Nhà giáo khơi nguồn sáng tạo

GD&TĐ - Hơn 20 năm lăn lộn với các trường học trên địa bàn Tây Nguyên, nếu lãnh đạo và đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục nể phục NGƯT Phan Đức – Hiệu trưởng Trường THPT Trần Quốc Tuấn (huyện Đắk Hà, Kon Tum) là một cán bộ quản giáo dục giỏi thì đội ngũ giáo viên và học sinh lại khâm phục và kính trọng anh ở tấm gương tự học và sáng tạo, nhiệt tâm trong chỉ đạo chuyên môn và nghiên cứu khoa học.

Trưởng thành trong gian khó

Thầy Đức kể đất Hải Lăng (tỉnh Quảng Trị) quê anh nghèo lắm. Hồi mới giải phóng, người dân quanh năm đói kém. Trẻ con trong làng thiếu ăn, thiếu mặc đã đành lại còn thất học. Nhà đông anh em, các anh chị phải nghỉ học làm lụng mưu sinh nuôi các em ăn học. Hoàn cảnh càng thôi thúc anh nỗ lực phấn đấu học tập.

Năm 1994, trong dòng người đến với vùng đất đỏ Cao Nguyên xây dựng vùng kinh tế mới, chàng cử nhân ngành Ngữ văn – Trường ĐH Tổng hợp Huế được nhận vào giảng dạy tại Trường cấp 2 - 3 Krông Nô (tỉnh Đắk Lắk).

Chính những năm đầu hăm hở công tác, giảng dạy ở địa bàn vùng khó đã giúp thầy có cơ hội trưởng thành và đóng góp công sức cho sự nghiệp giáo dục dân tộc, nhất là thời gian 10 năm đảm nhiệm vai trò Tổ trưởng chuyên môn tổ Ngữ văn, Bí thư chi đoàn giáo viên, Bí thư Đoàn Trường THPT Kon Tum (tỉnh Kon Tum).

Nhận thấy mình không được đào tạo bài bản chuyên ngành sư phạm, nhưng bằng tấm lòng với nghề nghiệp và sự năng động, sáng tạo vốn có, thầy Phan Đức không ngần ngại học hỏi những người đi trước, cùng với nỗ lực tự học, tìm tòi, nghiên cứu, rồi đề xuất những sáng kiến dạy học vận dụng vào thực tiễn một cách hiệu quả.

Năm 2005, thầy được bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Đắk Hà, rồi chuyển qua giữ chức vụ Phó Hiệu trưởng Trường THPT Đắk Hà. Sự vững vàng về nghiệp vụ chuyên môn đã tiếp tục giúp thầy phát huy tối đa năng lực trong công tác quản lý trên cương vị Hiệu trưởng Trường THPT Đắk Hring, rồi Trường THPT Trần Quốc Tuấn.

Khi được hỏi, một người chưa từng theo học chuyên ngành sư phạm hay quản lý giáo dục, nhưng vừa đảm nhận phụ trách mảng chuyên môn giáo dục THPT, vừa giữ cương vị lãnh đạo ở nhiều trường THPT, ắt hẳn những ngày đầu thầy gặp phải rất nhiều khó khăn? Thầy chân thành chia sẻ: Thực tình mà nói, ban đầu tôi lên Tây Nguyên dạy học cũng chỉ vì muốn có một công việc để làm. Những ngày đầu đứng lớp giảng dạy là thời gian đầy khó khăn và áp lực vì không có phương pháp sư phạm, còn chưa biết cách soạn giáo án… thế là tôi cứ lăn theo đồng nghiệp, những người đi trước để học hỏi. Ở cương vị nào, tôi cũng không cho phép mình được an phận với công việc hay lùi bước.

Thành công từ đổi mới tư duy quản lý

NGƯT Phan Đức không ngừng nỗ lực tự học, tự nghiên cứu nâng cao trình độ, năng lực quản lý

Hàng loạt giải pháp chuyên môn nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy, nhiều sáng kiến kinh nghiệm về tổ chức bồi dưỡng chuyên môn, đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá thầy đưa ra đã được áp dụng.

