Nhà hát Kịch TPHCM, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang: Chuyện cũ vẫn "nóng"

Trong thời kỳ hội nhập, luôn đòi hỏi các đơn vị nghệ thuật nhà nước phải năng động, sáng tạo và biết làm mới mình. Tuy nhiên, hiện nay, khi soi rọi vào thực tế của hai đơn vị nghệ thuật nhà nước: Nhà hát kịch TPHCM và Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, chúng ta mừng ít, lo nhiều!

Đến với vùng sâu, vùng xa Từ nhiều năm qua, Nhà hát kịch TPHCM, Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang là hai trong số các đơn vị nghệ thuật nhà nước ở TPHCM khá tích cực đưa văn hóa đến với bà con vùng sâu, vùng xa, các đơn vị lực lượng vũ trang. Qua các suất diễn của hai đơn vị này đã góp phần thu hẹp dần khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa người dân nông thôn với thành thị và mang lại niềm vui tinh thần cho các chiến sĩ gần xa. Nhà hát kịch TPHCM khi thì hướng về Cần Giờ phục vụ bà con cùng các chiến sĩ bộ đội biên phòng những tiểu phẩm hài kịch vui nhộn; lúc lại đến các xã nghèo ở Củ Chi, Bình Chánh, Nhà Bè… diễn kịch ngắn phục vụ thanh niên, công nhân, thiếu nhi. Trong vòng 3 năm nay, với dự án chương trình sân khấu “Tiếng nói trẻ thơ”, Nhà hát kịch TPHCM còn lưu diễn miễn phí phục vụ thiếu nhi, học sinh nghèo tại nhiều vùng quê ở TPHCM và một số tỉnh thành lân cận. Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang cũng thế! Mỗi năm, nhà hát đều có hàng chục suất diễn miễn phí phục vụ bà con ở nông thôn và bộ đội. Thậm chí có những suất diễn, anh em nghệ sĩ, diễn viên phải vượt cả trăm cây số để ca diễn, miễn sao được mang lại niềm vui cho bà con, bộ đội là ai nấy đều cảm thấy hạnh phúc. Ngoài ra, qua những chuyến đi lưu diễn phục vụ vùng sâu, vùng xa còn mang ý nghĩa tích cực đối với các diễn viên trẻ. Đó là tinh thần, trách nhiệm với cộng đồng xã hội và giúp các diễn viên trẻ ngày càng trưởng thành, bản lĩnh hơn trong nghề nghiệp, cuộc sống. Diễn viên Thu Trang – Nhà hát kịch TPHCM chia sẻ: “Các chuyến lưu diễn ở những vùng quê, mặc dù vất vả nhưng rất vui. Việc này còn giúp diễn viên trẻ tích lũy được kinh nghiệm, vốn sống rất bổ ích cho nghề…”. Có lãng phí? Với những gì mà hai đơn vị nghệ thuật Nhà hát kịch TPHCM, Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang làm được là điều đáng ghi nhận. Tuy nhiên, với hai đơn vị nghệ thuật này, mấy năm qua có một điểm chung mà trong giới nghệ sĩ và khán giả đều nhìn thấy và đặt những câu hỏi hoài nghi là: Liên tục có những vở diễn được đầu tư lớn, được giải thưởng, nhưng có suất diễn khá ít. Liệu có lãng phí? Phải chăng lâu nay, cả hai đơn vị nghệ thuật này luôn được nhà nước hỗ trợ kinh phí nên “có tiền, xài sang, không xót”? Ở Nhà hát kịch TPHCM, năm 2005, từng đầu tư dàn dựng vở kịch “Huyền thoại cuộc sống” cả trăm triệu đồng nhưng cũng chỉ biểu diễn được vài suất, doanh thu đạt gần 50 triệu đồng, cuối năm lại được đoạt giải thưởng đặc biệt. Rồi năm 2007, thực hiện vở “Người thi hành án tử” với kinh phí đầu tư 280 triệu đồng, doanh thu (tính đến nay mới được 250 triệu đồng), cuối năm được trao giải B tác phẩm sân khấu. Sang năm 2008, nhà hát rót hơn 600 triệu đồng dàn dựng vở kịch hoành tráng “Tả quân Lê Văn Duyệt”, mới