Nhà máy xả thải, dân lao đao

Công ty CP sắn Sơn Sơn là một trong những doanh nghiệp chế biến sắn lớn, giúp tiêu thụ một lượng lớn sắn củ trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Tuy nhiên, từ khi hoạt động đến nay, công ty này cũng trở thành nỗi “ám ảnh” của hàng trăm hộ dân ở xã Võ Miếu, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ. Hơn 6 năm qua, người dân nơi đây luôn phải sống trong thấp thỏm, sợ hãi bởi sự ô nhiễm môi trường mà công ty CP này gây ra.

Mùi hôi thối và nguồn nước thải độc hại từ Công ty CP sắn Sơn Sơn
khiến người dân xung quanh khốn đốn.

Sống chung với ô nhiễm

Theo quan sát, khu sản xuất chế biến sắn củ của Công ty CP Sắn Sơn Sơn có nhiều bùn đất, bã thải nhẽo nhoét bốc mùi hôi thối. Hệ thống bể chứa chất thải, nước thải được xây dựng lộ thiên, lại rất sơ sài nên nước thải đen kịt chảy lênh láng khắp nơi. Có lẽ do quá ô nhiễm nên mặc dù các công nhân làm việc tại nhà máy đã đeo khẩu trang dày cộp nhưng vẫn liên tục ho, nấc sặc sụa.

Từ khu vực Công ty Sắn, lượng nước thải lớn rò rỉ ra suối, mương máng, ruộng đồng khiến đất, nguồn nước xung quanh Công ty bị ô nhiễm nặng. Nguy hiểm nhất là các thứ nước độc hại đó ngấm vào nguồn nước ngầm nên hầu hết các giếng nước sinh hoạt của người dân xung quanh đều nổi váng, nước có mùi tanh không sử dụng được.

Bà Nguyễn Thị Hải, sống gần Công ty sắn Sơn Sơn than thở: “Hơn 6 năm Công ty Sắn hoạt động cũng là thời gian người dân sống khổ với mùi thum thủm. Hàng ngày, hầu hết các hộ xung quanh Công ty phải đóng kín cửa để ngăn chặn không cho không khí ô nhiễm tràn vào nhà. Hôm nào trời mưa, nước thải từ Công ty Sắn lại tràn ra đường, ra ruộng vườn, suối khiến cả vùng ngập ngụa trong mùi thum thủm đến buốt óc. Từ người già đến trẻ con, ai cũng liên tục mắc các bệnh về hô hấp, đường ruột…”.

Cũng theo nhân dân địa phương phản ánh, do Công ty Sắn Sơn Sơn xả thải ra sông suối chưa đảm bảo vệ sinh môi trường nên cá tôm trên các con suối bị chết, gia súc uống nước suối cũng bị bệnh tật và chết dần chết mòn. Mặt khác, do hệ thống và bể chứa nước thải của Công ty Sắn nằm sát con suối nên nhiều khi, lợi dụng trời mưa Công ty này lại xả trộm nước thải ra con suối khiến nguồn nước càng thêm ô nhiễm nghiêm trọng.

Hồ xử lý nước thải của Công ty Sắn Sơn Sơn có diện tích gần 2 ha nằm ở cánh đồng thôn Sang Trên. Tại đây nước thải màu đen kịt được thải từ cống ngầm xả “ào ào” ra hồ với mùi hôi thối nồng nặc. Bèo được thả xuống để xử lý nước thải cũng bị chết hàng loạt.

Tiếp tục đầu độc môi trường?

Theo người dân địa phương, nhiều năm qua họ đã liên tục kiến nghị với Công ty Sắn Sơn Sơn và kiến nghị với ngành chức năng nhưng vẫn không được giải quyết. Đỉnh điểm, giữa tháng 9-2014, trong quá trình sản xuất Công ty Sắn Sơn Sơn đã xả nước thải từ hồ thủy sinh ra sông Giát có màu trắng đục, mùi nặng, khiến bèo tây chết hàng loạt. Mùi hôi thối khủng khiếp khiến hàng trăm hộ dân bị đau đầu, nôn ọe. Tức nước vỡ bờ, người dân kéo đến Công ty yêu cầu khắc phục. Lúc này, ngành chức năng mới vào cuộc và yêu cầu Công ty Sắn Sơn Sơn dừng sản xuất để khắc phục hậu quả.