Trong đó có nhiều sáng kiến, cải tiến, đề tài nghiên cứu khoa học được Sở GD&ĐT Kon Tum đánh giá tốt, mang lại kết quả cao như: Xây dựng hệ thống câu hỏi mở nhằm phát huy tính tích cực của học sinh Trường THPT Kon Tum; Biện pháp quản lý công tác bồi dưỡng, nâng cao mức độ đáp ứng chuẩn nghề nghiệp của GV THPT tỉnh Kon Tum; Giải pháp khắc phục tình trạng học sinh bỏ học trong các trường THCS, THPT tỉnh Kon Tum; Đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá phù hợp với đối tượng học sinh...

Khi Nghị quyết 29 về với trường học, thầy đã chỉ đạo thực hiện quyết liệt. Trước sự thay đổi hình thức, nội dung công tác tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia 2015, thầy cũng đã chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong công tác chỉ đạo với một tư duy nhạy bén, sắc sảo.

“Trong giai đoạn toàn ngành thực hiện chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện, trên cương vị quản lý một cơ sở giáo dục, thầy thấy có những khó khăn gì trong đổi mới kiểm tra, thi cử, đánh giá hiện nay?”- Tôi hỏi. Thầy Đức thành thật: “Khi thực hiện đổi mới, nhiều giáo viên ngại thay đổi, nhất là những người công tác lâu năm. Bởi vậy, làm thế nào để thay đổi nhận thức, tư duy của đội ngũ giáo viên, sẵn sàng đón nhận cái mới, cái tiến bộ, tạo sự đồng thuận trong thực hiện các chủ trương, đường lối đổi mới… phụ thuộc vào trình độ, năng lực của người lãnh đạo nhà trường. Vì thế, khi triển khai thực hiện cần nắm vững lý luận, tôi căn cứ vào tình hình của đơn vị mình, lựa chọn từng nội dung để làm, không nên làm đồng loạt một lúc nhằm tránh sự thay đổi đột ngột, tạo sự đối phó trong đội ngũ giáo viên”.

Nghe thầy Đức phân tích mạch lạc về việc tổ chức quản lý tạo nên sự thay đổi về chuyên môn ở Trường THPT Trần Quốc Tuấn, tôi nghĩ nếu làm được như vậy thì chắc kết quả Kỳ thi THPT quốc gia 2015, học sinh của thầy sẽ đạt kết quả cao. Đúng như vậy, trong Kỳ thi THPT quốc gia 2015, học sinh Trường THPT Trần Quốc Tuấn đậu 100%; tỷ lệ học sinh đậu vào các trường ĐH, CĐ nằm trong tốp đầu cả nước. Những kinh nghiệm, giải pháp, cải tiến của thầy Đức thực hiện thành công trong đổi mới nâng cao chất lượng dạy - học ở Trường THPT Trần Quốc Tuấn đã được ngành GD&ĐT Kon Tum triển khai trong toàn tỉnh.

Nói về bí quyết đi đến những thành công, NGƯT Phan Đức chia sẻ: “Thực tế nhiều trường có đội ngũ giáo viên giỏi nhưng không phát huy được năng lực vì không có cán bộ quản lý giỏi. Chính vì vậy, khi thực hiện vai trò của một cán bộ quản lý, tôi luôn trăn trở, suy nghĩ làm sao để hoạch định chính sách phát triển nhà trường, có cách điều hành, cơ chế làm việc và môi trường hoạt động hiệu quả nhằm tạo điều kiện cho đội ngũ giáo viên phát huy hết năng lực”.n

“Có người nói: Dẫu trường học có được làm bằng vàng cũng không làm nên chất lượng giáo dục, mà phụ thuộc vào chất lượng đội ngũ giáo viên. Theo tôi, cần bổ sung thêm nhân tố Chất lượng của người cán bộ quản lý”.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/nha-giao-khoi-nguon-sang-tao-1645549-bt.html