Người tự lưu đày trong ngục thất chữ nghĩa

Nhà văn Vĩnh Quyền (ảnh) là người khó tính, nhất là với chữ nghĩa, cho nên đọc và học từ tác phẩm văn chương của anh là một việc rất đáng. Anh vẫn ngày ngày gửi từng con chữ cho cuộc đời. Tôi viết bài này trong đêm khuya, và cảm nhận được rằng, vào giờ này, anh vẫn đang ăn nằm cùng trang viết trong ngục thất chữ nghĩa của mình.

“Sống sót trong chiến tranh là một chuyện, sống hạnh phúc thời hậu chiến là chuyện khác” (To survive the war is one thing. To live happily or not in the post-war time is another) – nhà văn Vĩnh Quyền đã viết một câu và có lẽ đó là câu khái quát nhất về tác phẩm “Debris of Debris” ( Mảnh vỡ của mảnh vỡ) - cuốn tiểu thuyết Vĩnh Quyền viết bằng tiếng Anh, Nhà xuất bản Austin Macauley (London, Anh). Tác phẩm vừa được giải B (không có giải A) của Hội Nhà văn Việt Nam.

KHỔ SAI CHỒNG LÊN KHỔ SAI

Nhớ có lần nhà văn Vĩnh Quyền gọi: “Mình gửi cho Phong mấy chương cuốn tiểu thuyết vừa viết. Phong đọc và góp ý giúp mình với nghe”. Tôi check mail nhận bản thảo cuốn tiểu thuyết “Debris of Debris” bằng tiếng Anh. Tôi dành mấy hôm, đọc hoa cả mắt, càng đọc càng kinh ngạc, càng phát khiếp Vĩnh Quyền. Muốn góp ý thì cũng phải giỏi tiếng Anh hơn hoặc bằng tác giả, còn tôi tự thấy mình chưa đủ khả năng đó, được đọc bản thảo là vui lắm rồi.

Ai cũng biết viết văn là thứ lao động khổ sai, viết bằng một ngôn ngữ không phải tiếng mẹ đẻ thì thêm một lần khổ sai. Vĩnh Quyền đã tự lưu đày mình trong ngục thất chữ nghĩa hay nói đúng hơn là chịu sự trừng phạt của văn chương. Điều này hoàn toàn đúng với nghĩa đen của ngôn từ, Vĩnh Quyền đã giam mình 7 năm trong thư phòng để học tiếng Anh và viết tiểu thuyết. Viết một bài thuyết trình bằng tiếng Anh cho tử tế đã vất vả, dám nhào vào văn chương quả là rất bản lĩnh, rất tự tin vào bản thân.

Chưa bàn đến nội dung, nghệ thuật của tác phẩm, chỉ riêng chuyện viết được một cuốn tiểu thuyết bằng tiếng Anh đã đủ cho tôi bái phục và kính trọng. Ít ra, làng văn Việt Nam có một nhà văn góp tác phẩm của mình vào dòng văn chương đương đại thế giới bằng ngôn ngữ thông dụng nhất, đó là tiếng Anh.

Rồi Vĩnh Quyền vào Sài Gòn, hai anh em ngồi uống bia trong Dinh Thống Nhất, câu chuyện xoay quanh cuốn tiếu thuyết Debris of Debris. Lúc đó mới biết anh đã đánh vật suốt mấy năm trời với tiếng Anh để có được tác phẩm. Anh đã có sức tự học và ý chí ghê gớm để đạt được trình độ tiếng Anh có thể viết tiểu thuyết. Những câu văn tiếng Anh ngây ngô ban đầu anh kể ra làm hai anh em cười chảy cả nước mắt. Viết bằng tiếng Anh nhưng đọc là biết vẫn văn phong tiếng Việt. Bản thảo được gửi đi gửi lại, sửa chữa nhiều lần. Anh bị trời hành, bị đày đọa khi phải nhận những lời góp ý chân thành của các nhà biên tập rằng ngôn ngữ của anh còn quá xa với văn chương. Anh không giấu giếm có khi tưởng chừng như không vượt qua được, muốn gác bút cho xong kiếp lưu đày.

Nhưng rồi anh đã đứng dậy được, kiên nhẫn từng ngày từng giờ trên bàn viết, nhờ các biên tập viên người nước ngoài giúp, anh đã hoàn thiện để có một cuốn tiểu thuyết đúng văn phong thuần Anh, không còn dấu vết của tư duy Việt ngữ. Càng giỏi tiếng Anh, người ta càng hiểu điều này là muôn trùng gian nan và tất nhiên không mấy ai làm được. Vĩnh Quyền là nhà văn đầu tiên của Việt Nam từ trước đến nay viết tiểu thuyết bằng tiếng Anh và được các nhà xuất bản Anh, Mỹ đón nhận. Tác phẩm chuẩn mực về tiếng Anh, và dĩ nhiên phải đạt được chất lượng về nội dung, nghệ thuật đảm bảo hiệu quả thương mại thì họ mới để mắt tới.

Sau khi Debris of Debris xuất bản ở Anh, tôi ra Đà Nẵng, hai anh em ngồi bên bờ biển, cũng câu chuyện về cuốn tiểu thuyết. Ngược đời nhất là Vĩnh Quyền đang lao tâm lao lực dịch ngược từ bản tiếng Anh Debris of Debris sang tiếng Việt. Anh nói: “Không phải chuyển ngữ qua tiếng mẹ đẻ là đơn giản, mà tư duy làm sao để phải rất Việt, không bị lai Anh như bản tiếng Anh. Thế là Vĩnh Quyền lại lưu đày thêm một thời gian dài, gần như chấp bút lại từ đầu để có cuốn “Mảnh vỡ của mảnh vỡ” đọc ngọt lịm văn chương Việt. Khi được đọc bản tiếng Việt, tôi lại một lần nữa bái phục anh, một “tù nhân” văn chương khổ sai.

Một ngày đẹp trời, tôi nhận được tạp chí Nhà văn và Tác phẩm số 12 do Vĩnh Quyền gửi tặng. Tạp chí có trích 8 chương của tiểu thuyết “Mảnh vỡ của mảnh vỡ”, trên trang đầu giới thiệu tác phẩm, Vĩnh Quyền đề tặng: “Thân gửi Lê Thanh Phong - người viết lời bình chân xác, bay bướm nhất cho “mảnh vỡ”...”. Tôi thực sự vui mừng, bởi vì người yêu văn học trong nước đã được đọc những chương đầu tiên của tiểu thuyết. Thế rồi, khi hay tin “Mảnh vỡ của mảnh vỡ” được giải cao của Hội Nhà văn, tôi nhắn tin cho anh: “để dành tiền thưởng uống rượu anh nghe”.

CUỘC LƯU ĐÀY CHƯA CÓ NGÀY VỀ

Tưởng như “Mảnh vỡ của mảnh vỡ “ đã vắt kiệt sức Vĩnh Quyền, ở tuổi U 70 của anh, văn chương thế cũng đã quá đủ. Ai ngờ, cũng một ngày đẹp trời, nhận tập truyện ngắn “Sói hoàng hôn - The dusk wolf” của anh gửi tặng. Cuốn truyện song ngữ Việt – Anh, phần tiếng Anh có một số truyện do Vĩnh Quyền chuyển ngữ, số còn lại do dịch giả Zac Herman, người Mỹ chuyển ngữ. Đọc xong tập truyện, tôi gọi điện cho Vĩnh Quyền: “Anh ơi, đọc bản tiếng Anh do anh chuyển ngữ, em càng hiểu thêm anh đã làm việc cật lực như thế nào”. Câu chuyện chữ nghĩa lại kéo đến như ma ám, qua trao đổi với anh, tôi hiểu hơn rằng, anh còn tiếp tục lưu đày với văn chương không hẹn ngày về.

