Nhà màng trồng rau cho vùng nóng

Gần đây liên tục có nhiều nông dân đã đến khu vườn rau của hộ anh Nguyễn Văn Nam, ở thôn Phước Hải, xã Tân Hải, huyện Tân Thành (Bà Rịa-Vũng Tàu) để tận mắt chứng kiến mô hình nhà màng trồng rau… mau cho thu hoạch.

Dân trồng rau mơ nhà màng Đây là mô hình nhà màng đầu tiên ở tỉnh BR-VT, do hộ anh Nguyễn Văn Nam đầu tư và được Viện KHKT NN miền Nam hỗ trợ kỹ thuật xây dựng cũng như quy trình canh tác rau sạch trong nhà màng ở điều kiện vùng khí hậu nóng. Khi được tận mắt chứng kiến những liếp rau trồng trong nhà màng sạch tưng, phát triển đều, lá xanh mướt, chẳng hề có một vết sâu ăn… ai cũng trầm trồ khen ngợi. Chủ vườn Nguyễn Văn Nam phấn khởi khoe: “Từ ngày trồng rau trong nhà màng, tiền đầu tư vào phân, thuốc đều giảm tối đa (khoảng 90%), nhưng rau không bị sâu bệnh gì, khỏe re. Tính ra mỗi liếp rau trong nhà màng cho thu hoạch bình quân 50 kg, so với trồng bên ngoài chỉ đạt 20 kg, rau lại không đều, đẹp bằng vì gió mưa thường làm cho lá rau rách tả tơi rất khó bán…”. Bước vào “nghiệp rau” từ năm 1980 đến nay, anh Nam đã từng thử nghiệm qua nhiều mô hình để tìm ra phương pháp canh tác rau hiệu quả nhất. Anh đi tham khảo các khu nhà lưới, nhà màng sản xuất rau ở vùng Lâm Đồng để về áp dụng làm theo. Do bước đầu anh tự mày mò xây dựng, không đúng kỹ thuật nên nhà màng rất nhanh xuống cấp, chỉ khoảng một năm đã bị hư. Mô hình nhà màng mới này được xây dựng trên diện tích 500 m2, đầu tư hết khoảng 60 triệu đồng. Vật liệu xây dựng hoàn toàn bằng khung sắt, màng lưới che chắn kín, được cán bộ kỹ thuật của Viện KHKT NN miền Nam trực tiếp hướng dẫn lắp đặt xây dựng. Đến nay, hiệu quả từ mô hình nhà màng này đã được chính quyền địa phương xác nhận, thời gian thu hoạch rau trong nhà màng rút ngắn hơn so với bên ngoài từ 2-5 ngày, đất có độ xốp cao nên giúp cho cây rau dễ hấp thụ chất dinh dưỡng và phát triển nhanh. Hơn nữa trong nhà màng còn có thể trồng hiệu quả những loại rau như bông cải, cần ô, ngò rí, cần tây… mà nếu trồng bên ngoài rau không phát triển được do nóng. “ÔNG ĐỖ VĂN TẦM - CHỦ TỊCH HND HUYỆN TÂN THÀNH: Trên địa bàn huyện hiện có 4 vùng chuyên canh rau lớn (khoảng 3.000 ha), trong đó chiếm 2/3 diện tích là RAT. Đa số các hộ đều sản xuất nhỏ lẻ, nên việc tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi đầu tư vào sản xuất bài bản rất khó. Cần sự hỗ trợ của nhà nước và chính quyền giúp bà con được vay vốn ưu đãi để đầu tư vào sản xuất bài bản, nhằm tạo đầu ra cho RAT ổn định”. Tận mắt chiêm ngưỡng nhà màng trồng rau của gia đình anh Nam cho hiệu quả cao, bà con ai cũng khoái và ước ao sở hữu. Nhưng khi tham khảo giá thành xây dựng nhà màng đúng theo mô hình này (100% khung sắt, lưới) thì nhiều bà con hơi… choáng! Tính ra, với 500 m2 nhà màng chuẩn phải đầu tư tới 60 triệu đồng thì cao gấp 20 lần so với việc tận dụng vật liệu, làm khung tre. Do vậy, với kinh