Nguyên Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương Trần Đại Hưng: "Giải quyết khiếu nại nên bàn kỹ từ đầu"

Báo cáo Giải quyết khiếu nại tố cáo (KNTC) sẽ được trình ra Kỳ họp thứ 8 tới đây của Quốc hội. Vì sao KNTC của người dân lại gia tăng và giải quyết việc này của các cơ quan chức năng, các cấp chính quyền đã thực sự thấu tình đạt lý hay chưa? Phóng viên báo ĐS &PL đã có cuộc trao đổi thẳng thắn với ông Trần Đại Hưng, nguyên Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương - nơi cũng đã tiếp nhận và cùng các ban ngành, địa phương giải quyết nhiều vụ KNTC phức tạp.

Giải quyết chưa hiệu quả Thưa ông, KNTC hiện nay có xu hướng gia tăng, phức tạp, tập trung khiếu nại đông người. ông có cho rằng một phần nguyên nhân của thực trạng này là do việc thực thi pháp luật chưa nghiêm, chế tài chưa đủ mạnh? Đây là vấn đề lớn liên tục nhiều năm chúng ta tập trung giải quyết như xây dựng Luật KNTC, giải quyết những vấn đề trực tiếp từ trong dân cư. Tôi cho rằng, quan điểm chính sách pháp luật của chúng ta là mở rộng dân chủ là hoàn toàn đúng đắn, tạo điều kiện cho người dân làm chủ trong các lĩnh vực. Từ đó, việc khiếu nại của quần chúng nhân dân, tổ chức, cá nhân là cần thiết. Điều này cũng thể hiện sự nhiệt tình đóng góp của nhân dân với nhà nước. Bên cạnh đó, quá trình thực thi luật pháp cũng chạm đến quyền lợi của dân và phát sinh những vấn đề mà người dân thấy quyền lợi của họ không được bảo đảm. Do đó họ khiếu nại và nhà nước phải giải quyết. Thực tế hiện nay, đơn thư KNTC rất nhiều nhưng giải quyết vấn đề này có nhiều điểm chưa tốt, chưa kịp thời. Chúng ta có nhiều nơi tổ chức tiếp công dân ở tất cả các cấp từ Trung ương đến cơ sở, đồng thời có bộ phận chuyên trách tiếp nhận giải quyết KNTC từ nhân dân. Việc giải quyết KNTC đã được quan tâm rất nhiều nhưng hiệu quả vẫn chưa cao. Vậy điều này được lý giải như thế nào, thưa ông? Ở đây có vấn đề trách nhiệm của những người lãnh đạo ở các cấp chưa đôn đốc công việc đến nơi, đến chốn. Vấn đề người dân khiếu nại, chúng ta nghiên cứu, theo dõi giải quyết chưa đến cùng. Thường thì nhiều nơi vẫn phân trách nhiệm ra để giải quyết mà thiếu sự tập trung toàn diện đưa ra quyết định cuối cùng. Các cơ quan mỗi nơi giải quyết một ít, khiến người dân phải tìm đến nhiều nơi, không giải quyết được vấn đề rồi lại một vòng quay trở lại. Chấn chỉnh việc tiếp dân hình thức Có ý kiến cho rằng việc tiếp dân một số chỗ hiện nay còn hình thức. Cơ sở tiếp dân lèo tèo và cán bộ "có vấn đề" thì "bị đẩy" ra tiếp dân. ông bình luận gì về điều này? Tôi cho rằng điều ấy cũng chỉ cá biệt thôi. Tình trạng này, chỉ có ở một vài nơi nhận thức chưa đầy đủ về nhiệm vụ tiếp dân và giải quyết KNTC, hoặc một số nơi có khó khăn về nhân sự, về cơ sở vật chất. Vấn đề này cần phải được kiểm tra đánh giá cụ thể. Nơi nào tổ chức tiếp dân và giải quyết KNTC tốt thì phải nhân điển hình lên còn những nơi làm chưa tốt phải kịp thời uốn nắn. Chúng ta cần bố trí tiếp dân tốt, với những cán bộ có trách nhiệm. Nếu chúng ta làm không tốt, người ta hỏi một đằng trả lời một nẻo, thậm chí có thái độ không đúng mực với dân sẽ dẫn đến tình trạng KNTC nhiều, gia tăng bức xúc, phức tạp và khiếu nại vượt cấp. Thời gian còn công tác ông có nhận được nhiều đơn thư KNTC không? Tôi nhận được rất nhiều! Cơ quan tôi (Ban Nội chính TW) không phải là nơi giải quyết trực tiếp đơn thư của công dân, chúng tôi đã phối hợp với các cấp, ngành để tổ chức việc tiếp dân và giải quyết những vụ việc khiếu nại lớn. Đó là những vụ khiếu nại tập thể, kiện tới cấp Trung ương. Sự phối hợp của cơ quan tôi với các bộ, ngành đã giải quyết được nhiều vụ việc. Với kinh nghiệm nhiều năm tham gia giải quyết KNTC, ông suy nghĩ gì khi chúng ta có nhiều KNTC vượt cấp. Phải chăng do cán bộ cấp cơ sở năng lực yếu kém không giải quyết được quyền lợi của dân hay vì người dân không tin cơ sở? Chúng ta phải nhìn vấn đề này dưới những góc độ khác nhau. Khiếu kiện đông người vượt cấp phải xem ở cấp dưới đã làm hết trách nhiệm chưa. Hơn nữa, cũng phải xem ý thức của người dân có đúng không. Một vấn đề KNTC, liên quan đến vấn đề phức tạp, ngay từ đầu giải quyết các cấp phải phối hợp với cấp trên để có ý kiến chỉ đạo. Nhằm giải quyết đúng hướng, tránh trường hợp mỗi cấp đưa ra ý kiến giải quyết khác nhau gây mất lòng tin trong nhân dân. Trong trường hợp cấp dưới giải quyết đúng mà người dân không nghe thì cấp trên phải giải thích cho dân hiểu khi họ tiếp tục khiếu nại vượt cấp. Tổng TTCP Trần Văn Truyền có phân trần rằng, giải quyết KNTC gặp phải vấn đề rất khó. Khi xem xét các cấp làm đúng, khiếu nại của người dân không có cơ sở thì người cán bộ giải quyết KNTC lại bị tố cáo bao che. Nghĩa là có nhiều trường hợp tố cáo của người dân hầu như không có điểm dừng? Đây chính là tính phức tạp của cuộc sống. Công dân nhận thức về luật pháp, về quyền của mình chưa đầy đủ nên họ không bao giờ thỏa mãn với việc giải quyết KNTC của các cơ quan. Những trường hợp này chúng ta phải kiên quyết. Tôi cho rằng phải có những quy định, chế tài để hạn chế việc này. Chẳng hạn vấn đề người dân khiếu nại đã được nghiên cứu giải quyết thì phải có thái độ dứt khoát. Luật cũng quy định hết cấp giải quyết và giải quyết đúng thì người dân không được KNTC nữa, và các cơ quan cũng không tiếp nhận đơn thư của dân nữa. Chúng ta phải trả lời rõ với dân đồng thời cũng phải có biện pháp giáo dục, vận động tránh xung đột. Khi người dân cố tình khiếu nại, cố tình gây rối thì lại chuyển sang thái cực gây rối trật tự xã hội. Xin cảm ơn ông! Vương Hà (Thực hiện) Cần sửa Luật Đất đai Trong báo cáo của Thanh tra Chính phủ giải quyết KNTC cũng nêu rõ có tới 70% vụ liên quan đến đất đai. Phải chăng Luật Đất đai của chúng ta đã quá lạc hậu và nhiều quy định không còn phù hợp với thực tế? Đây là vấn đề khó, chúng ta không thể giải quyết đồng loạt. Quan trọng là phải chọn vấn đề nóng bỏng nhất, cấp thiết nhất để từng bước đưa ra cách giải quyết có hiệu quả. Trước mắt cần tập trung giải quyết vấn đề đất đai. Cần thiết sửa đổi ngay Luật Đất đai trong thời gian sớm nhất nhằm đảm bảo luật phù hợp với thực tế.

Nguồn ĐS&PL: http://www.doisongphapluat.com.vn/story.aspx?id=6251&lang=vn&zone=22&zoneparent=0