Nguy hiểm từ việc nạo phá thai nhiều lần

Tình trạng nạo phá thai vẫn không có xu hướng giảm

BS.CKII. Nguyễn Thị Hồng Minh, Giám đốc Trung tâm Tư vấn Sức khỏe Sinh sản - Kế hoạch hóa Gia đình, Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, trong hai năm 2007-2008, tình trạng phá thai tại bệnh viện không có xu hướng giảm, khoảng 4.500 đến 5.000 trường hợp phá thai/năm. Điều đáng nói là có người đi phá thai đến 5 lần, 7 lần thậm chí là 10 lần và trên 30% trường hợp phá thai (ở tất cả các lứa tuổi) chưa từng sinh con. Hay có những trường hợp, chỉ chưa đến một năm đã hai lần đến bệnh viện để giải quyết. Chỉ ra nguyên nhân của vấn đề này, theo BS Minh, đó là do việc sử dụng biện pháp tránh thai của người phụ nữ. Họ sử dụng quá nhiều các biện pháp tránh thai không hiệu quả (biện pháp tránh thai truyền thống): xuất tinh ra ngoài, tính ngày kinh. Hoặc cố tình không chịu áp dụng biện pháp tránh thai hiện đại vì “sợ”, ví như đặt dụng cụ tử cung thì sợ không hợp, uống thuốc tránh thai thì sợ tác dụng phụ. Nhưng điều đáng bàn là khi được hỏi đã từng sử dụng chưa thì được trả lời… chưa sử dụng bao giờ. Hoặc có dùng nhưng dùng kém hiệu quả (quên uống thuốc tránh thai, dùng bao không thường xuyên, lạm dụng thuốc tránh thai khẩn cấp). Hoặc do quá kém hiểu biết, trường hợp này thường rơi vào những người có vòng kinh không đều. BS Minh còn cho biết, những người phụ nữ đến phá thai tại đây, đều được tư vấn để chọn biện pháp tránh thai phù hợp với mình. Nhưng điều lạ lùng là họ chỉ sử dụng trong vòng một tháng và sau đó không sử dụng nữa. Chẳng hạn, tư vấn họ dùng bao cao su nhưng họ không “thuyết phục” được chồng. Vậy là, họ cũng “bỏ” qua chứ không quay lại Trung tâm để được tư vấn dùng các biện pháp khác. Khi quay trở lại đây cũng là lúc họ… có thai ngoài ý muốn”. Bên cạnh đó, một số phụ nữ có quan niệm sai lầm khi cho rằng, phá thai là biện pháp thực hiện kế hoạch hóa gia đình. Phá thai hiện nay quá dễ dàng, đơn giản, rẻ tiền, đặc biệt là nhà nước cho phép phá thai - điều cực kỳ nguy hiểm. BS. Minh nói, chúng ta mới chỉ biết được tỷ lệ phá thai trong các cơ sở công lập mà không có số liệu cụ thể ở các cơ sở tư nhân và biết đâu, số phá thai trong tư nhân lại nhiều hơn công lập. Mặt khác, nhà nước cho phép phá thai ở cơ sở tư nhân chỉ 7 tuần nhưng rất nhiều cơ sở phá thai to. “Đến cơ sở tư nhân phá thai thì sẽ có nhiều nguy cơ cao hơn ở bệnh viện công lập, dẫn đến tai biến. Đa phần đối tượng đến đấy là chưa có gia đình”. Tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại mới đạt 68,2% Theo Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, 4 tháng đầu năm 2009, thực hiện chỉ tiêu kế hoạch hóa gia đình, số ca đặt vòng tránh thai là 576.672 ca, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm 2008, đạt 38% kế hoạch năm 2009. Số ca triệt sản là 10.103 ca, tăng 25%, đạt 35% kế hoạch… Tuy nhiên, so với các năm trước, hai biện pháp tránh thai hiện đại có tác dụng lâu dài và hiệu quả cao này có xu hướng giảm, đặc biệt là biện pháp triệt sản. Số lượng và cơ cấu sử dụng biện pháp tránh thai chưa bảo đảm để duy trì mức sinh thay thế; tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai hiện đại mới đạt 68,2%; tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai không hiện đại hoặc có tác dụng ngắn (thuốc tiêm, thuốc cấy) có xu hướng ngày càng tăng. Do tỷ lệ áp dụng biện pháp tránh thai giảm trong năm 2008 nên dẫn tới hệ quả số trẻ sinh ra trong những tháng đầu năm 2009 vẫn tiếp tục gia tăng. Trong 4 tháng đầu năm, tổng số trẻ sinh ra là 365.499 cháu, tăng hơn 2,7% (9.633 cháu) so với cùng kỳ năm 2008. Số trẻ em sinh ra là con thứ 3 trở lên là 36.735 cháu, tăng 4% (346 cháu) so với cùng kỳ năm 2008. Theo các bác sĩ, tai biến trước mắt có thể nhìn thấy được của việc phá thai là nhiễm trùng, thủng tử cung, choáng do thuốc tê/thuốc mê, sót rau, sót thai. Biến chứng lâu dài và nguy hiểm hơn, dù phá thai an toàn thì cũng dễ có nguy cơ bị viêm tắc hai vòi trứng hoặc dính buồng tử cung, gây vô sinh thứ phát, chửa ngoài tử cung, sẩy thai... Để tránh có thai ngoài ý muốn, tốt nhất nên dùng các biện pháp tránh thai hiện đại. Chị em nên đến bệnh viện để được khám và tư vấn an toàn Theo BS Minh, hiện có rất nhiều biện pháp tránh thai hiện đại, có hiệu quả cao, phù hợp với mọi lứa tuổi như thuốc tránh thai, mảnh dán tránh thai, que cấy, dụng cụ tử cung, bao cao su, phim đặt âm đạo, triệt sản… Thuốc uống tránh thai thế hệ mới rất đa dạng, giảm tối đa tác dụng phụ: ít tăng cân, ít mụn trứng cá, không căng nhờn, không căng vú. Nhưng hàng ngày phải uống nên lúc quên lúc nhớ, không phòng tránh được các bệnh lây truyền qua đường tình dục và nhiễm khuẩn qua đường sinh sản. Thuốc tiêm tránh thai: tiêm một mũi có tác dụng tránh thai 3 tháng nhưng cần phải thực hiện tại cơ sở y tế và không phòng tránh được các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Que cấy: có tác dụng tránh thai trong 3 năm nhưng nhược điểm là làm thay đổi chu kỳ kinh nguyệt tức có khả năng gây vô kinh, kinh thưa, ít. Tuy nhiên, điều này rất hợp đối với những người kinh nhiều vì lượng mất máu kinh sẽ giảm đáng kể. Cấy vào, lấy ra phải được thực hiện bởi người có chuyên môn (nếu kỹ thuật cấy không tốt, không tìm thấy que cấy, vô kinh sẽ không đẻ được); không phòng tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Mảnh dán tránh thai: một tháng chỉ dán ba lần nhưng không phòng tránh được các bệnh lây truyền qua đường tình dục và nhiễm khuẩn qua đường sinh sản. Dụng cụ tử cung: hiệu quả tránh thai cao, không ảnh hưởng đến việc cho con bú cũng như nội tiết, giá thành rẻ, kỹ thuật đặt dễ. Chỉ thực hiện được với những người không bị viêm nhiễm, không phòng tránh được các bệnh lây truyền qua đường tình dục và nhiễm khuẩn qua đường sinh sản. Bao cao su: vừa tránh thai, vừa phòng tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục và nhiễm khuẩn đường sinh sản. Nếu sử dụng đúng, hiệu quả tránh thai rất cao. “Người phụ nữ đến Trung tâm phá thai hay không phá thai đều được tư vấn sử dụng các biện pháp tránh thai, để chọn biện pháp phù hợp nhưng người phụ nữ phải tuân thủ một cách tự giác. Tôi khuyên, chị em hãy đến bệnh viện để được khám và tư vấn, nên “rủ” chồng và bạn tình đi cùng thì việc tư vấn sẽ hiệu quả hơn, đặc biệt khi tư vấn sử dụng biện pháp tránh thai dùng bao cao su”, BS. Minh nói. Ngoài ra, BS Minh còn nhấn mạnh, để giảm tỷ lệ phá thai, “cần có sự quan tâm đặc biệt hơn nữa của toàn xã hội về vấn đề phá thai, truyền thông kế hoạch hóa gia đình; theo dõi giám sát dịch vụ tư nhân và nâng cao vai trò của người phụ nữ thông qua truyền thông đại chúng”.

Nguồn ĐCSVN: http://www.cpv.org.vn/cpv/modules/news/newsdetail.aspx?cn_id=350920&co_id=30085