Người đi bắc những nhịp cầu treo

Những chuyến khảo sát như vậy là những kỷ niệm mà có lẽ chỉ những người đi làm cầu treo mới có…

Cán bộ quản lý dự án của Ban QLDA 3 (Tổng cục ĐBVN), anh Đỗ Văn Đăng

Để hoàn thành Đề án xây dựng 186 cầu treo dân sinh cho các vùng đồng bào dân tộc, những cán bộ quản lý dự án của Ban QLDA 3 (Tổng cục ĐBVN) như anh Đỗ Văn Đăng phải đến tận nơi “mục sở thị”, giải quyết từng vướng mắc nhỏ trong quá trình thi công. Những chuyến khảo sát và bám sát công trường như vậy là những kỷ niệm mà có lẽ chỉ những người đi làm cầu treo mới có…

Hình ảnh khiến anh Đỗ Văn Đăng, Trưởng phòng Điều hành dự án 2 (Ban QLDA 3) khắc sâu vào tâm trí, đó là chiếc móc sắt mà người dân sử dụng để vượt qua suối xuất hiện trên sân khấu của chương trình “Nhịp cầu yêu thương” do Bộ GTVT phát động để quyên góp xây dựng cầu treo cho các vùng đồng bào dân tộc, diễn ra vào tháng 1/2015. Anh Đăng nói, hình ảnh đó khiến anh nhớ lại câu chuyện một người dân ở Kon Tum dùng móc sắt qua suối và bị rơi xuống tử vong. Trước đó, anh đi khảo sát tại vùng Tây Nguyên và hình ảnh chiếc móc sắt bên hông những đồng bào như một điều gì đó thật xót xa.

“Khi đến nơi, nói chuyện với bà con ở một xã Tây Nguyên, họ bảo, một năm có hộ dân phải vận chuyển hàng ngàn tấn ngô từ nương rẫy về nhà bằng cách “đi” qua những sợi dây cáp như vậy, rất vất vả, cực nhọc. Vì thế, chúng tôi dù có vất vả bao nhiêu để đi khảo sát, khi chứng kiến những điều đó của bà con cũng không thấm tháp gì”, anh Đăng kể.

Cầu treo Nam Công (Hà Nam) được khởi công từ tháng 7/2014, với vai trò là đại diện của Ban QLDA, những cán bộ như anh Đăng phải khảo sát, nắm bắt địa hình, địa vật, nhu cầu sử dụng của người dân để xác định vị trí xây cầu. Theo đề xuất của địa phương, vị trí xây dựng cầu treo đều nằm sâu trong những nơi hẻo lánh nên để đến được thường rất khó khăn.

“Có lần vào bản khảo sát, xe ô tô không đi được, chúng tôi phải thuê xe máy của bà con địa phương. Thật bất ngờ khi hỏi thuê xe của một người dân sống ven đường, chúng tôi nhận được câu trả lời hết sức mộc mạc: “Bà con ở đây chỉ cho mượn chứ không cho thuê xe. Những kỷ niệm đó có lẽ chỉ những người đi xây cầu treo mới có được”, anh Đăng tâm sự.

Theo đề án của Bộ GTVT, chỉ trong hơn một năm phải hoàn thành 186 cầu treo. Trong số đó, Phòng Điều hành dự án 2 quản lý 96 cầu, trải dài khắp 15 tỉnh, thành, nay cơ bản đã hoàn thành. Hiện chỉ còn một số cầu đang được hoàn thiện nốt.

“Giờ đây, mỗi tuần qua đi lại có những cây cầu treo mới được hoàn thành, đem lại niềm vui lớn cho đồng bào dân tộc và nhân dân địa phương. Đấy cũng là niềm vui vô bờ của những người đi mở tuyến, làm cầu treo như chúng tôi. Tất cả những điều này cũng là động lực để chúng tôi hoàn thành nốt những cây cầu còn lại và tiếp tục thực hiện giai đoạn 2 của dự án xây cầu treo dân sinh cho các vùng khó khăn trong thời gian tới”, anh Đăng tâm sự.

Với những thành tích đạt được, anh Đăng là cá nhân tiêu biểu của Ban QLDA 3 được lựa chọn về dự Hội nghị điển hình tiên tiến của Tổng cục Đường bộ VN năm 2015.

Tiến Mạnh

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/nguoi-di-bac-nhung-nhip-cau-treo-d118302.html