Nguyên nhân thực sự của khủng hoảng nợ châu Âu

(DVT.vn) - Yếu tố thực sự gây ra khủng hoảng ở châu Âu không phải là nợ công mà là những khoản nợ nước ngoài khổng lồ đang ngày càng gia tăng.

(DVT.vn) - Yếu tố thực sự gây ra khủng hoảng ở châu Âu không phải là nợ công mà là những khoản nợ nước ngoài khổng lồ đang ngày càng gia tăng. Vấn đề hiện nay ở khu vực châu Âu được biết đến trên toàn thế giới như là cuộc khủng hoảng nợ công. Nhưng cuộc khủng hoảng thực sự đang xảy ra chính là khủng hoảng nợ nước ngoài. Tầm quan trọng của nợ nước ngoài có thể được minh họa bằng trường hợp của Bồ Đào Nha. Ở quốc gia này, mặc dù nợ công và tỷ lệ thâm hụt khá cao nhưng cũng chỉ tương tự như của Pháp. Vấn đề quan trọng nhất mà Bồ Đào Nha đang phải đối mặt, không phải là chính sách tài chính, mà là các khoản nợ nước ngoài cao của khu vực tư nhân: các ngân hàng và các doanh nghiệp Bồ Đào Nha. Tầm quan trọng của các khoản nợ công cũng chỉ ở mức nhất định đối với một quốc gia, ví dụ như ở Ý và Bỉ. Cả 2 nước này có tỷ lệ nợ trên GDP cao hơn nhiều so với Bồ Đào Nha, nhưng mức phí bảo hiểm rủi ro mà họ phải trả lại thấp hơn nhiều so với nước này. Lý do chính là họ nợ nước ngoài rất ít, Bỉ thậm chí còn thặng dư tài khoản vãng lai. Trong khủng hoảng, các khoản nợ tư có xu hướng chuyển thành nợ công. Và điều quan trọng trên thị trường tài chính khi nhìn vào nợ công 1 quốc gia là ai là chủ nợ của chúng. Tại các quốc gia khu vực đồng Euro, điều quan trọng là đảm bảo được hoạt động thu thuế. Với những quốc gia có nợ công cao nhưng nợ nước ngoài thấp, nợ công chủ yếu do người dân nắm giữ, và Chính phủ luôn luôn có thể giải quyết vấn đề nợ công bằng một số hình thức thu thuế. Vì thế, nợ nước ngoài là thành phần chủ yếu gây ra những vấn đề trong khả năng thanh toán nợ của một quốc gia. Trường hợp ngoại lệ trong vấn đề này chính là Mỹ, giống như những gì được gọi là “đặc quyền cắt cổ” của nền kinh tế lớn nhất thế giới: nợ nước ngoài của Mỹ lại chính bằng đồng USD, giúp Chính phủ Mỹ có thể linh hoạt giải quyết các vấn đề nợ công. Một điều phức tạp hơn nữa là, một quốc gia có nợ nước ngoài cao, trong khi cư dân của họ cũng nắm giữ một lượng tài sản lớn của nước ngoài. Trong trường hợp này, Chính phủ phải đối mặt với trường hợp, quốc gia có thể vỡ nợ trong khi người dân của mình vẫn có thể hưởng lợi nhuận từ tài sản nước ngoài. Ngay cả khi điều này xảy ra, Chính phủ có thể giải quyết bằng cách, kêu gọi người dân bán tài sản nước ngoài và mua trái phiếu Chính phủ trong nước thay thế. Một ví dụ đặc trưng là trường hợp của của Argentina năm 2001. Nợ nước ngoài ròng mà Argentina nắm giữ là không lớn, chỉ tương đương với số tài sản nước ngoài mà khu vực tư nhân trong nước nắm giữ. Mặc dù vậy, Chính phủ Argentina đã phá sản, bởi vì tầng lớp người giàu thì nhanh chóng bán tài sản ra nước ngoài, trong khi những người dân nghèo từ chối trả các khoản thuế cần thiết để giúp Chính phủ thanh toán nợ nước ngoài. Đối với Hy Lạp, điều chỉnh hệ thống tài chính là vấn đề quan trọng và cần thiết. Tuy nhiên, với Bồ Đào Nha, vấn đề then chốt là sự gia tăng thâm hụt nước ngoài của khu vực tư nhân. Ireland lại là một trường hợp khác, vì nước này có rất ít nợ nước ngoài và sẽ sớm đạt được thặng dư tài khoản vãng lai. Chính phủ Ireland sẽ không cần tới tài trợ bên ngoài nữa nếu họ huy động được tiết kiệm từ người dân. Giống như trường hợp của Lativa trước đó, nếu huy động được vốn từ người dân, rủi ro sẽ giảm xuống rất nhanh. Trong ngắn hạn, việc điều chỉnh hệ thống tài chính là cần thiết nhưng không đủ giúp các nước này thoát khỏi một cuộc khủng hoảng nợ. Huy động tiết kiệm trong nước, và khuyến khích người dân mua trái phiếu Chính phủ thay vì nắm giữ tài sản của nước ngoài mới là điều quan trọng nhất. Tuyết Mai Theo ProjectSyndicate

Nguồn DVT.vn: http://dvt.vn/2011051511542336p0c85/nguyen-nhan-thuc-su-cua-khung-hoang-no-chau-au.htm