Nguy cơ di tích thành phế tích

TP - Di tích lịch sử khu căn cứ khởi nghĩa Ba Đình (gọi tắt là di tích lịch sử Chiến khu Ba Đình) ở xã Ba Đình, cách trung tâm huyện Nga Sơn (Thanh Hóa) khoảng 3km về phía tây bắc là di tích được xếp hạng cấp quốc gia năm 1993, nhưng có nguy cơ trở thành phế tích vì chưa được đầu tư kinh phí tôn tạo, trùng tu đúng mức.

Căn cứ Ba Đình xưa

Theo tài liệu lịch sử Đảng bộ xã Ba Đình, trong phong trào Cần Vương chống thực dân Pháp, dưới sự lãnh đạo của lãnh tụ Phạm Bành, Đinh Công Tráng (Đinh Công Tráng là lãnh đạo tối cao tại địa phương), khu thành lũy của căn cứ Ba Đình được xây dựng trên vùng đất bùn lầy, ngăn cách với xung quanh, được bao bọc bởi các lũy tre dày đặc.

Nhà bia bên trong chưa có tấm bia tại Trường THCS Ba Đình, huyện Nga Sơn (Thanh Hóa) bỏ hoang nhiều năm nay. Ảnh: Hoàng Lam.

Vào mùa mưa, khu căn cứ trở thành một hòn đảo nổi giữa cánh đồng nước mênh mông, tách biệt với các làng khác.

Căn cứ này gọi là Ba Đình vì mỗi làng (làng Mậu, làng Thượng, làng Mỹ Khê) có một cái đình, từ làng này có thể nhìn thấy đình của hai làng kia.

Đinh Công Tráng cho trồng xung quanh căn cứ một lũy tre dày đặc và một hệ thống hào rộng, cắm đầy chông tre.

Phía trong là một lớp thành đất cao 3m, chân rộng 8- 10m. Trên mặt thành, nghĩa quân đặt các rọ tre chứa đất nhào rơm xếp vững chắc có những khe hở làm lỗ châu mai sẵn sàng chiến đấu, thành rộng 400m, dài 1.200m. Thời cao điểm khởi nghĩa của Đinh Công Tráng có lực lượng lên tới gần hai vạn người (năm 1886).

Chỉ với những vũ khí thô sơ mà tại đây nghĩa quân Cần Vương và nhân dân ba làng nêu trên của xã Ba Đình đã dũng cảm đánh bại nhiều đợt tấn công của giặc Pháp xâm lược.

Nhà Bia không có bia

Hiện nay, tại di tích này nhiều hiện vật liên quan đến chiến khu nằm ngổn ngang đã và đang trở thành phế tích. Trải qua thời gian, chiến tranh, rồi thời tiết khắc nghiệt, khu thành lũy của căn cứ Ba Đình giờ đã không còn nhiều dấu vết. Nơi thì nằm trong khuôn viên của Trường THCS xã Ba Đình, nơi đã trở thành đất canh tác, hoặc khu dân cư của người dân địa phương.

Trong khuôn viên Trường THCS Ba Đình- nơi được xác định là địa điểm chính của thành lũy căn cứ Ba Đình, chính quyền địa phương dựng lên một tấm bia ghi dòng chữ “Di tích lịch sử văn hóa căn cứ khởi nghĩa Ba Đình” trên một phiến đá, khi được công nhận là di tích cấp quốc gia. Quanh tấm bia này, cây cối, cỏ dại mọc um tùm.

Tấm bia ghi di tích lịch sử văn hóa căn cứ khởi nghĩa Ba Đình ở xã Ba Đình xung quanh là cỏ dại.

Cũng tại khuôn viên trường học nêu trên, cách đây hơn 5 năm, được sự đầu tư của huyện, UBND xã Ba Đình đã xây dựng một nhà bia với mong muốn sẽ dựng lên tấm bia bằng đá, khắc khoảng 300 chữ giới thiệu vắn tắt về chiến khu và cuộc khởi nghĩa Ba Đình, nhằm giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, giữ gìn cho muôn đời sau.

Tuy nhiên, đến tháng 12- 2012, không hiểu vì lý do gì mà nhà bia đã xây xong nhiều năm, nhưng xã vẫn chưa được đầu tư dựng tấm bia như mong muốn, nên nhà bia vẫn để không như vậy.

Trong khi đó, một tấm bia cổ liên quan đến cuộc khởi nghĩa Ba Đình hiện đang để tạm tại sân của UBND xã Ba Đình, mặc cho mưa nắng. Một số hình ảnh, hiện vật liên quan đến cuộc khởi nghĩa này được giữ trong phòng truyền thống khá chật chội của xã, đang có dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng.

Ông Trịnh Ngọc Thạch- Bí thư Đảng ủy xã Ba Đình cho biết: “Chính quyền xã nhiều lần có ý kiến lên huyện, tỉnh đề nghị cấp kinh phí để xây dựng một số hạng mục tại di tích lịch sử Chiến khu Ba Đình, nhưng đến nay vẫn phải chờ”.

Hoàng Lam

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/ban-doc/613118/nguy-co-di-tich-thanh-phe-tich-tpp.html