Người dân tộc thiểu số kể chuyện bằng hình ảnh

Tự kể câu chuyện về văn hóa của dân tộc mình thông qua những bức ảnh là công việc mà nhiều người dân Mông, Dao những ngày này đang say mê thực hiện. Từ những người dân vốn chỉ quen với nương rẫy nay họ đã tự chụp và sáng tạo nên hàng ngàn tác phẩm nhiếp ảnh độc đáo, sinh động và đầy cảm xúc. Đằng sau mỗi bức ảnh là một câu chuyện chân thực, được người chụp tìm hiểu và kể lại với cái nhìn rất riêng mang đậm bản sắc của mỗi dân tộc.

Những khoảnh khắc đời thường được

người dân 2 xã Nậm Búng, Suối Giàng ghi lại

Văn hóa người Dao dưới mắt nhìn người trong cuộc

6h sáng, núi rừng vẫn chìm trong sương, chúng tôi đã có mặt tại thôn Nậm Chậu, xã Nậm Búng, huyện Nghĩa Lộ, Yên Bái. Chưa kịp tỉnh sau một chặng đường dài, loạng choạng bước xuống xe bất chợt đứa trẻ chừng 7 tuổi giơ chiếc máy ảnh lên nheo mắt chụp đánh tắc rồi cười giòn tan bảo "Người Kinh cũng say ngựa sắt kìa”.

Nhằm đánh thức niềm tự hào và ý thức giữ gìn vốn văn hóa của các cộng đồng người dân tộc thiểu số, Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) thực hiện chương trình "Photovoice - kể chuyện bằng hình ảnh”. Được trang bị những chiếc máy ảnh phổ thông, những hiểu biết căn bản về kỹ thuật chụp, những người dân trước đây chưa từng chụp ảnh nay đã sáng tạo nên hàng ngàn tác phẩm nhiếp ảnh độc đáo, sinh động và đầy cảm xúc.

Ông Triệu Trung Hương trưởng bản hồ hởi kể: Lúc mới cầm máy tay run lắm, nhất là lúc chiếc máy ảnh phát sáng. Nhưng được các thầy hướng dẫn nên giờ đã "khống chế” được nó, bắt nó phải làm theo ý mình. Sau khi sử dụng được máy ảnh, các thầy còn mách cho thời điểm bấm máy, góc độ chụp, bố cục bức ảnh...nên những bức ảnh mình chụp được thầy khen đẹp, không kém tay nghề của nhiếp ảnh gia dưới xuôi là mấy.

"Nhà nào cũng được cấp máy ảnh, mọi người ai cũng thích và quý lắm. Giờ đi làm nương ngoài cái gùi, con dao trong bản ai cũng dắt theo máy ảnh. Ai làm gì, thấy gì đều chụp cho vào máy ảnh. Tối về cả nhà quây quần xem lại những bức hình mình đã chụp, ai cũng cười, vui như được mùa”. Ông Hương tâm sự.

Cầm mấy tấm ảnh mới chụp, em Lý Thị Liều hồ hởi khoe: sinh nhật em đấy, 15 tuổi rồi nhưng lần đầu tiên em được tổ chức sinh nhật và cũng là lần đầu em được chụp ảnh. Giờ ở đây hay tổ chức sinh nhật, nếu người già thì tổ chức ăn cỗ còn người trẻ hoặc trẻ con thì tổ chức ăn bánh kẹo.

"Đây là đám cưới của Mấy và On ở xã Nậm Lành, cũng là người Dao Đen. Khách đến ăn cỗ thường ăn buổi trưa, gia đình nhờ anh em họ hàng đến nấu cỗ hộ. Bây giờ người Dao cũng nấu các món ăn như người Kinh. Mỗi một đám cưới làm cỗ ít nhất cũng phải 30 mâm, mỗi mâm cũng chi phí khoảng 400.000 đồng. Đi ăn cưới quen nhau thì ngồi cùng với nhau chứ không ngồi nam nữ riêng biệt. Mọi người đi ăn cưới đều mặc rất diện, phụ nữ thường mặc những bộ quần áo mới, đeo đồ trang sức”. Lý Phúc Huyến đã kể cho chúng tôi nghe câu chuyện này qua những bức ảnh của mình.

Ước mơ sau mỗi bức ảnh

Theo anh Vàng A Phóng, thôn Páng Cáng, xã Suối Giàng, Suối Giàng không chỉ được biết đến là vùng đất của chè San tuyết mà còn là vùng quê nổi tiếng về sự khéo léo của người phụ nữ Mông trong thêu thùa và sự dẻo dai của người đàn ông khi rèn các vật dụng, nông cụ phục vụ sản xuất.

Người đập búa thường là người đàn ông có sức khỏe, biết một ít về kỹ thuật rèn. Đặc biệt, người Mông có kỹ thuật tôi rất đặc biệt, tự hàn sắt với sắt không cần đến que hàn, và tôi thì rất tốt, tôi bằng thân cây chuối. Dù vậy, sản phẩm này làm ra cũng chỉ để phục vụ người trong bản, chưa được người nơi khác biết đến.

"Để mọi người biết đến sản phẩm của người Mông tôi đã chụp rất nhiều ảnh giới thiệu về cách làm những dụng cụ này. Qua bức ảnh này mọi người biết thêm về văn hóa của người Mông và tìm đến mua sản phẩm của người Mông. Sản phẩm này được bán ra sẽ tạo thêm nhiều việc làm cho người dân Mông”. Vàng A Phóng tâm sự.

Cầm những bức ảnh chụp người phụ nữ Mông vừa đi vừa thêu, Sùng A Câu không giấu niềm tự hào nói: Người phụ nữ Mông rất chăm chỉ. Đi đâu họ cũng thêu. Lúc nào cũng mang vải theo người để tranh thủ thêu. Người phụ nữ Mông tự thêu váy, họ không mất tiền mua mà chỉ mất tiền kim chỉ. Một người phụ nữ Mông có nhiều váy, người nào mà càng chăm làm thì càng có nhiều váy.

Chị Nguyễn Phương Thảo, cán bộ ISEE cho biết: Qua chương trình triển khai tại Yên Bái, cái được lớn nhất cho đồng bào dân tộc thiểu số khi cầm máy ảnh là giúp họ tự tin trong cuộc sống, có cái nhìn mới về sự việc, hoạt động xung quanh mình, góp phần bảo tồn văn hóa của dân tộc Dao và Mông, lưu giữ những khoảnh khắc sinh động trong cuộc sống... Nếu không có chương trình này, ít ai nghĩ rằng những đôi tay chai cứng vì chỉ quen cầm cày cuốc, những đôi mắt vốn chỉ quen nhìn trời đoán thời tiết, nhìn màu nước đoán độ mặn, nhìn ruộng đồng đoán mùa màng... đã chụp được những bức ảnh thật thú vị về cuộc sống quanh mình. Thông qua những bức ảnh người dân còn nói lên ý tưởng và ước mơ của mình. Những bức ảnh đẹp nhất, kể những câu chuyện hay nhất sẽ được trưng bày để trở thành tâm điểm của một Lễ hội đường phố tôn vinh văn hóa các dân tộc Việt Nam, tổ chức tại Hà Nội vào giữa tháng 4 nhân dịp Ngày văn hóa các dân tộc (19-4).

Lê Bảo

Gửi cho bạn bè

Bản in

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=48199&menu=1437&style=1