Đóng góp của Vĩnh Quyền ngoài văn chương, Debris of Debris và The dusk wolf tác động vào những người viết văn trẻ tinh thần hội nhập. Việt Nam hội nhập thế giới trên lĩnh vực kinh tế, có thể ít nhiều về văn hóa, nhưng văn chương thì quá hạn chế. Đơn giản vì rất ít tác phẩm văn chương của tác giả trong nước được dịch ra tiếng Anh, từ trước đến nay chưa có nhà văn Việt Nam viết tiểu thuyết bằng tiếng Anh. Cho dù tác phẩm văn học hay đến mấy, nhưng không có bản tiếng Anh hay một số ngôn ngữ thông dụng khác thì không ai biết đến nền văn học Việt Nam. Một nhà văn đã có tuổi như Vĩnh Quyền làm được điều đó, chắc chắn thế hệ trẻ sẽ có người làm được.

Không chỉ văn chương, nhiều tài liệu quan trọng của đất nước muốn giới thiệu ra thế giới cũng bị hạn chế vì không có bản tiếng Anh. Có lần Tiến sĩ sử học Hãn nguyên Nguyễn Nhã sau khi đi một vòng khắp thế giới về, ông nói với tôi rằng đã đến nhiều thư viện của các trường đại học, nhưng không tìm thấy công trình nào của tác giả Việt Nam viết về Hoàng Sa, Trường Sa bằng tiếng Anh, còn của các tác giả Trung Quốc thì rất nhiều. Ngay cả công trình “Những bằng chứng về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa” của Tiến sĩ Nguyễn Nhã, bao nhiêu năm qua nhờ đến nhiều người giúp sức, nhưng vẫn chưa có được bản tiếng Anh hoàn chỉnh.

Bạn đọc trong nước đọc sách song ngữ đã nhiều, nhưng có lẽ lần đầu tiên đọc tập truyện ngắn của nhà văn Việt Nam bằng một ấn bản song ngữ, trong đó có phần do chính nhà văn chuyển ngữ. Nhiều người học tiếng Anh qua cách đọc sách song ngữ, sẽ thấy thú vị hơn khi vừa thưởng thức văn chương vừa học tiếng Anh. “Sói hoàng hôn” rất hấp dẫn, thi pháp mới lạ, ngôn ngữ tiếng Việt sang trọng, nhưng thích thú và bất ngờ hơn khi đối chiếu với bản tiếng Anh, đọc cẩn thận và suy nghĩ nghiêm túc, sẽ học được rất nhiều.

Văn chương của Vĩnh Quyền như một sứ giả từ nước Việt đến với cộng đồng quốc tế, trong đó có nhiều thế hệ người Việt sinh sống ở nước ngoài. Tại hội chợ sách quốc tế Frankfurt, Đức, một người Đức gốc Việt tên Jennifer Nguyễn đã rất vui khi mua được tập truyện ngắn song ngữ “Sói hoàng hôn” của Vĩnh Quyền, và đã viết về cảm xúc của mình: “Tôi mua một cuốn “Sói hoàng hôn – The dusk wolf” trong tâm trạng thời sinh viên và với ý định làm quà cho con, đang là sinh viên, nhưng mục đích sử dụng có khác một chút. Ngoài thưởng thức văn chương là nâng cao trình độ tiếng mẹ”. Một ý rất thú vị.

Tin bài liên quan

Quán quân “Thử thách cùng bước nhảy” diện áo dài cá tính đón xuân

Thủy Top gây bất ngờ với khả năng diễn xuất ấn tượng

Sao mai Thụy Miên đem giấc mơ thời nghèo khó của mình vào MV Tết

Trấn Thành lên tiếng xác nhận yêu Hari Won

Kỳ Duyên mặc áo dài đọ sắc cùng Ngọc Hân

Nhã Phương xinh đẹp, sánh bước bên Trường Giang

Hiếu Nguyễn bảnh bao tự lái xế sang đi ra mắt phim

Trà Ngọc Hằng rộn ràng hát mừng đôi lứa trong ca khúc mừng Xuân

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/van-hoa/nguoi-tu-luu-day-trong-nguc-that-chu-nghia-515143.bld