Nguyễn Ái Quốc - nhà sáng lập Đảng Cộng sản Malaysia

“Nguyễn Ái Quốc được Quốc tế cộng sản phân công phát triển phong trào cách mạng và cộng sản ở Malaysia và Bác của chúng ta là một trong những nhà sáng lập chủ chốt của Đảng Cộng sản Malaysia”.

Đó là nghiên cứu vừa được ông Nguyễn Mạnh Hà- Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) công bố. Ông Hà cho biết, trong một chuyến công tác ở Singapore, ông đã được mời vào Cục Lưu trữ an ninh quốc gia Singapore, tham quan khu trưng bày sự hình thành và phát triển của phong trào cộng sản.

Tại khu Đảng Cộng sản Đông Dương có treo bức chân dung Nguyễn Ái Quốc- Hồ Chí Minh. Bên dưới bức chân dung ghi rõ: “Nguyễn Ái Quốc- Hồ Chí Minh: (1) Lãnh tụ Đảng Cộng sản Việt Nam; (2) Nguyễn Ái Quốc được Quốc tế cộng sản phân công phát triển phong trào cách mạng và cộng sản ở Malaysia; (3) Một trong những nhà sáng lập chủ chốt của Đảng Cộng sản Malaysia”.

Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 1930, tại Cửu Long, Hương Cảng (Hongkong).

Ông Nguyễn Mạnh Hà khẳng định rằng đây là phát hiện mới mà giới sử học nước nhà còn chưa biết tới. Tuy nhiên nếu xét về vai trò mà Hồ Chí Minh được Quốc tế Cộng sản phân công phụ trách khu vực Đông Nam Á và việc Bác của chúng ta, cuối những năm 20 đầu những năm 30 hoạt động nhiều ở khu vực này, chủ yếu là ở Thái Lan, Malaysia, Indonesia thì việc Người tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Malaysia là hoàn hoàn có sơ sở.

Ngày 27.10.1929, Quốc tế Cộng sản gửi cho những người cộng sản Đông Dương tài liệu về việc thành lập tổ chức Đảng Cộng sản ở Đông Dương, nêu rõ “nhiệm vụ quan trọng nhất và cấp bách nhất của tất cả những người cộng sản ở Đông Dương là thành lập một đảng cách mạng có tính chất giai cấp của giai cấp vô sản. Nghĩa là một đảng cộng sản có tính chất quần chúng ở Đông Dương. Đảng đó phải chỉ có một và là tổ chức cộng sản duy nhất ở Đông Dương.”

. Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đang xin ý kiến về việc triển khai nghiên cứu vai trò của Nguyễn Ái Quốc đối với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế ở khu vực Đông Nam Á, trong đó có việc tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Malaysia.

Tuy nhiên, vào thời gian cuối năm 1929, chưa có một người cộng sản nào ở Đông Dương tiếp cận được tài liệu này. Tháng 11.1929, Nguyễn Ái Quốc đang hoạt động ở Xiêm (Thái Lan). Khi biết tin sự chia rẽ giữa các tổ chức cộng sản ở trong nước, Người lập tức rời Xiêm đi Trung Quốc và tới đó vào ngày 23.12.1929. Lấy tư cách là phái viên Quốc tế Cộng sản, có đầy đủ quyền quyết định mọi vấn đề liên quan đến phong trào cách mạng ở Đông Dương, Người triệu tập đại biểu của 2 nhóm: Đông Dương Cộng sản Đảng và An Nam Cộng sản Đảng họp Hội nghị hợp nhất tại Cửu Long (Hongkong, Trung Quốc).

Hội nghị bắt đầu họp ngày 6.1.1930. Sau khi nghe Nguyễn Ái Quốc nói về những sai lầm của sự chia rẽ và nhiệm vụ phải thành lập Đảng Cộng sản, các đại biểu đều đồng ý thống nhất hợp nhất, hai tổ chức thành một đảng, lấy tên là Đảng Cộng sản VN. Cuối tháng 3.1930, sau khi thành lập xong Đảng Cộng sản Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc rời Hongkong đến Thái Lan. Sau khi đến Bangkok, Nguyễn Ái Quốc đi các địa phương miền núi gặp gỡ Việt kiều thông báo về tình hình của Đảng Cộng sản VN. Đồng thời Nguyễn Ái Quốc, theo chỉ thị của Quốc tế Cộng sản, kêu gọi các đảng viên cộng sản tham gia phong trào cách mạng tại các nước sở tại để đóng góp cho phong trào cách mạng quốc tế.

Theo cuốn Hồi ký “Hồ Chí Minh- Chân dung một cuộc đời” của William J. Duiker thì “Giữa tháng 4.1930 Nguyễn Ái Quốc trở lại Băngkok chủ trì cuộc họp thành lập Đảng cộng sản Xiêm, bầu Ban chấp hành lâm thời. Trong Ban chấp hành này có một cán bộ chủ chốt là người Việt Nam. Sau hội nghị ở Bangkok Nguyễn Ái Quốc đến Malaysia và Singapore dự Hội nghị Đảng Cộng sản Nam Dương để chuyển thành Đảng Cộng sản Malaysia. Sau đó cả hai Đảng Cộng sản Malaysia và Xiêm đều thuộc quyền chỉ đạo của Văn phòng Viễn Đông ở Thượng Hải, nhưng thông qua Phòng Phương Nam đóng ở Hongkong do chính Nguyễn Ái Quốc phụ trách”.

Hiện, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đang xin ý kiến về việc triển khai nghiên cứu vai trò của Nguyễn Ái Quốc đối với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế ở khu vực Đông Nam á, trong đó có việc tham gia sáng lập Đảng Cộng sản Malaysia.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/nguyen-ai-quoc-nha-sang-lap-dang-cong-san-malaysia-659526.html