau thật và viết thật, tuyên ngôn sống và sáng tác của ông là thế. Chính vì vậy, dù công tác hay nghỉ hưu, ở đơn vị này hay đơn vị khác, hình như không có một tác động nào đến con người và tâm hồn thơ của ông, ông đã chọn một hướng đi, ông sẽ mãi viết về một: "Thế gian đẹp và buồn"

Nguồn CAND: http://vnca.cand.com.vn/vi-vn/doisongvanhoa/2013/12/58634.cand