Người họa sĩ nghiệp dư và 40 năm vẽ chân dung Bác Hồ

(PL&XH) - Là chủ nhân của hơn 200 bức tranh về Bác Hồ, vậy mà đến nay ông vẫn âm thầm hoàn thiện nốt những tác phẩm về Người. Ông là Võ Đức Thuận, ở xã Quỳnh Lập, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.

Tuổi ấu thơ một lần được gặp Bác, những kí ức về vị Chủ tịch đáng kính đã để lại cho ông nhiều cảm xúc. Hơn 40 năm, ông say sưa phác họa những bức chân dung về Hồ Chủ Tịch không biết mệt mỏi. Là chủ nhân của hơn 200 bức tranh về Bác Hồ, vậy mà đến nay ông vẫn âm thầm hoàn thiện nốt những tác phẩm về Người. Ông là Võ Đức Thuận, ở xã Quỳnh Lập, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Ông Võ Đức Thuận đang say sưa vẽ tranh Bác Hồ (ảnh do nhân vật cung cấp) Kỷ niệm ấu thơ Chúng tôi tìm đến nhà ông Võ Đức Thuận không mấy khó khăn bởi ngay từ khi đặt chân đến đầu xã hỏi thăm thì ai cũng biết. "Ông Thuận chuyên vẽ chân dung Bác Hồ phải không?”, một người phụ nữ nhanh nhảu đáp khi chúng tôi hỏi đường. Gặp ông Thuận trong một buổi chiều cuối tuần, thấy người họa sĩ này đang phác thảo bức chân dung Bác Hồ với lá cờ Quyết thắng, chúng tôi chưa dám đánh tiếng vì sợ mất đi nguồn cảm xúc của ông. Bàn tay ông thoăn thoắt, đôi mắt rực sáng nhìn chăm chú cho đến khi bức ký họa hoàn thành. Nhấp giọng một hớp chè xanh sóng sánh, ông Thuận kể lại cho chúng tôi nghe về cơ duyên đến với nghề tranh của mình. Sinh năm 1948, vốn quê gốc Nam Đàn nhưng lại sinh ra ở cố đô Huế, lên 4 tuổi, cậu bé Võ Đức Thuận theo gia đình ra huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An an cư lạc nghiệp. Lớn lên, Thuận được bố mẹ và hàng xóm ở đây kể lại rất nhiều chuyện về lãnh tụ Hồ Chí Minh. Từ đó, lòng thành kính của tuổi thơ về Bác Hồ cứ in hằn trong tâm thức Thuận. Trong lần Bác Hồ về thăm quê 1957, lúc đó Thuận mới 9 tuổi. Nghe bà con xung quanh hồ hởi đi đón Bác, Thuận cũng nũng nịu đòi mẹ dẫn đi theo. Khi đến nơi, bà con đã vây kín xung quanh Bác Hồ nên Thuận và mẹ chỉ kịp nhìn Bác đi giữa hai hàng người đông đúc. Lần ấy, Thuận nhớ mãi và tự hứa với mình sẽ học thật giỏi để trực tiếp được gặp Bác Hồ ở Hà Nội. Rồi trong lần Bác về thăm quê năm 1961, tức là 4 năm sau Thuận lại háo hức đi theo đám bạn cùng trang lứa để được tận mắt nhìn thấy Bác. Lúc cậu bé Thuận cùng với đám trẻ đến nơi thì không chen nổi vào đám đông để đến gần Bác Hồ. Rồi khi Bác đi xa, Thuận khóc ròng tiếc nuối. Hình ảnh Bác Hồ theo năm tháng cứ hòa quyện vào tâm trí của Võ Đức Thuận tới mãi sau này. Bức tranh Bác Hồ về thăm quê Cơ duyên Năm 17 tuổi, cùng với lớp lớp trai làng lên đường ra trận, Võ Đức Thuận tình nguyện tham gia vào đội Thanh niên xung phong Nghệ An ngày đêm mở đường, bắc cầu cho xe vào tiền tuyến. Võ Đức Thuận cùng với TNXP đơn vị C33 - N9 tỉnh đội Nghệ An xây dựng cầu Cấm để phục vụ chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Năm 1969, nhờ có năng khiếu hội họa, Võ Đức Thuận được cử đi học lớp kẻ vẽ pa nô, áp phích tại Trường Điện ảnh Trung ương. Những năm 1970 - 1978, ông Thuận được điều về phục vụ phát hành và chiếu phim ở Rạp 12/9 Nghệ An. Lúc này, ông cùng với các đồng chí trong Rạp 12/9 đi phục vụ chiếu phim cho các chiến sĩ đang bám trụ chiến đấu ở các trọng điểm đánh phá của giặc Mỹ như: Cầu Cấm, Truông Bồn, U Bò… rồi các địa phương khác trong tỉnh.Từ năm 1979 - 1988, ông được Bệnh viện Phong - Da liễu Quỳnh Lập nhận về để phục vụ cho việc tuyên truyền kiến thức về phòng, điều trị bệnh phong - da liễu. Trong