Tại biên bản kiểm tra ngày 3-6-2015 của Sở TNMT tỉnh Phú Thọ cho thấy: Sau nhiều năm hoạt động, hệ thống xử lý nước thải của Công ty CP Sắn Sơn Sơn không đáp ứng được quy chuẩn về môi trường. Công ty đã xin chủ trương và được UBND tỉnh đồng ý thực hiện dự án mở rộng sản xuất và cải thiện môi trường. Sau khi được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, Công ty đã đầu tư công trình, biện pháp bảo vệ môi trường, vận hành thử nghiệm các công trình bảo vệ môi trường.

Tuy nhiên, quá trình vận hành thử nghiệm, Công ty đã để xảy ra sự cố, nước thải không được xử lý đạt quy chuẩn cho phép, gây ô nhiễm môi trường. Kết quả kiểm tra cho thấy, việc vận hành, xử lý nước thải của Công ty vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp. UBND tỉnh Phú Thọ đã xử phạt hành chính đối với hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn cho phép với số tiền hơn 150 triệu đồng. Tại thời điểm kiểm tra Công ty việc khắc phục hồ thủy sinh, nơi cống xả thải đã bị trám lấp bằng bê tông. Hồ thủy sinh đầy nước có nguy cơ bị tràn ra ngoài và tràn vào ruộng của dân.

Trao đổi với phóng viên, ông Vũ Minh Phương - Phó Giám đốc Công ty CP Sắn Sơn Sơn thẳng thắn thừa nhận Công ty đã nhiều lần bị xử phạt vì gây ô nhiễm môi trường.

“Mùi hôi thối là đặc thù, anh không cãi, nhà máy nào cũng thế thôi…”- ông Phương trình bày. Lý giải về vấn đề hệ thống xử lý nước thải của Công ty, ông Phương cho rằng, Công ty đã được UBND tỉnh cho phép chạy thử nghiệm và xả thải ra môi trường. Công ty đang theo dõi và gửi mẫu kiểm nghiệm chất lượng nhưng chưa có kết quả.

Liên quan đến vấn đề trên, theo Lãnh đạo UBND xã Võ Miếu: Năm ngoái dân kêu lắm, năm nay Công ty đã cải tiến, nâng cấp hệ thống xử lý rồi. Tất nhiên các hộ dân xung quanh việc bị ảnh hưởng do mùi hôi thối của nhà máy sắn Sơn Sơn vẫn có. Khi xã đến kiểm tra người dân cũng có ý kiến về mùi hôi thối và nước giếng có mùi lạ. Lãnh đạo xã Võ Miếu cũng thừa nhận, nếu có mưa lớn, lượng nước thải tràn từ Công ty ra sẽ ảnh hưởng đến dòng suối.

Trao đổi về công tác bảo vệ môi trường tại Công ty CP Sắn Sơn Sơn, ông Nguyễn Bá Thọ- Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Phú Thọ cho biết: Trước đây, Công ty Sắn Sơn Sơn có gây ô nhiễm và ngành chức năng đã yêu cầu dừng sản xuất để khắc phục. Hiện tại, Công ty Sắn Sơn Sơn đang vận hành thử nghiệm hệ thống xử lý nước thải. Trong quá trình chạy thử nghiệm, Công ty sẽ lấy mẫu kiểm tra đánh giá hiệu quả và lập hồ sơ để Chi cục môi trường kiểm tra. Trong quá trình vận hành thử nghiệm nhà máy đó vẫn xả ra môi trường bình thường. Có thể có một số chỉ tiêu đạt hoặc không đạt, họ sẽ hiệu chỉnh.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Bá Thọ cũng không dám khẳng định rằng nước thải của Công ty Sắn Sơn Sơn đã đảm bảo hay chưa vì Chi cục bảo vệ môi trường không thể ở đó kiểm tra suốt được.

Không thể phủ nhận việc Công ty Sắn Sơn Sơn đã tiêu thụ số lượng lớn nông sản ở địa phương, giúp người dân địa phương tăng thu nhập. Tuy nhiên Công ty cũng cần phải đảm bảo vệ sinh môi trường, không để ảnh hưởng đến cuộc sống, sức khỏe của người dân.

Đức Sơn

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tieng-dan/nha-may-xa-thai-dan-lao-dao/86801