Người nghèo và nghịch lý khi ốm đau

(PL&XH)- Có một nghịch lý là người nghèo có nhu cầu chăm sóc sức khỏe cao nhưng khả năng tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế khi mắc bệnh lại thấp hơn các nhóm đối tượng khác. Tuy nhiên, chi phí khám chữa bệnh lại ở mức cao…

Đây là thông tin được đưa ra tại hội nghị khoa học về kinh tế y tế diễn ra ngày 7-12. Theo TS. Dương Huy Liệu, Chủ tịch hội Khoa học Kinh tế Y tế Việt Nam, hiện nay vẫn còn tình trạng thiếu công bằng trong hưởng lợi từ hệ thống y tế của các nhóm dân cư. Khả năng tiếp cận dịch vụ và chất lượng dịch vụ y tế được hưởng khác nhau theo mức sống. Người nghèo lại được hưởng chất lượng chăm sóc y tế thấp hơn nhóm có thu nhập cao và nhóm người giàu. Có đến 70% người nghèo khám chữa bệnh ở tuyến y tế cơ sở, trong khi đó, 40% người giàu khám chữa bệnh ở tuyến trên (theo kết quả điều tra y tế quốc gia 2001-2002). Tuy phần lớn người nghèo sử dụng dịch vụ y tế ở tuyến cơ sở và chi phí y tế của người nghèo ít hơn 2,5 lần so với người giàu nhưng gánh nặng chi phí y tế đối với người nghèo lại là lớn nhất trong tất cả các nhóm dân cư. Đó là chi phí cơ hội về thời gian của người nghèo chiếm khoảng 26% tổng chi phí y tế. Gánh nặng của việc mất thời gian do ốm đau của người nghèo chiếm khoảng ¼ tổng chi phí khám chữa bệnh. Kể cả những người nghèo có bảo hiểm y tế hoặc được miễn giảm viện phí thì gánh nặng chi phí đối với họ vẫn là rất lớn, tương đương với khoảng 10 tháng chi tiêu ngoài lương thực, thực phẩm. TS. Lý Ngọc Kính, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết thêm, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra “nghịch lý” giữa nhu cầu chăm sóc sức khỏe và sử dụng dịch vụ y tế của người nghèo. Người nghèo có nhu cầu chăm sóc sức khỏe cao nhưng khả năng tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế khi mắc bệnh lại thấp hơn các nhóm đối tượng khác. Mỗi năm, chỉ có khoảng 2,9 lượt người nghèo đi khám bệnh, trong khi đó người giàu và người có điều kiện kinh tế khá là 4,7 lượt. Được hưởng chất lượng y tế thấp, cộng thêm những khó khăn về kinh tế càng khiến người nghèo rơi vào vòng luẩn quẩn giữa ốm đau bệnh tật và nghèo đói. Theo kết quả điều tra y tế quốc gia 2001-2002, trong số 52% người nghèo không chữa bệnh thì lí do khó khăn về tài chính chiếm hàng đầu. Một nghiên cứu cho thấy, có gần 60% số hộ gia đình nghèo mắc nợ do chi phí khám chữa bệnh, số hộ gia đình nghèo phải vay mượn tiền để chi trả cho điều trị nội trú chiếm tới 67%. Có đến 60% hộ gia đình nghèo mắc nợ khi đi khám chữa bệnh (minh họa) Kết quả điều tra mức sống của hộ gia đình năm 2008 tại Hà Nội cho thấy, 33% các hộ gia đình được phỏng vấn cho rằng bệnh tật là lý do khiến mức sống của hộ gia đình giảm đi hoặc không được cải thiện. Tuy nhiên, một nghiên cứu khác chỉ ra rằng: Dù điều trị cùng một loại bệnh nhưng giữa các bệnh viện, giữa các tuyến và thậm chí giữa các cán bộ y tế trong cùng một bệnh viện chi phí điều trị cũng khác nhau do lựa chọn sử dụng đầu vào khác nhau, đặc biệt các loại thuốc khác nhau… Từ kết quả này gợi ý rằng, chúng ta vẫn còn nhiều tiềm năng để giảm chi phi điều trị bằng cách xác định bệnh viện và thầy thuốc nào hoạt động hiệu quả trong việc cung ứng dịch vụ y tế an toàn và có chất lượng. Từ đó, khiến các bệnh viện và thầy thuốc khác phải thay đổi cách thức cung cấp dịch vụ để giảm chi phí giống như các bệnh viện hoạt động hiệu quả. Phải nỗ lực rất nhiều trong việc ban hành chính sách sao cho các bệnh viện chủ động giảm nhập viện khi không cần thiết và giảm số ngày điều trị trung bình- đặc biệt là vấn đề quản lý giá thuốc-TS. Dương Huy Liệu nhấn mạnh. Vân Hà

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/2010120711396747p1001c1051/nguoi-ngheo-va-nghich-ly-khi-om-dau.htm