Người đàn bà hát ru Hoàng Sa

Ơ hớ ơ ơ ơ…

Những người vợ mang con ra bờ biển ngóng chồng trở về- Ảnh: Lê Đình Dũng.

Có thể bạn quan tâm

Điệu hát ru não nề vang lên khắp Cù Lao Ré. Tiếng ốc u như từ muôn thuở trước cứ vọng về. Người đàn bà hát ru Hoàng Sa, trong bóng chiều xéo sóng, đứng đó lặng lẽ…

Điệu buồn ốc u

Người đàn bà đó là Đỗ Thị Hảo (70 tuổi, xã An Vĩnh, Lý Sơn). Trên hòn đảo này, chỉ còn mình bà biết hát ru về Hoàng Sa.

Buổi chiều nhập nhoạng, bà hát:

Ơ hớ ơ ơ ơ…

Con ơi con ngủ cho xong

Để mẹ nấu cháo luộc rau cho cha dùng

Chứ ốc u đã thổi lên rồi

Để cha đi giữ biển trời Hoàng Sa

Ơ hớ ơ ơ ơ…

Hoàng Sa là của nước ta

Để người côi cút xâm vào an yên, con ơi

Ơ hớ ơ ơ ơ…con ngủ cho yên

Để mẹ đi tiễn ơ hớ ơ…

Để mẹ đi tiễn cha xuống thuyền chứ tù ơ ơ ơ… kêu.

Đây là bài ‘Ốc u’. Bà kể nó có từ thời xa xưa lắm rồi, thời những người hùng binh theo lệnh chúa Nguyễn ra Bãi Cát Vàng thu lượm sản vật và khẳng định chủ quyền trên quần đảo Hoàng Sa.

Đại Nam nhất thống chí (quyển 6, tờ 18-19) viết về hoạt động của đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải và sự kiện vua Minh Mạng cho người ra dựng chùa lập bia lưu dấu tích trên đảo Hoàng Sa năm 1835, rằng: “Đảo Hoàng Sa ở phía đông Lý đảo huyện Bình Sơn. Từ cửa biển Sa Kỳ ra khơi, thuận gió (đi) 3, 4 ngày đêm có thể đến. Trên đảo nhiều núi la liệt, tất cả hơn 130 ngọn, cách nhau hoặc một ngày đường hoặc vài trống canh. Giữa đảo có bãi cát vàng, bề dài kéo dài không biết mấy ngàn dặm, tục gọi là bãi ‘Vạn lý Trường Sa’, trên bãi có giếng nước ngọt, chim biển tụ tập nhiều không biết bao nhiêu mà kể. Sản sinh nhiều hải sâm, đồi mồi, ốc hoa, giải, ba ba, hàng hóa đồ vật của các thuyền bị phong nạn cũng tích tụ ở đó.

Lúc mới lập quốc đặt ra đội Hoàng Sa gồm 70 người, lấy dân xã An Vĩnh sung vào, mỗi năm cứ tháng 3 ra khơi lấy hải vật, tháng 8 trở về, qua cửa Tư Hiền dâng nạp. Lại đặt đội Bắc Hải, sai đội Hoàng Sa kiêm quản, đi ra các đảo Côn Lôn ở Bắc Hải tìm lấy hải vật. Phía đông đảo gần phủ Quỳnh Châu, Hải Nam, nước Thanh.

Đầu đời Gia Long phỏng theo lệ cũ đặt đội Hoàng Sa, sau lại bỏ; đầu đời Minh Mạng thường sai người đi thuyền công đến đấy thăm dò đường biển, thấy một nơi có cồn cát trắng chu vi 1.070 trượng, cây cối xanh tốt, giữa cồn cát có giếng, phía tây nam cồn có nhiều miếu cổ, không rõ dựng từ thời nào, bia có khắc 4 chữ ‘vạn lý ba bình’.

