Nhà báo Thịnh Giang - Phó tổng biên tập báo Nhân Dân: Báo Nhân Dân luôn phấn đấu: đúng, đẹp và hấp dẫn

(CL)- congluan.vn xin giới thiệu với bạn đọc câu chuyện trao đổi giữa Phó tổng biên tập báo Nhân Dân Thịnh Giang với phóng viên báo Nhà báo & Công luận.

Nhà báo Thịnh Giang

…Những cuộc lên đường kiêu hãnh

+ Được biết ông là người có nhiều năm đi thường trú ở các vùng miền, nước ngoài. Người làm báo có nhiều quê hương, kể ra cũng nhiều thú vị?

- Tất nhiên, nếu yêu nghề thì sẽ cho đó là niềm hạnh phúc. Mỗi vùng miền sẽ là một điểm đến nuôi dưỡng tâm hồn, một vùng đất để rèn nghề. Về báo Nhân Dân làm việc, tôi cũng trải qua khá nhiều vị trí, môi trường. Từ một anh phóng viên, đến phó trưởng ban, trưởng đại diện báo ở nước ngoài … rồi đến như hôm nay quả thực là cả một khoảng thời gian dài. Bất cứ nhiệm vụ đi thường trú nào, tôi vẫn sẵn sàng lên đường lúc thì ở Hải Phòng, lúc thì sang Pháp, đi TP. Hồ Chí Minh, luôn xa nhà…

+ Đi và viết… giống như là cái nghiệp vin vào người làm báo. Nhưng hiện nay cũng không ít những nhà báo…ngại đi. Ông nghĩ sao về điều này?

- Tôi nghĩ rằng, mỗi nghề mỗi nghiệp. Chấp nhận đến với nghề báo là chấp nhận những vất vả, gian truân. Nhưng mỗi bài viết hay, được người đọc đón nhận là một niềm hạnh phúc không gì sánh được. Nghề báo là vậy nên nó cần sự đam mê. Tôi vẫn nói với những phóng viên trẻ rằng: Nghề của chúng ta là đi và viết. Hãy dũng cảm đi thường trú vì mỗi một nơi mình đến đều là vùng đất hấp dẫn, là cơ hội rèn giũa bản thân và rèn nghề…Những chuyến đi xa là những cuộc lên đường kiêu hãnh.

Càng nhiều phong cách càng hay

+ Được biết ông đã từng là đặc phái viên báo Nhân Dân tháp tùng Tổng Bí thư Đỗ Mười?

- Đó là quãng thời gian đáng nhớ trong cuộc đời làm nghề của tôi. Tôi trở thành đặc phái viên của báo Nhân Dân đi tháp tùng Tổng Bí thư Đỗ Mười từ năm 1996 đến năm 2000, khi đó tôi mới là một phóng viên. Trước tôi, có các nhà báo tên tuổi và đã có chức vụ như nhà báo Thép Mới, nhà báo Hà Đăng, nhà báo Hữu Thọ… đều là các đặc phái viên qua các thời kì tổng bí thư. Và đến thời kì Tổng Bí thư Đỗ Mười thì tôi được lựa chọn…Đó là điều khá bất ngờ vì bản thân tôi khi đó chưa có chức vụ gì, chưa có vị trí gì trong tòa soạn. Đơn thuần tôi là một phóng viên say nghề, được lãnh đạo cơ quan tin cậy cử làm nhiệm vụ quan trọng này. Đó là vinh dự, là cơ hội và thách thức. Có lẽ điều đó đã giúp tôi nỗ lực hoàn thành làm công việc.

+ Đi theo Tổng Bí thư, chắc hẳn ông chỉ viết những bài xã luận, chính luận… to tát, lớn lao và vĩ mô lắm?

- À không. Đầu tiên nhận nhiệm vụ tôi cũng nghĩ như bạn. Tôi khá lo lắng khi nghĩ đến những bài viết tầm vĩ mô, cao siêu. Tôi cũng phải tìm lại tất cả các bài viết của các nhà báo trước đây từng đi theo các nguyên thủ… Nhưng rồi khi bắt tay vào làm việc, tôi nhận ra rằng, một bài viết hay và hấp dẫn chính bởi những chi tiết nhưng tinh tế và gần gũi với cuộc sống. Tôi tìm kiếm những chi tiết giản dị, đời thường nhưng có sức gợi lớn. Tôi tìm một lối viết, lối diễn đạt nhẹ nhàng, bình dị và tạo nên một phong cách khác biệt. Sự duyên dáng trong cách viết sẽ giúp cho những chuyến ngoại giao mang tầm quốc tế, quốc gia hay những chuyến đi thăm bà con nghèo, hoàn cảnh khó khăn… của Tổng Bí thư trở nên gần gũi, dễ đọc, dễ hiểu. Đó là cách mà tôi chinh phục độc giả của mình. Tôi nghĩ với người làm nghề báo, cần lắm một phong cách riêng.

+ Một phong cách riêng cho người làm báo?

- Tôi nghĩ trong nghề ai cũng có thần tượng cho riêng mình, yêu thích một cây viết, một phong cách viết nào đó... là đương nhiên. Tôi thích đọc các tác phẩm của nhà báo Thép Mới, thích cách viết sâu sắc, khúc chiết của nhà báo Hữu Thọ nhưng tôi vẫn tìm kiếm một lối viết riêng mang bản sắc của mình. Mỗi người định hình cho mình một phong cách, một tờ báo hấp dẫn là một tờ báo có nhiều cây viết phong cách. Là khi nhắc đến một mảng nào, lĩnh vực nào, có một cái tên được nghĩ đến trong đầu độc giả. Một con chim hót hay như Họa Mi, nhưng ngày nào cũng nghe thế thì sẽ chán. Tờ báo cũng vậy. Trên một tờ báo càng nhiều phong cách càng hay.

Đúng, đẹp và hấp dẫn

+ Ông có nhắc đến… sự duyên dáng trong cách viết? Điều đó có mâu thuẫn với một tờ báo Đảng như báo Nhân Dân không thưa ông?

- Không hề có mâu thuẫn gì trong việc đó. Có một số sinh viên báo chí đã từng hỏi tôi, có phải viết cho báo Nhân Dân thì phải viết khô mới đăng được không? Tôi trả lời rằng: Các bạn nói thế tôi rất thất vọng và thực sự tôi phải nhìn lại tờ báo mình. Chỉ sợ mình không viết được hay, được trau chuốt, không ai bắt các bạn phải viết khô cả. Tờ báo của Đảng muốn đi vào lòng người thì ít nhất phải có người đọc. Đúng mà không hay thì cũng vô ích vì không ai đọc. Vậy nên báo Nhân Dân luôn phấn đấu: đúng, đẹp và hấp dẫn.

+ Nhưng có ý kiến nói rằng, bài viết trên báo Nhân Dân thường khô khan, thiếu hấp dẫn. Ông nghĩ sao về nhận xét này, thưa Phó Tổng biên tập?

- Tôi nghĩ đó là cách nhìn nhận một chiều và không đúng. Báo Nhân Dân vẫn rất nhiều những bài viết giàu sức hấp dẫn, nhiều bài viết mềm mại và đi vào lòng người đấy chứ. Quan điểm của tôi, sự hấp dẫn nằm ngay ở việc lựa chọn đề tài đúng, trúng với các vấn đề xã hội quan tâm, đi vào đời sống, gắn bó với đời sống, được công chúng đón nhận.

+ Vâng, xin cảm ơn ông!

HÀ VÂN (thực hiện)

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/Item/VN/NgheBao/2012/10/3BE8AC252484FBF6/