quá trình công tác tại rạp chiếu phim, thấy ông Thuận có năng khiếu về hội họa nên lãnh đạo rạp luôn cử ra làm công tác chuẩn bị kẻ vẽ các panô, áp phích tuyên truyền nội dung chiếu phim và chính sách của Đảng ta. Từ đó, đi đến đâu, ông cũng được dịp "trổ tài" vẽ các bức tranh chân dung về Bác Hồ, kẻ vẽ khẩu hiệu phục vụ cho cuộc chiến đấu chống Mỹ, cứu nước. Những thước phim tư liệu chiếu về Bác Hồ đã hấp dẫn, lại được tuyên truyền trên áp phích một cách rộng rãi khiến bà con càng thêm kính trọng vị lãnh tụ của dân tộc và tăng thêm sức mạnh chiến đấu. Cũng từ đây, cơ duyên để một họa sĩ nghiệp dư như Võ Đức Thuận ngày càng bén sâu trong việc vẽ những bức chân dung về Hồ Chủ Tịch. Những bức ảnh Bác Hồ được ông vẽ lại rất sinh động, thể hiện được phong thái ung dung của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Những ngày đầu còn khó khăn, chất liệu vẽ do ông tự chế từ nước quả mùng tơi, quả dành dành, cà phê đặc và lá hòe… Đến nay, chất liệu vẽ của ông chủ yếu là sơn dầu và bột màu. Ông Thuận tâm sự: "Đề tài về Bác Hồ được rất nhiều họa sĩ sáng tác, nhưng với tôi, được vẽ chân dung Người là một niềm hạnh phúc. Tình cảm, đạo đức và công lao của Bác luôn là nguồn cảm xúc sáng tạo trong mọi bức vẽ của tôi. Nay, các con tôi cũng đã trưởng thành, tuổi già như tôi phải làm một cái gì đó để truyền dạy cho con cháu sau này hiểu hơn về Bác Hồ muôn vàn kính yêu của chúng ta. Tôi vẽ Bác Hồ bằng cả lòng thành kính suốt mấy chục năm nay". Cũng ngần ấy năm, ông đã sưu tầm những tấm ảnh tư liệu về Bác Hồ để phác họa chân dung Người theo khổ lớn hơn, chân thật hơn. Mỗi bức họa do ông vẽ về Bác có khi mất cả tháng trời chỉ để góp cho phòng tranh của riêng mình phong phú hơn. Với ông, tranh vẽ về Bác Hồ không có giá nào có thể đánh đổi được. Hơn 200 bức tranh về Bác Hồ Tính đến nay, trong tổng số trên 200 bức tranh ông Thuận vẽ về Bác, thì đã có trên 100 bức chân dung Bác Hồ. Ủng hộ ý nguyện của ông, con cháu dù đã ra công tác hay đang đi học nhưng vẫn luôn tìm kiếm, sưu tầm những bức ảnh về Bác Hồ để làm tư liệu cho ông vẽ. Ông kể, bức ảnh mà ông vẫn coi là món quà vô giá, là bức "Bác nhớ miền Nam nỗi nhớ nhà" của cháu Võ Đức Hiển sưu tầm được mang về cho ông. Bốn mươi ba năm say sưa vẽ hình ảnh Bác là chừng ấy thời gian ông Thuận thấm nhuần hơn công lao trời biển, đạo đức trong sáng, chí công vô tư của Người đối với dân tộc. Mỗi bức tranh là dấu ấn ghi lại những công việc, chặng đường mà Bác đã đi qua. Hàng năm, vào các dịp lễ lớn các em học sinh thường được các thầy cô tổ chức cho tham quan những bức ảnh Bác Hồ tại phòng tranh nhà ông. Phòng tranh về Bác Hồ thực sự là kho tư liệu quý, giáo dục thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về cuộc đời Hồ Chủ Tịch. Không chỉ các em học sinh mà ngay cả người dân nơi đây cũng rất yêu quý và cảm phục trước tấm lòng đối với vị cha già dân tộc của ông. Từ việc vẽ tranh về Bác Hồ, ông Thuận đã thấm nhuần tấm gương đạo đức của Bác, sống và làm việc theo gương Bác, được gia đình, bà con xóm giềng và người dân nơi ông sống cảm phục, tin yêu. Đến nay, phòng trưng bày tranh về lãnh tụ Hồ Chí Minh do ông Võ Đức Thuận vẽ đã lên đến hàng trăm bức. Mỗi tác phẩm là một nét chấm phá thể hiện phong cách sống của Hồ Chủ Tịch. Bao nhiêu năm qua, ông Thuận vẫn thầm lặng đi tìm hình ảnh Bác. Anh Quân

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/20110904095953440p1001c1049/nguoi-hoa-si-nghiep-du-va-40-nam-ve-chan-dung-bac-ho.htm