Cồn cát này xưa gọi là Phật Tự sơn. Phía đông và phía tây đảo đều có đá san hô, nổi lên một cồn có chu vi 340 trượng, cao 1 trượng 2 thước, ngang với cồn cát, gọi là Bàn Than thạch. Năm (Minh Mạng) thứ 16 (1835), sai quan thuyền chở gạch đá đến dựng chùa, ở phía tả chùa dựng bia đá làm dấu. Thời đó các binh lính, dân phu tham gia công việc, đào được lá đồng, gang sắt hơn 2.000 cân…”.

Bà kể: “Tui từ bé đã nghe người lớn hát ru, người trên đảo ai cũng biết hát. Hát ru Hoàng Sa cũng là một trong nhiều thể loại hát ru con. Chỉ có điều, nó buồn”.

Bà Đỗ Thị Hảo- Ảnh: Lê Đình Dũng.

Thưở Lý Sơn còn hoang sơ, vua sai ra biển thu sản vật. Trời nồm tháng 3, tiếng ốc u rúc lên liên hồi, những người vợ Lý Sơn giật thót vội vã vét chĩnh nấu cơm cho chồng chuẩn bị xa khơi. Một chuyến đi dài đằng đẵng không hẹn ngày gặp lại. Bữa cơm của vợ chồng, cha con có lẽ là bữa cuối. Những đứa con thơ dại cứ khóc ré, tiếng tù rúc, người vợ nước mắt ngắn dài mà dỗ con rằng: “Con ơi con ngủ cho xong/Để mẹ nấu cháo luộc rau cho cha dùng/Chứ ốc u đã thổi lên rồi/Để cha đi giữ biển trời Hoàng Sa”.

Người ở lại đảo nát lòng, mà người xa khơi cũng nấc nghẹn. Đã không biết bao nhiêu hòn vọng phu đứng mãi ở bờ đông hòn đảo này. Đã không biết bao nhiêu nấm mộ chiêu hồn cho những xác hùng binh trôi dạt mãi mãi trong nước biển Hoàng Sa. Mùa đông gió bấc, gió chướng, thuyền không về, tiếng chuông gọi hồn của thầy phù thủy leng keng trên vực biển, xuống những mảnh đầu xanh phủ khăn sô…

Ơ hớ ơ…

Hoàng Sa sóng biển vỗ mênh mông

Hải âu chao cánh giữa nắng hồng

Nhớ buổi xa xưa người lính chiến

Ra đi tranh đảo lệnh Gia Long

Ơ hớ ơ

Một chiếc chiếu dày, một sợi mây

Qua đêm yên giấc trên chiếu này

Lặng biển anh về may bó chiếu

Ơ hớ ơ…mộ gió ven đồi, dưới rặng cây

Chiếc chiếu con, treo sợi mây

Từ giã gia đình thuyền nhổ neo

Hơ ớ ơ

Chứ vợ con mòn mỏi trên bến vắng

Thuyền xa hun hút mây chiều

Hơ hớ ơ

Lý Sơn tiễn biệt chàng trai trẻ

Không hẹn cùng em ngày trở về

Nấm mộ chiêu hồn trên bến bậc

Mà người biệt biệt bến nước quê…

(Chiếc chiếu sợi mây)

Bà Hảo có thể hát ru hàng trăm bài, không thể nhớ hết tên, những bài hát thường nhật trong cuộc sống mà người mẹ gửi tâm tư vào đó khi ru con. Trong đó, hát về Hoàng Sa bà nhớ 3 bài là bài Ốc u, Lý Sơn nhớ về Hoàng-Trường Sa, Chiếc chiếu sợi mây.

Bà kể rằng, bài ‘Ốc u’ được truyền từ đời nào không còn nhớ rõ. Đó là tâm sự buồn của những người hùng binh xa khơi nhiều khi một đi không trở lại. Họ hát cho mình, hát cho nỗi buồn của vợ con. Rồi những người vợ cứ vậy mà ru con, mà khóc cho mình, cho chồng.

