“Nhà ngoại cảm” tìm chín bộ hài cốt liệt sĩ giả?

Địa điểm cất bốc chín bộ hài cốt liệt sĩ do nhà ngoại cảm chỉ định có quá nhiều nghi vấn. Hiện cơ quan chức năng đang chờ kết quả giám định ADN để xác định đó có phải là hài cốt liệt sĩ hay không.

Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam - Chi nhánh Quảng Trị vừa kết hợp với nhà ngoại cảm Nguyễn Thanh Thủy, quê Bắc Ninh tiến hành cất bốc chín bộ hài cốt liệt sĩ tại thôn Lâm Xuân, xã Gio Mai (Gio Linh, Quảng Trị). Địa điểm cất bốc do ông Thủy chỉ định.

Quá nhiều nghi vấn

Ông Trương Hữu Bình, Bí thư Đảng ủy xã Gio Mai, cho biết: “Ngày 25-7, chúng tôi được Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam mời đến tham dự buổi cất bốc hài cốt liệt sĩ tại cánh đồng cát, thuộc thôn Lâm Xuân. Tại đây, dân quân xã đã được huy động để phối hợp tìm kiếm. Tuy nhiên, trong quá trình cất bốc hài cốt, anh em phát hiện nhiều nghi vấn. Cụ thể, nơi được chỉ định theo hình chữ nhật với chiều ngang 0,6 m, dài 1,8 m thì đất tơi xốp, đào được bằng tay. Ngoài diện tích này ra thì đất cứng, phải dùng cuốc, xẻng. Đặc biệt, khi đào sâu 60 cm thì phát hiện một số lá cây tràm còn xanh, nhiều rễ cây bị chặt đứt từ trước. Lúc mọi người đào sâu 80 cm thì phát hiện ba bình bi đông Trung Quốc bị méo, còn mới, không có nắp, trên ba thân bình khắc tên ba liệt sĩ, dấu khắc còn sắc và mới, sáu người còn lại không có tên. Riêng phần xương được tìm thấy không có rễ cây bám vào theo quy luật tự nhiên. Lớp đất đen ở dưới hố này cũng không phải là lớp đất nguyên thủy mà là lớp đất sét được mang từ nơi khác đến. Hơn nữa, khu vực này vốn là cánh đồng lúa của người dân trồng từ những năm 1966 đến 1969, sau này dân bỏ hoang. Do tình trạng cát bay cát nhảy bồi lấp hình thành cồn cát, nếu đào sâu 80 cm vẫn chưa chạm đến phần đất ruộng, tức hài cốt của các liệt sĩ nằm ở độ sâu đó là không hợp lý. Quá trình khai quật chỉ tìm được vài cúc áo, nếu tìm đúng phải có 180 cái. Kinh nghiệm nhiều lần theo dõi chứng kiến, cất bốc mộ liệt sĩ tôi thấy đây là trường hợp có sự dàn xếp trước…”.

Nhà ngoại cảm (áo xám, đeo kính) đang chỉ đạo việc cất bốc hài cốt liệt sĩ. Ảnh: B.HẢI

Ông Bình cũng xác nhận sau khi sự việc xảy ra nhiều người dân “tố” đã từng gặp ông Thủy vào đây để khảo sát địa điểm trước. Ông Nguyễn Tài Cương, công an viên thôn Lâm Xuân, cũng khẳng định từng thấy một chiếc ô tô thường xuyên dừng lại điểm này vào ban đêm cách đây bốn tháng. Riêng ông Nguyễn Văn Hợp (80 tuổi, ở thôn Lâm Xuân) cho biết ông sinh ra và lớn lên ở vùng đất này, ngày trước đây là đoạn đường dẫn ra sông Cánh Hòm. Bộ đội ta thường vận chuyển vũ khí từ sông này lên chi khu Quản Ngang (Đông Hà) để đánh giặc nhưng ở đây chưa bao giờ có liệt sĩ hy sinh.