nghiệm thực tế anh Nam đã mạnh dạn đề xuất giải pháp để có thể các hộ dân áp dụng nhân rộng được mô hình nhà màng trồng rau. Đó là mô hình nhà màng cải tiến như hộ anh Nguyễn Văn Hoạt, xã Nghĩa Thành, Châu Đức được xem khả thi hơn. Từ mô hình nhà màng của hộ anh Nam và tham khảo thêm ở vùng trồng rau Đà Lạt, anh Hoạt đã tận dụng nguồn vật liệu sẵn có “chế” ra nhà màng. Theo anh Hoạt, khi sử dụng những cây tre, tầm vông để thay cho toàn bộ khung sắt nhà màng thì giá thành đầu tư giảm đáng kể. Thực tế, với khoảng 800 m2 diện tích nhà màng tự chế, anh Hoạt đầu tư xây dựng hết khoảng hơn 50 triệu đồng, rẻ hơn khung sắt, tuổi thọ của nhà màng khung tre cũng phải được từ 5-7 năm. Tuy nhiên, chỉ sau hai năm xây dựng nhà màng này gia đình anh Hoạt đã thu hồi lại được vốn đầu tư. Tìm đầu ra cho RAT “TS NGÔ QUANG VINH, VIỆN KHKT NN MIỀN NAM: Chúng tôi đang tiến hành thử nghiệm mô hình nhà màng trồng rau ở vùng khí hậu nóng và bước đầu cho kết quả rất khả quan. Hiện nay, Viện đang tiếp tục nghiên cứu ra nhiều mô hình nhà màng phù hợp cả về giá thành đầu tư và các điều kiện canh tác khác nhau”. Trao đổi với NNVN, ông Phạm Văn Huấn, chủ tịch HND xã Tân Hải cho biết: Toàn xã có 447 hộ chuyên canh với 122,7 ha rau các loại. Bình quân mỗi hộ dân có khoảng 3 công rau, trong đó chiếm tới 92% số hộ trồng rau đã được ngành chức năng tập huấn phương pháp canh tác RAT. Anh Nguyễn Văn Nam cũng chính là người tiên phong đứng ra tổ chức sản xuất RAT và vận động liên kết được nhiều hộ dân tham gia vào tổ sản xuất RAT và đến nay thành lập HTX DV NN Phước Hải. Tuy nhiên, do ý thức của người tiêu dùng về sử dụng sản phẩm RAT vẫn chưa cao và chưa phân biệt giữa hai loại rau này nên việc tìm đầu ra cho sản phẩm RAT của HTX vẫn mãi chịu cảnh “dội hàng, dội chợ”. Thậm chí, nhiều lúc loại rau thường ngoài thị trường còn bán “chạy” hơn cả RAT, do rau thường được “ăn” phân, thuốc nhiều nên xanh mướt, bóng bẩy… khiến người tiêu dùng vẫn ưng hơn. Theo ông Huấn, đến nay HTX đã hợp đồng cung ứng rau thường xuyên với giá cao hơn ngoài thị trường khoảng 10-15% (tùy theo mùa) cho các hệ thống siêu thị, bếp ăn công nghiệp, bệnh viện, trường mầm non…, bình quân khoảng 1,5 tấn/ngày. Tuy nhiên, những mối tiêu thụ rau này mới chỉ giải quyết được khoảng 30% sản lượng rau của các hộ xã viên. Một tín hiệu vui đã đến với các hộ trồng rau của HTX Phước Hải khi Sài Gòn Co.op đã về đặt vấn đề cung ứng từ 2,5-3 tấn RAT/ngày, giá cao, ổn định. HTX đang có chủ trương đầu tư mua máy sơ chế rau, công nghệ xử lý ozon và đóng gói, dán mã vạch… Đồng thời, thông qua mô hình nhà màng trồng rau sẽ khuyến khích bà con đầu tư nhân rộng để tạo ra sản phẩm rau sạch, tiến hành xây dựng thương hiệu và sẽ tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm RAT Phước Hải.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/nongnghiepvn/vi-vn/61/158/45/45/45/40790/default.aspx