Người lái chiếc xe tăng 390

QĐND - Trưa 30-4-1975, xe tăng Đoàn H03 tiến nhanh, thọc sâu tấn công vào Dinh Độc Lập. Chiếc xe số 390 lao thẳng vào húc đổ cánh cửa sắt cổng dinh, báo hiệu giờ phút sụp đổ của chế độ Sài Gòn. Người lái chiếc xe tăng đó là Trung sĩ Nguyễn Văn Tập...

Ông sinh năm 1951, quê ở thôn Đại Tĩnh, xã Hoàng Diệu, huyện Gia Lộc, Hải Dương; nhập ngũ tháng 6-1970, về đơn vị Đoàn B25 đóng quân tại Thanh Hóa. Sau đó vì đã được học Trường Trung cấp Cơ khí 2, ông được điều về Đoàn H03 học lái xe tăng. Kết thúc khóa học 6 tháng tại Hòa Bình, ông cùng đơn vị hành quân cấp tốc vào miền Nam. Ông Nguyễn Văn Tập xúc động kể lại: “Cuối năm 1974, tôi vừa cưới vợ xong được mấy ngày thì phải về đơn vị nhận xe tăng T59, số hiệu 390 và chuẩn bị lên đường vào Nam. Xe gồm 4 người, tôi là lái xe, một chỉ huy xe, 2 pháo thủ số 1 và số 2. Đơn vị hành quân từ Hòa Bình theo đường Trường Sơn vào chiến trường, giấu kín xe trong những khu rừng sâu và rậm ở Quảng Bình, chờ lệnh xuất phát. Trận đầu tiên, xe của tôi tham gia đánh giặc ở A Sầu và A Lưới, khu vực tây nam Huế. Năm 1975, xe của tôi tham gia chiến dịch giải phóng thành Huế, Đà Nẵng, Phan Rang, Phan Thiết, căn cứ Nước Trong (Đồng Nai) và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử”. Chiến đấu trong đội hình, xe tăng T34, T54 và T59 của quân ta dũng mãnh xuất trận, đánh thẳng vào các đội hình phòng ngự mạnh của địch, mở đường cho bộ binh theo sau đánh chiếm căn cứ, làm quân giặc hoảng sợ bỏ chạy mỗi khi nhìn thấy xe tăng ta. Trong chiến đấu, ông Tập lái xe tăng đạt tốc độ nhanh đến 40km/h để uy hiếp quân địch và để tránh các loại đạn chống tăng của giặc. Xe tăng 390 xông pha đánh các mặt trận, đã tiêu diệt 5 xe tăng giặc mà xe chưa bị dính viên đạn nào của địch. Tăng T59 chỉ có 4 người, không như tăng T34 có 5 chiến sĩ vì thêm một lái tăng phụ, như trong bài hát của nhạc sĩ Doãn Nho. Xe trèo đèo, vượt sông suối và các loại cầu, tấn công thần tốc vào thành phố Sài Gòn. “Tôi vẫn nhớ mãi những giây phút sung sướng đến nghẹt thở sáng ngày 30-4-1975. Tôi lái xe tăng tiến đến trước Dinh Độc Lập thì thấy xe tăng 843 của anh Bùi Quang Thận bị kẹt ở cổng. Tôi hỏi ý kiến anh Toàn trưởng xe, anh Toàn ra lệnh cho tôi lái xe tiến thẳng vào. Tôi cho xe húc đổ cánh cửa sắt ở cổng dinh, lao thẳng vào trong sân. Thấy anh Thận, anh Toàn rồi sau đó là anh Nguyên vào dinh nên tôi nhảy ra khỏi xe 390. Chợt nghĩ: Nếu bây giờ mình vào, nhỡ địch quay lại chiếm xe thì sao? Vì vậy, tôi vội chạy quay lại xe, nhảy vào chỗ lái và thò đầu ra ngoài” – ông Tập kể. Sau chiến tranh, Nguyễn Văn Tập được bổ nhiệm làm kỹ thuật viên xe tăng Đại đội 4, Tiểu đoàn 1 và sau đó làm Trợ lý kỹ thuật tiểu đoàn, đơn vị đóng quân tại Long Bình, Đồng Nai. Ông Tập có thêm sự bất ngờ vui sướng nữa, được gặp anh trai Nguyễn Văn Học là y sĩ một đơn vị đóng quân ở gần đó. Hiện nay, chiếc xe tăng 390 huyền thoại được trưng bày tại Bảo tàng Tăng - Thiết giáp, đường Hoàng Quốc Việt, Hà Nội. Phục vụ trong quân ngũ ít lâu thì cả hai anh em ông Tập xuất ngũ, cùng trở về quê hương và tiếp tục công việc trồng lúa, chăn nuôi. Làm ruộng thu nhập thấp nên hiện nay, ông Tập xin thêm công việc mới tại Công ty Sơn Kova ở Hà Đông, Hà Nội. Ông chỉ là một thủ kho kiêm… lái xe nâng hàng, nhưng luôn được anh chị em làm trong công ty và những người dân nơi ông sống quý mến, trân trọng, cảm phục. “Lớp cha trước, lớp con sau”, con trai ông, Thượng úy Nguyễn Văn Kết hiện cũng là bộ đội xe tăng, đang công tác tại Kho KT 580 – Binh chủng Tăng - Thiết giáp. Bài và ảnh: Đại Hoàng

Nguồn QĐND: http://qdnd.vn/QDNDSite/vi-vn/75/68/261/261/261/147668/Default.aspx