Chưa công nhận hài cốt liệt sĩ

Đại tá Trần Minh Thanh, Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Trị, cho biết: “Căn cứ vào hiện trường chúng tôi cho rằng bãi đất được cho là có chín hài cốt liệt sĩ đã được chuẩn bị từ trước. Họ đã đưa xương và các di vật của bộ đội vào. Ngoài ra, trong ba hố khai quật chỉ xác định tên tuổi ba liệt sĩ (liệt sĩ Tạ Văn Tín, sinh năm 1946, hy sinh ngày 27-6-1969; liệt sĩ Nguyễn Như Hồ, hy sinh ngày 25-5-1968; liệt sĩ Hoàng Văn Thành, sinh năm 1942), trong đó liệt sĩ Tạ Văn Tín thuộc Sư đoàn 320. Tuy nhiên, theo hồ sơ lưu trữ tại cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị, liệt sĩ Tạ Văn Tín không thuộc Sư đoàn 320 mà thuộc Sư đoàn 304, hy sinh tại cao điểm 420 ở huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) năm 1969. Hơn nữa, người mất năm 1968 mà chôn cùng địa điểm với người mất năm 1969 là không hợp lý. Vì vậy, chúng tôi cho rằng không đủ cơ sở để khẳng định đó là những hài cốt liệt sĩ”.

Cũng theo ông Thanh, hiện Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã có văn bản đề nghị Sở LĐ-TB&XH giám định ADN để có kết luận cuối cùng. Ông Thanh cho biết: “Dù tại hiện trường đã xác định được việc cất bốc hài cốt trên là do dàn xếp nhưng nhiệm vụ của chúng tôi chỉ kiểm tra hài cốt, việc nhà ngoại cảm có lừa đảo thân nhân liệt sĩ hay không thuộc thẩm quyền của công an nên khi sự việc xảy ra chúng tôi đã có công văn báo cáo tỉnh, quân khu và cơ quan chức năng...”.

Sau khi có nghi vấn chín bộ hài cốt trên không phải là hài cốt liệt sĩ, Bộ Chỉ huy Quân sự, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Trị đã yêu cầu Công đoàn, Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam - Chi nhánh Quảng Trị không được phép đưa chín tiểu sành đựng các mẫu vật tìm thấy ở thôn Lâm Xuân vào Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Đường 9 nếu chưa có kết luận cuối cùng. Tuy nhiên, ông Phan Văn Linh, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Trị, cho biết các bộ hài cốt đã được đưa vào Nghĩa trang Đường 9 theo hình thức ký gửi. Tức những tiểu sành này vẫn được chôn cất theo từng ngôi mộ riêng trong nghĩa trang nhưng chưa ghi tên, tuổi và công bố trong danh sách các liệt sĩ đang yên nghỉ tại nghĩa trang này mà phải chờ kết quả giám định ADN từ Bộ LĐ-TB&XH. Nếu xác định đây là các hài cốt liệt sĩ giả sẽ đưa ra khỏi nghĩa trang.

Ông Trần Huy Long, Phó Trưởng Công an huyện Gio Linh (Quảng Trị), cho biết vụ cất bốc hài cốt liệt sĩ do Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh giám sát nên ông không rõ. Riêng thông tin về “nhà ngoại cảm” có nhiều dấu hiệu nghi vấn, ông Long hứa vài ngày nữa có thông tin sẽ cung cấp.

Việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ tại Quảng Trị nằm trong chương trình tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ do Công đoàn Ngân hàng Chính sách Xã hội Việt Nam phối hợp với nhà ngoại cảm Nguyễn Thanh Thủy thực hiện. Trước đó, cuối năm 2012 đầu năm 2013, chương trình này đã thực hiện tìm hài cốt liệt sĩ ở hai tỉnh Bình Phước và Đắk Lắk.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, mỗi bộ hài cốt được tìm thấy, nhà ngoại cảm được bồi dưỡng gần 180 triệu đồng.

VIẾT LONG

Nguồn PLO: http://phapluattp.vn/20130730105651482p0c1015/nha-ngoai-cam-tim-chin-bo-hai-cot-liet-si-gia.htm