chỉ diễn được chưa đến 10 suất và vở diễn này cũng từng được trao giải B tác phẩm sân khấu vào cuối năm 2008. Hiện nay, cả ba vở diễn này đều đang trong tình trạng tạm ngưng, chưa có lịch biểu diễn. Còn Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, trong 2 năm 2007, 2008 đã từng đầu tư hai tác phẩm sân khấu bạc tỷ đồng, nhưng chỉ diễn được 2, 3 suất lại ngưng luôn đến nay. Đó là vở “Kim Vân Kiều” với kinh phí gần 1,9 tỷ đồng, diễn được 2 suất trong năm 2007 và vở “Chiếc áo thiên nga” với vốn đầu tư hơn 3,5 tỷ đồng, diễn được 3 suất vào năm 2008. Cả hai vở diễn này đều được trao giải thưởng đặc biệt trong năm của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam. Vậy nguyên nhân từ đâu đã đưa đẩy các vở diễn được đầu tư lớn, được giải thưởng lại có quá ít suất diễn? 3 Nguyên nhân do đâu? Nếu nhìn vào thực trạng diễn viên của 2 nhà hát này suốt mấy năm qua thì sẽ có câu trả lời cho nguyên nhân ít suất diễn của các vở diễn nói trên. Với Nhà hát kịch TPHCM, mặc dù là một đơn vị nghệ thuật có bề dày truyền thống và thành tích, nhưng nhiều năm nay chỉ có… 2 diễn viên! Thế nên, mỗi khi dựng vở diễn, nhà hát phải mời diễn viên từ nhiều nguồn khác nhau về cộng tác. Do vậy chỉ cần một vài “lính đánh thuê” này trở chứng hay bận công việc khác thì chỉ có ngưng diễn là điều hiển nhiên. Chưa kể với vở “Tả quân Lê Văn Duyệt” quy tụ trên 100 diễn viên, mỗi lần trình diễn phải tốn chi phí trên 40 triệu đồng, lại càng khó khăn hơn. Hai vở diễn “Kim Vân Kiều” và “Chiếc áo thiên nga” của Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang cũng tương tự hoàn cảnh như “Tả quân Lê Văn Duyệt”, lực lượng nghệ sĩ quá đông, khó quy tụ và tốn kém chi phí biểu diễn cao. Theo NSƯT – đạo diễn Trần Ngọc Giàu, Phó Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM: “Hiện nay, đời sống sân khấu cải lương ở TPHCM chủ yếu “đỏ đèn”, hút khán giả là nhờ vào các live show, các nhóm sân khấu xã hội hóa, chứ vai trò và sức sống của hai đoàn hát 1, 2 của Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang tại rạp Hưng Đạo là rất khiêm tốn, thỉnh thoảng mới có một vài suất diễn. Hiện nay, sân khấu cải lương đang giậm chân tại chỗ, chưa có chuyển biến gì rõ nét. Nếu như tình trạng này kéo dài, càng thiệt thòi cho khán giả và cả nghệ sĩ. Còn với Nhà hát kịch TPHCM, sau những vở được đầu tư lớn, chỉ mới biểu diễn được vài suất, rồi ngưng luôn đến nay, không biết việc tốn hàng trăm triệu đồng như thế có ai xót không? Tôi nghĩ, một tác phẩm nghệ thuật thì không thể nào tách rời yếu tố khán giả. Nếu tác phẩm nghệ thuật hay, đoạt giải thưởng mà lại không có đời sống, tuổi thọ, không hấp dẫn, thu hút khán giả thì việc thực hiện tác phẩm ấy không còn có ý nghĩa…”. NSƯT – đạo diễn Trần Minh Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM, cho rằng: “Hai đơn vị nghệ thuật này luôn được kỳ vọng. Nhưng thời gian qua, sự kỳ vọng ấy chưa được đáp ứng. Gần đây, Nhà hát kịch TPHCM có kết hợp với đơn vị khác đưa kịch nước ngoài đến biểu diễn và hợp tác với nghệ sĩ Kiều Oanh làm chương trình, kéo khán giả đến rạp là tín hiệu tốt, cần phải phát huy hơn nữa…” ĐỖ HẠNH

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/vanhoavannghe/2009/7/196823/