Từ bao đời nay, người Lý Sơn vẫn vươn khơi hướng về Hoàng Sa- Ảnh: Lê Đình Dũng.

“Ngày xưa đi Hoàng Sa không dễ như bây giờ. Chỉ đi thuyền buồm. Tháng 3 nương theo gió nồm mà dong ra biển. Mùa đông nương gió bấc mà về. Người đi thì nhiều mà người về thì ít. Bão gió, nguy hiểm chực chờ ngoài khơi nên hành trang của những người hùng binh chỉ là nắm cơm vợ dúi, một chiếc chiếu, vài sợi mây để nếu lỡ mất đi thì bạn thuyền cuộn vào trong chiếu buộc lại rồi thả xuống biển. Ở quê nhà, không thấy người về thì nặn đất sét thay hình hài rồi nhờ thầy phù thủy cúng gọi hồn về nhập mà thờ tự”, bà kể.

Mong tìm những truyền nhân

Dòng họ Đặng của chồng bà Hảo cũng có ông Đặng Siểm đã đi trong đội hùng binh Hoàng Sa. Cũng không phải là chuyện hiếm ở đảo này. Trong 15 họ tộc lớn trên Lý Sơn, tộc họ nào cũng có người đi Hoàng Sa theo lệnh triều đình, đã thác gửi thân xác ở khơi xa tổ quốc.

Bà thủ thỉ: “Tui cũng như ai trên đảo này, không thể nào quên Hoàng Sa được, vì đó là tổ quốc mình là một phần, mà lớn hơn là máu thịt, yêu thương của mình còn nằm ở đó. Tui hát lên, tui chảy nước mắt, có đau đớn nào hơn khi những vợ con côi cút tiễn chồng đi biển dữ”.

“Giờ chỉ còn mình bà hát ru Hoàng Sa thì làm sao?”. “Tui cũng muốn truyền lại cho con cháu lắm. Những bài hát này, không chỉ để hát ru, mà nó là hào khí, là lịch sử mà những người vì Hoàng Sa, vì tổ quốc ra đi. Đó là di sản của tiền nhân mà con cháu không hát được thì làm thế nào, tôi cũng trăn trở lắm”, bà Hảo nói. Bà bảo rằng cũng đã nhiều lần nói với mấy ông ở dưới huyện về chuyện này nhưng mấy ổng bảo để mấy ổng tìm người cái đã. Đến nay, vẫn chưa có một lớp học hay một ai chịu theo học hát thể loại này.

Theo bà, hát ru Hoàng Sa nó cũng đơn giản như hát ru các thể loại khác, là những điệu hò à ơi ru con. Thế nhưng, lớp trẻ bây giờ không còn dùng đến nó để ru con nữa. Ngay cả con gái của bà, đã sinh con nhưng ít khi hát ru lắm, chỉ à ơi vài câu dỗ con ngủ, còn nếu hát bài bản thì chắc được nhưng có lẽ ngượng.

Những quá khứ hào hùng vẫn tiếp nối đến hiện tại trong từng bài hát ru của bà Hảo- Ảnh: Lê Đình Dũng.

Lại một cái Tết nữa. Người đàn bà hát ru Hoàng Sa tóc thêm bạc. Hòn đảo Lý Sơn rồi lại rộn ràng với những lễ hội tưởng nhớ các tiền nhân đi mở cõi trên biển, cầu trời phù hộ cho lớp con cháu tiếp tục ra khơi. Và, phải nên, rằng, những tiếng ru dù buồn nhưng ghi dấu công lao của tiền nhân còn nằm lại với Hoàng Sa sẽ còn vang vọng mãi đến thế hệ con cháu.

Chờ một ngày Hoàng Sa về lại với tổ quốc, những tiếng ầu ơ buồn từ muôn thuở nay sẽ là dĩ vãng bi tráng.

(còn tiếp)

Lê Đình Dũng

Nguồn Một Thế Giới: http://motthegioi.vn/xa-hoi/nguoi-dan-ba-hat-ru-hoang-sa-286913.html