Người dân không mấy “thiết tha” bảo hiểm y tế

(Petrotimes) - Người khám bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) phải chờ đợi lâu hơn chữa theo dịch vụ; điều trị nội trú kém, có khi phải nằm 2-3 bệnh nhân một giường... khiến nhiều người dần dà quay lưng với BHYT. Đó là thực tế đang diễn ra tại các bệnh viện với thẻ BHYT.

Chờ phát ốm người

Tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, khoảng 400 người khám bệnh bằng thẻ BHYT mỗi ngày, chiếm 46% số bệnh nhân. Tình trạng chờ đợi thủ tục bảo hiểm có nhanh hơn những bệnh viện đông khách khác nhưng cơ bản vẫn phải chờ. Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, TS Nguyễn Văn Vĩnh Châu cho biết, mỗi ngày bệnh viện này tiếp nhận khoảng 1.000 lượt bệnh nhân điều trị nội ngoại trú, 50% dùng thẻ BHYT. Nhận xét sự khác nhau giữa bệnh nhân có thẻ bảo hiểm và không có thẻ, ông Châu cũng khẳng định, do các thủ tục hành chính, bệnh nhân dùng thẻ sẽ phải chờ đợi lâu hơn trong khâu xét duyệt.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, thì giải thích, giá dịch vụ y tế cho bệnh nhân bảo hiểm thấp nên bệnh viện không có tiền tái đầu tư. Hiện khung giá khám tự nguyện và khám BHYT ở Bạch Mai chênh lệch rất nhiều. Giá khám tự nguyện một lần thấp nhất là 30.000 đồng, chênh lệch đến 10 lần so với BHYT. Ông thừa nhận về chất lượng phi y tế thì bệnh viện tư nhân làm tốt hơn bệnh viện công. Nhưng nếu đòi đỏi sự niềm nở ở bệnh viện công bằng với bệnh viện tư là một điều siêu hình. Bởi lẽ bệnh viện tư có quyền từ chối bệnh nhân, còn bệnh viện công thì không. Vì thế nên dù ca khó, 5-6 người nằm một giường bệnh vẫn phải chữa, bệnh nhân đông, bác sĩ lại ít. Một trở ngại khác cho người bệnh và cả bác sĩ trong khám chữa bệnh BHYT là việc chọn thuốc trong danh mục bảo hiểm khi kê toa. Một bác sĩ bày tỏ, một bệnh nhân có bảo hiểm khi nhập viện, thay vì chỉ chú tâm vào điều trị thì bác sĩ lại phải ngồi sàng lọc, cân nhắc các loại thuốc có trong danh mục bảo hiểm. Trong khi đó tại một số nước, bác sĩ không phải làm điều này, bởi người mua bảo hiểm đã được phân loại trước. Những người già yếu, bệnh tật phải mua bảo hiểm giá cao hơn người khỏe mạnh. “Người có bệnh, danh mục thuốc được dùng là tuyệt đối. Bác sĩ chỉ việc chữa trị chứ không cần phải quan tâm thuốc này dùng được, thuốc kia không cho người được BHYT”, bác sĩ này cho biết.

Ông Phạm Minh Thảo, Phó giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho rằng, điều cần làm là đẩy nhanh y tế toàn dân. “Nếu kế hoạch ban đầu là đến năm 2014-2015 Việt Nam có 75% người dân tham gia BHYT thì bây giờ phải đẩy nhanh hơn, phải đạt được trên 80%”, ông Thảo nói. Theo ông Thảo, người dân nên tham gia BHYT ngay từ lúc còn đang khỏe, đóng một kinh phí cố định nhỏ, ốm đau thì đã có quỹ BHYT chi trả để tránh cái bỗng nghèo. Trường hợp bản thân không phải sử dụng bảo hiểm thì đóng phí là hỗ trợ cho người khác như trách nhiệm cộng đồng.

Ông Vũ Xuân Bằng, Phó ban Thực hiện chính sách BHYT, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cũng nêu quan điểm: “Nếu bị cảm xoàng thì đi khám có thể không cần bảo hiểm, nhưng nếu đi chữa bệnh hoặc trong trường hợp tai nạn, thẻ BHYT trở thành cứu cánh vì viện phí khi ấy là cả vấn đề”.

Thiệt thòi khi viện phí tăng

38% người Việt Nam không mua BHYT, đa số là lao động tự do, làm nông hay có hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Theo Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế Trần Đức Long, họ sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất nếu viện phí tăng. Hiện nay nước ta có 62% dân có thẻ bảo hiểm, còn lại 38% không có và những người này đa số là lao động tự do, người làm nông nghiệp hay có hoàn cảnh kinh tế khó khăn.

Khi viện phí tăng, chính những người không có thẻ BHYT này sẽ chịu ảnh hưởng nặng nhất, bởi họ sẽ phải chi trả hoàn toàn chi phí lúc cần khám chữa bệnh. Điều này sẽ khuyến khích người dân mua BHYT. Khi toàn dân đều tham gia bảo hiểm sẽ đảm bảo an sinh xã hội và tạo điều kiện để thực hiện sự công bằng. Nghĩa là, mọi người khi khám chữa bệnh đều được ngân sách Nhà nước hỗ trợ, còn những ai muốn được hưởng dịch vụ cao hơn sẽ phải trả thêm tiền.

