Người lao động Việt Nam ở Hàn Quốc: Nan giải tình trạng bỏ trốn

Theo ông Phạm Anh Thắng, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc, thu nhập bình quân của lao động Việt Nam tại Hàn Quốc từ 900 USD-1.100USD/người/tháng. Tuy nhiên, có một thực trạng người lao động vẫn bỏ trốn, xin chuyển xưởng...

Nguyên nhân bỏ trốn Theo Cục Quản lý Lao động ngoài nước (Bộ LĐTB & XH) riêng trong quý I- 2011, đã có 2.983 lao động đã xuất cảnh, đến hết tháng 4-2011 sẽ có 3500 lao động tiếp theo được lựa chọn sang Hàn Quốc làm việc. Như vậy, trong 4 tháng đầu năm có trên 7400 lao động sang Hàn Quốc làm việc, chiếm đến 34% trong tổng số 21.938 lao động nước ngoài được chọn. Nếu tình hình tiếp tục diễn biến khả quan như những tháng đầu năm, thì trong năm nay sẽ có khoảng trên 10.000 lao động Việt Nam sang Hàn Quốc làm việc. Tuy nhiên hiện nay xuất hiện thực trạng lao động bỏ trốn làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh lao động Việt Nam tại Hàn Quốc. Theo thống kê chưa đầy đủ của Cục Phát triển nguồn nhân lực (Bộ Lao động Hàn Quốc), có khoảng 20% lao động nhập cư đang sống bất hợp pháp tại nước này. Riêng Việt Nam hiện có khoảng gần 15.000 lao động sống bất hợp pháp ở Hàn Quốc. Trong đó, số lao động đi theo chương trình cấp phép lao động nước ngoài EPS (Luật cấp phép dành cho doanh nghiệp nước ngoài) hết hạn ở lại hoặc trốn ra ngoài là 8.400 người. Tình trạng xin chuyển xưởng của lao động Việt Nam tại Hàn Quốc cũng đang đứng đầu danh sách, chiếm tỷ lệ 35% số lao động nước ngoài xin chuyển xưởng. Theo các chuyên gia lao động, nguyên nhân lao động bỏ trốn do áp lực kinh tế. Theo chương trình EPS, chi phí mỗi lao động phải bỏ ra chỉ hơn 600 USD nhưng trên thực tế để được đi làm việc ở Hàn Quốc người lao động phải mất ít nhất 6.000 đến 8.000 USD. Chi phí bỏ ra nhiều, áp lực kiếm tiền trả nợ lớn, vì thế khi hết hợp đồng người lao động phải tìm cách ở lại để kiếm thêm tiền. Bên cạnh đó có những người lao động đã biết mình mắc bệnh, chủ yếu là viêm gan B nhưng vẫn cố tình trốn tránh, tìm cách hoàn thiện hồ sơ để được xuất cảnh. Sau đó, khi vừa đến sân bay Hàn Quốc thì họ trốn khỏi đoàn. Cần nâng cao ý thức kỉ luật của NLĐ Nhằm hạn chế tình trạng lao động Việt Nam bỏ trốn ở nước ngoài cũng như để giữ uy tín đối với thị trường tiềm năng này, mới đây Bộ LĐTB & XH đã giao cho Cục Quản lý lao động ngoài nước và Trung tâm lao động ngoài nước lập Đề án hạn chế lao động bỏ trốn và chuyển xưởng. Tuy nhiên theo ông Phạm Anh Thắng, để giữ hình ảnh lao động Việt Nam tại Hàn Quốc, quan trọng là trách nhiệm công dân của mỗi người lao động cũng như của các địa phương, gia đình trong việc vận động, giáo dục, khuyên con em mình tuân thủ tốt hợp đồng, pháp luật. Thực tế năm 2011 tình hình XKLĐ không mấy khả quan do thị trường Trung Đông và Bắc Phi đang gặp nhiều khó khăn. Do vậy, việc giữ uy tín đối với thị trường Hàn Quốc là rất cần thiết. Ông Vũ Minh Xuyên, Phó giám đốc Trung tâm lao động ngoài nước cho biết, các đợt xuất cảnh của lao động sắp tới sẽ có thêm phần test nhanh để phát hiện loại bỏ các trường hợp bị bệnh, nhằm kiểm soát, hạn chế tối đa lao động bỏ trốn ngay khi đến sân bay Hàn Quốc. Bên cạnh đó Đề án hạn chế lao động bỏ trốn và chuyển xưởng được triển khai sẽ hạn chế tối đa thực trạng lao động bỏ trốn. Xong việc xây dựng đề án và thực hiện đề án thế nào phần nhiều phụ thuộc vào ý thức, kỷ luật, tuân thủ hợp đồng và các qui định của pháp luật khi đi làm việc ở nước ngoài của người lao động. Lê Bảo

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=29715&menu=1390&style=1