Nhà máy đóng tàu Nam Triệu (Vinashin): Những con tàu bị chối bỏ

7 tàu đóng xong không tiêu thụ được, bị chủ tàu nước ngoài trả lại.

Nợ lương trên 3.000 công nhân. Con tàu chở sà lan Lash Sông Gianh Nhà máy đóng tàu Nam Triệu được xem như “quả đấm thép” của ngành công nghiệp đóng tàu Vinashin. Tuy nhiên, “quả đấm thép” ấy hiện đang thành một... quả bóng xì hơi! Theo nguồn thông tin của Đại Đoàn Kết, Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng đã có ý kiến đề nghị xem xét trách nhiệm người đứng đầu Tổng công ty đóng tàu Nam Triệu Trần Quang Vũ trong việc để lại hàng loạt những hậu quả và thất thoát lớn khó khắc phục trong một sớm một chiều. Trong vụ việc đóng con tàu chở sà lan Lash Sông Gianh (Đại Đoàn Kết đã nêu), đã có dấu hiệu vụ lợi. Và mặc dù vậy, lại vẫn được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam Vinashin là một điều khó hiểu. Hiện Nhà máy đóng tàu Nam Triệu đang treo nợ lương của trên 3000 công nhân từ tháng 3 đến nay, vì tình hình tài chính căng thẳng. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng khốn khó này được cho là từ việc chất lượng báo động của các con tàu do Nam Triệu đóng. Ngoài con tàu chở sà lan Lash Sông Gianh trị giá trên 400 tỷ đồng với công nghệ lạc hậu không biết để làm gì nhưng giá thành lại quá cao, hiện còn 7 tàu trị giá gần 200 triệu USD đóng xong nhưng không tiêu thụ được. Trong đó gồm 5 tàu trọng tải từ 53.000- 56.000 tấn, và 2 tàu container sức chở 700 container đã đóng xong hoặc gần hoàn thiện nhưng lại bị các chủ tàu nước ngoài từ chối trả không nhận. Theo kết quả sơ bộ về tỷ lệ nội địa hóa của Công ty đóng tàu Nam Triệu nói riêng và ngành đóng tàu Việt Nam nói chung hiện rất thấp, không quá 10%. Nhiệm vụ chủ yếu vẫn chỉ là gia công dựa trên giá thành ngày công lao động rẻ. Vì thế, hiện tại công nghệ đóng tàu của Nam Triệu và của Vinashin không khác gì thực trạng của ngành dệt may và da giầy. Ngay từ việc thiết kế, phân cấp tàu đến việc chế tạo kết cấu sắt thép đặc biệt, các trang thiết bị hàng hải như la bàn, máy lái tự động, rada, hệ thống định vị vệ tinh, cũng như hệ thống máy chính, máy phát điện, nồi hơi, các loại sơn đặc chủng... đều do các hãng nước ngoài cung cấp. Trong nước chỉ đơn thuần là nhân công và một số vật tư thiết bị giản đơn như bàn ghế làm việc, giường ngủ, vách ngăn bằng gỗ ván ép, các đường ống nước... Nói vậy để thấy tham vọng đưa mục tiêu tỷ lệ nội địa hóa lên 70-75% giá trị con tàu như tuyên bố của Vinashin vẫn là một viễn cảnh vời xa. TỔ PHÓNG VIÊN ĐIỀU TRA

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=14851&menu=1390&style=1