Người trẻ và văn hóa miễn phí nơi công cộng

Nhiều người mệt mỏi, bị thương khi chen chân vào khu vui chơi, quán ăn mở cửa miễn phí. Dường như, từ khóa "miễn phí" là nỗi ám ảnh với cộng đồng mạng về văn hóa nơi công cộng.

Để phục vụ nhu cầu của người dân, một số khu vui chơi, địa điểm giải trí... mở cửa miễn phí. Song đây cũng là nguyên nhân dẫn đến nhiều sự việc đáng tiếc. Ở đó, người ta còn thấy nhiều hành động chưa đẹp của một bộ phận bạn trẻ.

Chen lấn, xô đẩy... vì miễn phí

Ngày 19/4/2015, Công viên nước Hồ Tây (Hà Nội) mở cửa miễn phí cho mọi người tới vui chơi. Theo thông báo, thời gian hoạt động tự do từ 8h đến 10h. Nhưng chỉ sau hơn một tiếng mở cửa, hầu hết bể bơi bên đều quá tải.

Ngay sau đó, đại diện công ty phải phát loa và lập bảng thông báo ngừng đón khách vào khu vui chơi ngoài cổng. Tuy nhiên, dù cửa đóng, nhiều người vẫn liều mình trèo qua hàng rào sắt vào bên trong, bất chấp nguy hiểm. Trong số đó, có nhiều người rất trẻ.

Nhiều phụ huynh bất chấp nguy hiểm, giúp con trèo rào vào khu vui chơi. Ảnh: Anh Tuấn.

Tương tự, chiều 28/11/2015, thung lũng hoa hồ Tây mở cửa miễn phí, thu hút đông đảo người dân ghé thăm. Sau hai ngày, lượng khách theo thống kê đạt mức trên 7.000 người, trong khi sức chứa của thung lũng chỉ khoảng 3.000.

Cuối tháng 11/2015, cánh đồng hoa hướng dương tại Nghệ An, Đà Lạt nở rộ. Ban quản lý các ruộng hoa đều cho miễn phí chụp hình, gửi xe và nước uống nhằm tạo điều kiện cho du khách tới thăm.

Trong khi nhiều người gìn giữ, một bộ phận không nhỏ thể hiện sự thiếu ý thức khi ngắt nụ, bẻ cành, giẫm đạp... khiến nhiều cây hoa đổ gãy, nát bét.

Ngoài các khu vui chơi, nhiều nhà hàng, quán ăn... cũng sử dụng chiêu miễn phí, tặng thưởng như chiến dịch cho tự do ăn shushi tại Hà Nội khiến đông đảo người tập trung, gây ách tắc giao thông.

Ngày 25/10/2015, một cửa hàng đồ ăn nhanh tại Long Biên, Hà Nội, mở cuộc thi ăn gà rán kèm khoai tây chiên. Người thắng cuộc sẽ được thưởng một triệu đồng và miễn phí toàn bộ suất ăn gồm 4 đùi gà chiên, khoai tây lắc phô mai cùng 2 cốc Coca trị giá 169.000 đồng. Chiêu thức này thu hút hàng trăm người tham gia, lượt like fanpage cửa hàng tăng đáng kể chỉ trong một thời gian ngắn...

Thất vọng với một bộ phận người trẻ

Sự chen lấn, ham vui không lường trước hậu quả dần biến những nơi "miễn phí" trở thành từ khóa đáng sợ trong năm qua. Nhiều người hài hước nói trên mạng xã hội rằng, ở đâu có miễn phí, ở đó có... người trẻ.

Nhìn từ vụ công viên nước, khi quá tải, người ngoài vẫn không ngừng tìm cách lao vào thì bên trong chỉ mong... thoát thân. Không ít cô gái chật vật, cố lao ra khỏi dòng nước, trước sự trêu đùa thiếu văn hóa của một số nam thanh niên nơi công cộng. Thậm chí, người ta còn thấy cả những hành động khiếm nhã.

Nhiều cô gái mệt mỏi, bị thương vì sự thiếu ý thức từ các chàng trai có mặt tại công viên nước ngày 19/4/2015. Ảnh: Anh Tuấn.

Còn tại thung lũng hoa, sự quá tải cũng nằm ngoài dự tính từ người tổ chức. Số lượng khách tăng đột biến, ý thức khách tham quan không cao khiến sau 2 ngày, địa điểm này phải đóng cửa, bởi các luống hoa gần như đã hỏng.

Bên cạnh những thiệt hại về vốn và công chăm sóc, điều khiến nhiều người suy nghĩ là việc tận mắt chứng kiến nhiều bạn trẻ hồn nhiên hái cả chùm hoa tam giác mạch chỉ để chụp hình. Không ít người vô tư ngồi, nằm trên luống hoa...

Câu chuyện miễn phí dường như đang kéo theo rất nhiều hệ lụy và là một trong những phép đo văn hóa của những người mười tám, đôi mươi. Hành động tàn phá không suy nghĩ của một số bạn trẻ cũng dần trở thành mối lo ngại với người dân nhiều địa phương.

Tại Đà Lạt, dân mạng phải lên tiếng kêu cứu khi vườn cải trắng Đơn Dương trở thành "nạn nhân" bị phá hoại nặng nề... Công an Nghệ An cũng được phân bổ bảo vệ cánh đồng hướng dương Nghĩa Đàn...

Cần lời cảnh tỉnh

Theo tiến sĩ tâm lý Vũ Thu Hương, giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội, người Việt trẻ hiện thường quan tâm lợi nhuận hơn việc suy xét hậu quả. Nhiều người chạy đua từ trào lưu này đến thú chơi khác không cần biết mức ảnh hưởng ra sao.

"Từ những câu chuyện trên, tôi thấy giáo dục của chúng ta còn thiên về lý thuyết xuông. Dù mỗi bài học đều răn dạy các em nên thế này, thế kia, nhưng thực tế chỉ số ít làm được điều đó.

Tôi muốn khuyên các bạn trẻ hãy thận trọng trước từng hành động của mình. Trước khi làm, hãy nghĩ đến tác hại để tránh những hậu quả đáng tiếc, có thể sẽ xảy đến với chính bạn", nữ tiến sĩ chia sẻ.

Nhật Ánh

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/nguoi-tre-va-van-hoa-mien-phi-noi-cong-cong-post623613.html