Ngoài ra, những người thu nhập thấp có thẻ BHYT cũng sẽ chịu tác động khi 350 dịch vụ y tế tăng giá, bởi việc phải đồng chi trả 5% của 200.000 đồng khác xa với 5% của 1 triệu đồng.

Nhiều người nghĩ không việc gì phải mua BHYT để phòng bệnh, khi ốm mới nghĩ đến. Thực ra, mua BHYT không phải chỉ để dành cho lúc mình ốm đau, mà còn giúp người khác chữa bệnh và đó chính là ý nghĩa nhân văn của BHYT. Tham gia bảo hiểm nghĩa là nhiều người đóng góp cho một số ít người hưởng, nhưng thực tế có thể một người dùng bảo hiểm lại bằng rất nhiều người đóng. Chẳng hạn, một bệnh nhân chạy thận nhân tạo phải chi mỗi năm hàng trăm triệu đồng, thì cần nhiều bệnh nhân đóng vào mới đủ bù chỗ đó. Trường hợp những người bị ung thư cũng vậy.

Sau 3 năm triển khai Luật BHYT, hàng loạt các giải pháp, nhiều ban, ngành cũng như hàng nghìn tỉ đồng đã được đầu tư để phát triển đối tượng tham gia BHYT, đảm bảo quyền lợi tốt hơn cho người tham gia BHYT. Nhờ đó, tỉ lệ bao phủ BHYT đã tăng nhanh chóng, từ 58% năm 2009 lên 60% năm 2010 và 63,7% năm 2011. Nguồn thu từ BHYT cũng không ngừng tăng lên, từ lúc còn âm quỹ năm 2009 đã tiến đến cân đối thu chi và có kết dư, điển hình như năm 2011, số thu quỹ BHYT ước đạt 30.000 tỉ đồng, tăng 16,4% so với năm 2010. Tuy vậy, những thành tựu này vẫn không phủ nhận thực tế rằng, tỉ lệ bao phủ BHYT còn thấp, tính tuân thủ pháp luật về BHYT chưa cao và nhận thức của người dân về BHYT vẫn còn rất nhiều hạn chế.

Trong một buổi sơ kết về BHYT mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận, dù Luật BHYT đã có từ 3 năm nay nhưng hiện vẫn còn nhiều người dân, nhiều hộ nông – lâm – ngư nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh cá thể, doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ làm nghề tự do… không biết mua thẻ BHYT ở đâu, thủ tục tham gia như thế nào, phí ra sao hay người tham gia có trách nhiệm, nghĩa vụ gì và quyền lợi được hưởng như thế nào? Cũng bởi vậy, ngoài các đối tượng bắt buộc tham gia BHYT, những đối tượng được nhà nước hỗ trợ toàn phần phí tham gia và những đối tượng mắc bệnh mãn tính, bệnh nguy kịch thường xuyên phải nhập viện… thì những đối tượng còn lại không mặn mà với chính sách này.

Bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ BHYT – Bộ Y tế cho biết, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do công tác tuyên truyền chưa thường xuyên, chưa thực sự đồng bộ và hiệu quả chưa cao. Trong khi nhiều người, nhiều hộ cá thể muốn tham gia BHYT mà không biết thủ tục thế nào, mua BHYT ở đâu thì ngược lại, tình trạng doanh nghiệp trốn đóng, nợ đóng BHYT còn cao, ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của người tham gia BHYT. Thậm chí có cả những cơ quan, doanh nghiệp Nhà nước cũng trốn đóng BHYT cho viên chức, người lao động.

Ông Lê Bạch Hồng, Tổng giám đốc BHXH Việt Nam cho rằng, tuy đạt được nhiều kết quả trong 3 năm thực hiện Luật BHYT nhưng điều cốt yếu là ý thức tự giác tham gia BHYT của người dân chưa cao, nhiều quy định về điều kiện tham gia BHYT tự nguyện hay một số nội dung hướng dẫn thực hiện BHYT chưa phù hợp với thực tiễn, tình trạng lạm dụng quỹ BHYT đã xảy ra và ngày càng trầm trọng…

Theo ông Hồng, để khắc phục cần sớm sửa đổi Luật BHYT, cụ thể phải tập trung vào các nội dung như quy định về mức hưởng BHYT phù hợp với mức đóng, tăng mức hỗ trợ đóng BHYT từ ngân sách Nhà nước đối với một số nhóm đối tượng như học sinh, sinh viên, người lao động thuộc hộ gia đình nông – lâm – ngư nghiệp có mức sống trung bình… Mặt khác, phải nghiên cứu rà soát để sửa đổi, bổ sung danh mục thuốc BHYT phù hợp với tình hình thực tế của nước ta và khả năng thanh toán của quỹ BHYT, xây dựng và ban hành các quy trình chuyên môn, phác đồ chẩn đoán và điều trị chuẩn nhằm kiểm soát chi phí, hạn chế tình trạng lạm dụng quỹ ở các cơ sở khám chữa bệnh…

K. Lam

(Năng lượng Mới số 138, ra thứ Ba ngày 17/7/2012)

Bài viết liên quan:

“Tăng cường năng lực xây dựng chính sách và quản lý BHYT” Năm 2012: Triển khai mức viện phí mới Tăng viện phí: Nhiều đối tượng sẽ bị ảnh hưởng 40% dân số chưa tham gia BHYT Có nên mở rộng thẻ bảo hiểm y tế?

Nguồn PetroTimes: http://www.petrotimes.vn/2012/07/nguoi-dan-khong-may-thiet-tha-bao-hiem-y-te/